Việt kiều mua nhà: Vẫn còn những khó khăn

HỒNG THUẬN/DNSGCT| 01/09/2015 08:37

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, các nghị định của Chính phủ và thông tư của các Bộ quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở cần rõ ràng và đơn giản hơn nữa.

Việt kiều mua nhà: Vẫn còn những khó khăn

Nếu như trước kia, Việt kiều muốn mua nhà phải nhờ thân nhân trong nước đứng tên, thì nay họ hoàn toàn có thể mua cho mình, với mục đích đầu tư hay để ở trong những lần về nước.

Đọc E-paper

Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 1/7 vừa qua, cho phép Việt kiều và người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua nhà của các dự án nhà ở thương mại.

Đây thực sự là nguồn cầu tiềm năng đối với thị trường bất động sản, tuy nhiên để chính sách mới thực sự có tác động tích cực đến thị trường, vẫn cần thêm thời gian.

Ngoài ra, những quy định cũng phải thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho những đối tượng này dễ dàng sở hữu nhà ở.

Theo Ủy ban về người Việt ở nước ngoài, cộng đồng Việt kiều hiện có khoảng 4,5 triệu người, sinh sống tại 103 nước và vùng lãnh thổ.

Những đóng góp của lực lượng này cho đất nước thời gian qua là rất đáng kể. Chỉ tính riêng về kiều hối, những năm gần đây chúng ta luôn thuộc Top 10 các quốc gia nhận kiều hối hàng đầu thế giới.

Theo Ngân hàng Nhà nước, lượng kiều hối chính thức vào nước ta là trên 11 tỷ USD/năm, tương đương khoảng 6,5% GDP.

Lượng kiều hối chuyển về nước đa phần để cho thân nhân tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư, trong đó có một bộ phận không nhỏ đổ vào thị trường địa ốc.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2015, đã có 2,16 tỷ USD kiều hối chuyển về TP.HCM, khoảng 21,8% trong số đó đổ vào bất động sản.

Dự báo năm nay TP.HCM sẽ nhận khoảng 5,3 - 5,5 tỷ USD kiều hối. Tính trên cả nước, cũng với tỷ trọng khoảng 20% lượng kiều hối gửi về đổ vào bất động sản, mỗi năm chỉ riêng dòng tiền này đã vào khoảng 2,2 tỷ USD. Một khi chính sách mới đi vào thực hiện, dòng tiền này chắc chắn sẽ còn cao hơn.

Tuy nhiên, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho Việt kiều mua nhà, theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, các nghị định của Chính phủ và thông tư của các Bộ quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở cần rõ ràng và đơn giản hơn nữa.

Đó là lý do vì sao mà trung tuần tháng 8 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã gửi văn bản góp ý bổ sung quy định cho phép người Việt ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở như người trong nước.

Chẳng hạn, do hoàn cảnh lịch sử, nhiều Việt kiều không còn giữ được những chứng thư hộ tịch của bản thân như khai sinh, hộ chiếu cũ, tờ khai gia đình, sổ hộ khẩu, căn cước, chứng minh nhân dân… và nhiều trường hợp cơ quan Nhà nước hiện nay cũng không còn lưu giữ hồ sơ hộ tịch gốc của họ.

Khi ấy, để xác định nguồn gốc người Việt của Việt kiều, có thể sử dụng thông tin trên giấy căn cước, hộ chiếu của nước sở tại cấp cho người Việt ở nước ngoài có ghi rõ nơi sinh là Việt Nam.

Ngoài ra, nhằm rút ngắn hơn về thời gian và giảm chi phí, nên cho phép Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài của Hà Nội và TP.HCM được quyền cấp giấy chứng nhận nguồn gốc người Việt, đồng thời có giá trị vĩnh viễn thay vì năm năm như hiện tại.

Hay khi được gia hạn quyền sở hữu nhà ở thì tổ chức, cá nhân nước ngoài không phải chịu thêm chi phí nào khác ngoài lệ phí hành chính… Hiệp hội cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị định quy định điều kiện, thủ tục để tổ chức, cá nhân nước ngoài chuyển khoản tiền từ ngân hàng nước ngoài về nước để mua nhà ở, hoặc thủ tục vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở; và thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài sau khi bán nhà.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại nước ta, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị định cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam được cấp visa với thời hạn dài, có thể khoảng từ 1 - 3 năm, được xuất nhập cảnh nhiều lần, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc hoàn thiện các chính sách cho Việt kiều được sở hữu nhà tại Việt Nam, không chỉ tạo cơ hội thuận lợi cho kiều bào về nước làm ăn, mà còn góp phần vào việc phát triển kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

>Xe Việt kiều: Phải đăng ký xong mới được bán

>Kết nối với Việt kiều để xuất khẩu hàng hoá

>Doanh nhân Việt kiều bàn cách bán hàng Việt

>Việt kiều mua nhà: Trên “thông”, dưới chưa “thoáng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt kiều mua nhà: Vẫn còn những khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO