Nhanh chóng hoàn thiện pháp lý cho nền kinh tế số

Mỹ Huyền| 03/03/2023 01:00

Theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài phát sinh doanh thu tại Việt Nam phải nộp thuế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần làm rõ thu nhập để làm căn cứ tính thuế.

Sự bùng nổ của ChatGPT làm dấy lên tin đồn rằng hàng loạt việc làm sẽ biến mất. Nhưng ít ai chú ý đằng sau sự nổi tiếng của ChatGPT là những người dán nhãn dữ liệu ở Kenya nhận mức lương khoảng 1,32-2 USD mỗi giờ. Dữ liệu được dán nhãn sau đó lại được các chuyên gia chỉnh sửa lại nếu người dùng "dislike". Những chuyên gia này cũng chỉ được trả lương theo giờ làm việc.

Chỉ hơn ba tuần ChatGPT "khuấy đảo" ở Việt Nam đã có nhiều startup chớp lấy thời cơ, dùng công nghệ GPT để làm cầu nối với khách hàng. ABIT sử dụng GPT trong quá trình giảng dạy. DearAimii có chatbot đóng vai người bạn trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần trong tình yêu. UpBase là công cụ quản lý công việc, dự án cho các công ty vừa và nhỏ. Doanh nghiệp vui mừng vì các nền tảng cầu nối với GPT có thể chia sẻ chi phí tối ưu hiệu suất và cắt giảm giờ lao động. 

Nhưng điều doanh nghiệp không để ý là các nền tảng cầu nối này và ngay cả ChatGPT của OpenAI đang phải sử dụng con người để hoàn thiện dữ liệu trước khi đến tay người dùng. 

Nền kinh tế chia sẻ có thực sự chia sẻ?

Bà Ngọc Lê - quản lý dự án và nghiên cứu kinh tế tại Viện Nghiên cứu Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) bình luận: "Khó tránh khỏi việc một số công việc có thể biến mất do sự thay thế của AI. Nhưng sẽ có một số công việc khác xuất hiện và hợp tác cộng sinh. Trong nền kinh tế chia sẻ, mối quan hệ giữa một tổ chức và các nền tảng dịch vụ ứng dụng công nghệ cộng sinh để tối ưu hóa chi phí. Mô hình kinh tế chia sẻ tuy không nhắm vào giảm chi phí lao động, nhưng làm thay đổi phương thức làm việc của người lao động và quan hệ cung cầu trên thị trường việc làm. Một người thay vì làm việc toàn thời gian cho một tổ chức, có thể đồng thời làm việc với nhiều doanh nghiệp. Nhiều loại công việc được kết nối ngẫu nhiên giữa doanh nghiệp và người lao động hợp đồng".

Kết nối sẽ hoàn hảo hơn khi người lao động được hưởng đầy đủ quyền lợi. GS-TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện FNF thấy rất cần có quy định của Chính phủ đối với doanh nghiệp sử dụng lao động chi phí thấp như ChatGPT để bảo vệ người lao động, giống như mọi công việc khác trong nền kinh tế.

-7483-1677220994.jpg

Câu hỏi đặt ra là chính sách sẽ được xây dựng theo xu hướng nào để phù hợp và bảo vệ người lao động một cách tối ưu? Doanh nghiệp nào cũng muốn cắt giảm chi phí, giảm thiểu sự ràng buộc giữa nhân viên và tuyển dụng. Hợp đồng với người lao động do đó không quy định trách nhiệm rõ ràng, hoặc thậm chí không ký hợp đồng với người lao động thời vụ. 

Trong khi đó, một số quốc gia đã có những chính sách rõ ràng để bảo vệ người lao động. Chẳng hạn, Anh là thị trường đầu tiên Uber cam kết trả lương hưu và đảm bảo nghỉ phép có lương cũng như đảm bảo mức lương tối thiểu cho tài xế. Do đó, cần xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội cho lao động tự do và quy định mức lương tối thiểu theo giờ.

Việc giao kết hợp đồng phải là hoạt động bắt buộc giữa người sử dụng lao động và người lao động. Để tránh chồng chéo giữa các cơ quan chi trả bảo hiểm xã hội, các nhà cung cấp nền tảng cần có khả năng phối hợp với các cơ quan nhà nước để đảm bảo hệ thống quản lý bảo hiểm được cập nhật dữ liệu liên tục.

TS. Hồ Đắc Nguyên Ngã tại Đại học San Francisco (Mỹ) cho rằng, những công ty có trách nhiệm tạo điều kiện cho người lao động bị mất việc do AI được tái đào tạo phù hợp với môi trường làm việc mới.

Thách thức AI còn nhắm vào loại hình kinh doanh truyền thống chưa kịp bắt nhịp công nghệ. Có khả năng những doanh nghiệp chậm chân cạnh tranh này sẽ dần biến mất vì doanh thu sụt giảm. Các mô hình truyền thống sẽ phải chuyển đổi mô hình với điều kiện chịu được gánh nặng chi phí. Hoặc doanh nghiệp truyền thống phải kết hợp với các nền tảng công nghệ. 

Link bài viết

Trong bối cảnh nền kinh tế chạm ngưỡng suy thoái, đại diện một nền tảng công nghệ về giao thực phẩm cho hay, công ty đã nhanh chóng mở một chi nhánh chung ở trung tâm cho nhiều nhà hàng để họ giảm được chi phí mặt bằng, marketing bằng công nghệ và nhân công nhờ sự hợp tác này. 

Tiết giảm chi phí vận hành và tối ưu hóa nguồn lực xã hội là những mặt tích cực mà AI mang lại cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Thương mại điện tử và tài chính - ngân hàng là hai lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất. Đối với thương mại điện tử, người dùng cuối tiếp cận với sản phẩm đa dạng hơn và tự động hóa việc mua hàng, thanh toán. Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các nền tảng giúp giảm thiểu đáng kể thao tác lặp đi lặp lại cho hàng triệu khách hàng.

Đối với các ngành dịch vụ, nền kinh tế chia sẻ ứng dụng AI giúp khách hàng được phục vụ 24/7 một cách nhanh nhất, người lao động làm việc hiệu quả hơn, người dùng dịch vụ được tận hưởng trải nghiệm cá nhân hóa và nâng cao năng suất của nhân viên. Với tài sản hay nguồn lực nhàn rỗi, "người có chủ” và "người có nhu cầu" tìm thấy nhau thông qua nền kinh tế chia sẻ ứng dụng AI.

Bản quyền và pháp lý về AI

AI đang tạo ra nhiều giá trị thặng dư cho nền kinh tế. Mặt trái là công cụ này sẽ tập trung quyền lực và tài sản chỉ vào một số ít người, gây ra bất bình đẳng gia tăng trong xã hội. Điều này sẽ đặc biệt nghiêm trọng nếu không xây dựng được hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của những người tạo ra thông tin và dữ liệu sơ cấp, dẫn đến giá trị thặng dư tạo ra sẽ nằm trong tay một số ít người nắm công cụ AI.

TS. Hồ Đắc Nguyên Ngã nhấn mạnh về việc thông tin dữ liệu của nhiều người tạo ra như văn bản, hình ảnh, âm thanh... trên Internet đang bị một số công ty công nghệ kinh doanh mà không trả tiền bản quyền. Đây là vấn đề của pháp lý, mà pháp lý thường đi sau công nghệ. Mô hình kinh tế chia sẻ từ AI còn rất mới mà hệ thống luật pháp Việt Nam chưa sẵn sàng. Nếu chính sách của Nhà nước không được tuân thủ chặt chẽ, an toàn thông tin và lừa đảo sẽ gây ra hệ lụy đối với nền kinh tế.

Theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài phát sinh doanh thu tại Việt Nam phải nộp thuế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần làm rõ thu nhập để làm căn cứ tính thuế. Thu nhập từ loại hình kinh doanh trực tuyến theo mô hình kinh tế chia sẻ rất khó tách biệt rạch ròi, đặc biệt là thu nhập từ bản quyền, phí dịch vụ, lợi nhuận kinh doanh. 

Rất cần có quy định về bảo vệ người tiêu dùng và bảo mật thông tin cá nhân. Nhà nước cần sửa Luật Bảo vệ người tiêu dùng để cập nhật tác động của mô hình kinh tế chia sẻ. Quy định về quyền riêng tư dữ liệu phải đạt được sự cân bằng giữa việc tạo điều kiện đổi mới cho nền kinh tế chia sẻ và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhanh chóng hoàn thiện pháp lý cho nền kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO