Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã chiếm ngôi “vô địch” về nhập khẩu rác nhựa thế giới, chiếm gần một nửa lượng rác thải nhựa toàn cầu. Theo Greenpeace, con số này đạt mức cao nhất vào năm 2012 với 9 triệu tấn rác đã cập bến Trung Quốc.
“Ngôi vị” đã thay đổi
Nhưng “ngôi vị” này đã nhanh chóng thay đổi sau khi Trung Quốc đột ngột cấm hầu hết nhập khẩu chất thải vào cuối năm 2017 để cắt giảm ô nhiễm nặng nề, đi cùng với đó là các giải pháp xử lý, tái chế rác thải.
Theo Greenpeace, từ nay đến năm 2030, dự kiến sẽ có 122 triệu tấn rác nhựa cần tìm nơi cập bến. Và phần lớn trong số đó đang tìm cách đổ bộ vào Đông Nam Á, nơi các quy định, chế tài về nhập khẩu rác thải nhựa đang còn rất nhiều vấn đề, lỏng lẻo về pháp lý và chi phí rẻ hơn các quốc gia khác.
Trong số các quốc gia Đông Nam Á đang bị rơi vào đường đua “vô địch” nhập khẩu rác này, Malaysia đã sớm chiếm vị trí hàng đầu của Trung Quốc. Chỉ với khoảng thời gian ngắn ngủi từ tháng 1-6/2018, Malaysia nhập tới 830.000 tấn rác thải nhựa.
Cùng lúc, các nước khác trong khu vực cũng chứng kiến những con số gia tăng đột biến. Tại Thái Lan, nhập khẩu chất thải nhựa đã tăng gần gấp ba lần từ quý cuối năm 2017 đến quý II/2018 lên khoảng 150.000 tấn.
Tại Philippines, con số này đã tăng gấp 4 lần, lên hơn 1.000 tấn so với cùng kỳ, sau đó tăng vọt lên gần 5.500 tấn trong quý sau đó.
Có thể nói, động thái cấm nhập khẩu rác thải nhựa của Trung Quốc đã thay đổi kịch bản cuộc đua. Và ASEAN trở thành đích ngắm mới của những nhà xuất khẩu rác thải.
Các nước nỗ lực rút khỏi “đường đua”
Mặc dù một số rác thải có thể được tái chế để giúp thúc đẩy ngành sản xuất của nước đang phát triển, nhưng phần lớn số lượng rác nhập khẩu hiện nay là bất hợp pháp. Nên hành trình của số rác này cuối cùng sẽ là đốt cháy hoặc tẩy rửa bởi các hóa chất độc hại và hậu quả tất nhiên là sẽ nguy hại tới môi trường cũng như sức khỏe con người.
Tại Thái Lan, một nhóm gồm khoảng 50 nhà hoạt động Thái Lan, đã tham gia cuộc biểu tình trước cuộc họp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với tấm biển “Không có chỗ cho rác thải”, các nhà hoạt động kêu gọi các nước ASEAN cấm nhập khẩu chất thải từ bất cứ nơi nào trên thế giới vào khu vực.
Với Malaysia, một số lệnh cấm tạm thời hoặc một phần đối với nhập khẩu chất thải đã được chính quyền thực hiện vào giữa năm 2018. Malaysia và Philippines đã bắt đầu vận chuyển các thùng chứa rác được dán nhãn sai hoặc nhập lậu quay trở lại các quốc gia đã mang rác thải đến cho họ. Thái độ của giới chức chính phủ Malaysia là rất kiên quyết. Mới đây nhất, ngày 28/5/2019, quan chức cao cấp Malaysia đã tuyên bố sẽ trả 3.000 tấn rác thải nhựa về các quốc gia mà số rác này xuất phát.
Gần đây nhất là Campuchia cũng vừa trả lại 1.600 tấn rác thải nhựa về lại Canada và Mỹ.
Với những tác hại đến môi trường và sức khỏe con người đã được nhìn thấy rõ từ rác thải nhựa, vấn đề xuất nhập khẩu rác thải đã không chỉ còn là chuyện riêng của bất cứ quốc gia nào, dù là nước nhập khẩu như Malaysia, Philippines, hay nước xuất khẩu chiếm rác thải tỉ trọng lớn nhất thế giới là Mỹ và Canada (hai nước này chiếm một khối lượng lớn rác thải xuất khẩu sang các nước đang phát triển).
Đối với ASEAN, cộng đồng này rất cần một tuyên bố chung khẩn cấp để chấm dứt nhập khẩu chất thải nguy hại từ các quốc gia khác. Mục tiêu mà các nước ASEAN đang hướng tới là tìm cách rút khỏi đường đua nhập khẩu rác, như Trung Quốc đã làm. Và Việt Nam cũng đã đến lúc không thể đứng ngoài cuộc.
Các động thái kiên quyết từ Việt Nam
Tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam năm 2018 là hơn 9,2 triệu tấn, tăng hơn 1,3 triệu tấn so với năm 2017.
Còn thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, có 23.453 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng biển, trong đó 9.825 container lưu trữ trên 90 ngày, chưa làm thủ tục hải quan tính đến đầu tháng 4/2019. Lượng hàng phế liệu tồn nhiều nhất tại Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu với 9.468 container, tiếp theo là Hải Phòng và TP.HCM lần lượt 6.082 và 4.689 container.
Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường đến từ các container phế liệu này giải pháp của Bộ Tài chính là đề xuất bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nếu là lô hàng chứa chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn... cơ quan hải quan yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm vận chuyển ra khỏi Việt Nam.
Đối với Tổng cục Hải quan, cơ quan này đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh, trong đó chú trọng ngăn chặn tối đa ngay từ khi hàng chưa vào đến lãnh thổ Việt Nam kết hợp với các biện pháp tăng cường kiểm tra trong, sau thông quan, điều tra khởi tố các vụ việc trọng điểm.
Nếu hãng tàu không thực hiện, cơ quan hải quan sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam. Quá 30 ngày kể từ ngày thông báo, nếu hãng tàu chưa vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định tiêu hủy. Chi phí tiêu hủy trích từ tiền thu được sau khi bán đấu giá đối với lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường.
Mặc dù về phía chính phủ và các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm giải pháp, thì các doanh nghiệp sản xuất nhựa trong nước lại vẫn đang có xu hướng thích nhập khẩu nhựa tái chế thay vì thu gom, tái chế phế thải nhựa trong nước. Số liệu của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, riêng giai đoạn 2013-2017, ngành nhựa đã nhập khẩu nhựa tái chế Việt Nam đứng vị trí thứ 4 trong 10 nước ASEAN với lượng trung bình 91.400 tấn/năm. Điều này đã tạo ra cơ hội cho các nước có rác thải nhựa cao lựa chọn Việt Nam là điểm đến mới.
Trước những dự báo nguy cơ ASEAN đang trở thành miền đất hứa cho rác thải nhựa, các động thái của Việt Nam cùng với các chế tài, quy định sẽ cần cụ thể, rõ ràng và quyết liệt hơn. Các doanh nghiệp cũng cần có ý thức cân đối về nhu cầu và định lượng nhập khẩu nhựa tái chế.
Để cái tên Việt Nam sẽ không được xướng lên trong danh sách đầu bảng tại cuộc đua nhà vô địch nhập khẩu rác thải nhựa đang rất nóng này, rất cần một giải pháp đồng bộ từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan.