Bị kiểm soát bởi các thủ tục chồng chéo (chưa nói đến tiêu cực), doanh nghiệp nhập khẩu thường phải mất từ hai tuần đến một hay hai tháng làm thủ tục thông quan hàng hoá tại hải quan.
Đọc E-paper
Để hướng đến mục tiêu giảm thời gian thông quan còn 48 giờ vào năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành sửa đổi những văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp (DN), thậm chí ở một số ngành hàng xuất nhập khẩu, DN còn "bị trói" chặt hơn trước.
Thông tư sau "chặt" hơn thông tư trước
Câu chuyện quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với vải mẫu gây khó cho doanh nghiệp đã tốn khá nhiều giấy mực của báo chí, nhưng đến nay câu chuyện này vẫn thời sự.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Thông tư 32 của Bộ Công Thương về kiểm tra chuyên ngành chất formaldehyde và chất admin thơm gây không biết bao nhiêu khó khăn cho DN xuất khẩu hàng dệt may trong hơn 6 năm qua.
Thông tư 37 của Bộ Công Thương ra đời thay cho Thông tư 32 được kỳ vọng hỗ trợ DN dệt may xuất nhập khẩu nhưng Bộ Công Thương lại thêm quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với vải mẫu khiến DN thiệt hại kinh tế và tốn kém thời gian chờ đợi.
Bà Lê Quang Thuận Nhi - Trưởng Phòng Hành chính Công ty May Scavi khẳng định: "Thông tư 37 khiến Công ty gặp rất nhiều vấn đề khi nhập hàng mẫu qua hải quan. Vải mẫu 1 mét, 2 mét cũng kiểm định. Một kiện hàng thường có nhiều loại vải. Với mỗi loại vải như vậy Công ty phải mời cơ quan tới kiểm định mất một vài ngày, phải tốn 1,5 triệu đồng tiền kiểm định. Một kiện hàng có 4 mẫu thì mất 8 triệu đồng và thêm 3 ngày chờ đợi. Không chỉ vải, dây thun, khuy gài, nơ cũng bị kiểm tra, kiểm định tương tự".
Đại diện Hiệp hội Tự động hóa, ông Nguyễn Viết Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Tự động hóa Etec bức xúc: "Để có giấy phép thông quan cho động cơ servo, chúng tôi làm thủ tục theo hướng dẫn của các cơ quan chủ quản từ ngày 11/12/2015 và đến nay vẫn chưa nhận được giấy phép nhập khẩu. Theo Quyết định số 51/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định, động cơ servo phải dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường. Để có giấy chứng nhận dán nhãn tem năng lượng từ Bộ Khoa học - Công nghệ, chúng tôi phải đến Bộ Công Thương, sau đó qua Trung tâm Kỹ thuật - Tiêu chuẩn - Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3), tức phải đi từ Bắc tới Nam, từ Bộ Khoa học - Công nghệ lên Bộ Công Thương suốt một năm mà vẫn chưa có chứng nhận thông quan đối với servo mô tơ. Điều đáng nói trước đó động cơ servo đã được QUATEST 3 đánh giá là động cơ đồng bộ, hiệu suất tiêu thụ năng lượng rất cao và không phải dán nhãn năng lượng khi thông quan tại hải quan".
Có thể nói bên cạnh những thiệt hại tiền bạc, thời gian thì những khốn khó do "hàng rào kỹ thuật" tạo ra đã khiến cho nỗ lực làm giàu chân chính cho mình và cho xã hội của DN giảm đi rất nhiều.
Cũng trong tình cảnh bị thông tư "đè”, ông Nguyễn Văn Trí - đại diện Hiệp hội Cơ khí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc cho biết, do đặc thù kinh doanh, công ty ông phải nhập phôi thép, vậy nhưng mỗi lần nhập phải có giấy phép của Sở Công Thương, Bộ Công Thương, rồi QUATEST 3 kiểm định, lại phải nộp các loại chứng từ như phiếu thanh toán, hóa đơn tài chính...
Và theo Thông tư 12 do Bộ Công Thương ban hành vào ngày 12/6/2015 mới đây thì bên cạnh thủ tục thông thường, DN còn phải xin thêm giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số loại thép. Thủ tục này đã lấy thêm của Lập Phúc 5 ngày làm việc. Mỗi lô thép nhập về phải mất gần 2 tháng chờ giấy tờ, thủ tục mới lấy ra được.
Ông Trí chia sẻ: "Các thủ tục, văn bản chồng chéo như thế làm cho quy trình thông quan tốn thời gian và tiền bạc nhiều vô kể, khiến những DN cơ khí vốn đã gặp rất nhiều khó khăn càng nản lòng".
Chờ "cởi trói"
Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp TP.HCM do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM và Cục Hải quan TP.HCM tổ chức vừa qua, một số DN xuất nhập khẩu cho biết có nhiều trùng lắp trong các văn bản sửa đổi theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ban hành mới đây.
Chẳng hạn với bông sợi, lụa hay đồ hộp bị ách tắc thông quan do các quy định kiểm định động thực vật bị chồng chéo. Với Quyết định 143/QĐ-TTg về việc giảm tải thủ tục hành chính ngành in, theo đại diện của một công ty nhập khẩu máy móc ngành in, văn bản này chỉ thêm các khái niệm chứ quy trình thủ tục không giảm được bao nhiêu.
Quyết định 143 còn thêm quy định giấy in dạng cuộn phải kiểm định thực vật còn giấy tờ thì không. Quy định phải kiểm định thực vật đối với giấy in dạng cuộn làm DN tốn phí thêm mấy trăm ngàn đồng, tốn thời gian và không biết quy định ấy để làm gì!
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 6/2016, trong 309.000 tờ khai chuyên ngành, chỉ có 7 trường hợp vi phạm. Công tác kiểm tra chuyên ngành do vậy vẫn bị trùng lắp, kiểm tra nhiều nơi, một mặt hàng phải xin giấy phép nhập khẩu ở hai ba nơi vẫn đang diễn ra, gây lãng phí lớn cho cả DN và nhà nước.
Tại hội nghị nói trên, đại diện các hiệp hội ngành nghề đã đề xuất áp dụng biện pháp quản lý rủi ro, kiểm tra xác suất để thông quan nhanh hàng hóa, đồng thời nên áp dụng việc công nhận lẫn nhau giữa các nước trong cùng khối kinh tế hay đối với các thương hiệu quốc tế đã được công nhận. Ví dụ với các sản phẩm có thương hiệu như Gucci, cK, Nike... hay hàng hoá của các nước Anh, Nhật, Đức thì kiểm tra formaldehyde là không cần thiết.
>Dệt may ứng phó với “bão giá” nguyên liệu nhập khẩu
>Bộ Tài chính bãi bỏ 8 thủ tục thuế, hải quan
>Thời gian làm thủ tục thuế giảm còn 167 giờ/năm