Thị trường coworking space Việt Nam trước bước phát triển mới

THANH HẢI| 06/09/2018 03:37

Sau những bước đi dò dẫm ban đầu, mô hình coworking space (không gian làm việc chung) tại Việt Nam hiện đã bắt đầu tăng tốc với một loạt dự án mới.

Thị trường coworking space Việt Nam trước bước phát triển mới

Dù không nằm ở những tòa nhà hạng A, mô hình không gian làm việc chung vẫn có sức thu hút riêng với đa số giới trẻ

Sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang khiến thị trường văn phòng cho thuê kiểu mới này nóng lên từng ngày.

Sau một thời gian im ắng, thị trường văn phòng cho thuê đã sôi động trở lại. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản Việt Nam đã được chứng kiến những thành tích vượt trội của phân khúc văn phòng cho thuê với tỷ lệ lấp đầy hơn 95% tại TP.HCM và vẫn tiếp tục tăng lên, đặc biệt là các công trình hạng A.

Không chỉ vậy, nguồn cung văn phòng ở khu vực trung tâm thành phố vẫn khan hiếm, việc tìm kiếm mặt bằng có diện tích lớn không còn dễ dàng. Công suất thuê của toàn thị trường liên tục tăng mạnh trong 2 năm vừa qua và đạt 94% trong quý IV/2017. Riêng khu vực trung tâm, công suất hiện tại là 97% và dự kiến ngày một tăng nếu thị trường không có thêm bất cứ dự án văn phòng chuyên biệt nào đi vào hoạt động trong năm 2018. Đây là cơ hội lớn để mô hình kinh doanh coworking space tạo bứt phá ở Việt Nam.

Trên thế giới, mô hình coworking space đang trên đà phát triển với tốc độ trung bình hơn 50%/năm trong vòng 5 năm qua. Trị giá các công ty kinh doanh coworking space cũng tăng nhanh tới “chóng mặt”. Điển hình là WeWork chỉ sau 7 năm ra mắt đã trở thành startup lớn thứ ba tại Mỹ và thứ sáu trên thế giới với trị giá 20 tỷ USD. Mới đây, WeWork đã thâu tóm thành công một coworking space lớn tại Trung Quốc là nakedHUB (đơn vị đang sở hữu 2 trung tâm coworking space tại Hà Nội và TP.HCM), đặt nền móng cho việc mở rộng hoạt động của mình ở thị trường châu Á trong đó có Việt Nam.

Link bài viết

Theo báo cáo của CBRE trong 6 tháng đầu năm 2017, thị trường coworking space Việt Nam đã xuất hiện 17 đơn vị kinh doanh vận hành 22 điểm với tổng diện tích 14.500m2. Đến hết quý I/2018, số lượng các đơn vị điều hành đã tăng thành 40, cung cấp cho thị trường 50 điểm với tổng diện tích khoảng 30.000m2. Tuy nhiên, hầu hết diện tích trung bình của mỗi coworking space ở Việt Nam chỉ có quy mô trên dưới 1.000m2, không đủ không gian và diện tích đạt chuẩn một coworking space đúng nghĩa, trong khi trên thế giới quy mô một điểm coworking space có diện tích khoảng 2.000 – 5.000m2.

Ước tính đến hết năm 2018, thị trường coworking ở Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh cả về số lượng lẫn quy mô, tổng diện tích coworking space cuối năm sẽ tăng trên 90.000m2, đạt mức tăng trưởng 58%/năm. Tỷ suất lợi nhuận được một số người làm trong ngành chia sẻ ở mức 10%.

Giúp giảm chi phí vận hành là một trong những lý do chính để coworking space phát triển, giúp tiết kiệm từ 30 – 65% cho doanh nghiệp so với tự thuê, đầu tư và vận hành một văn phòng truyền thống. Với tiềm năng đó, giới chuyên môn dự đoán thời gian tới lĩnh vực này sẽ chứng kiến cuộc đua gay cấn giữa các nhà đầu tư trong nước với những tên tuổi lớn trong khu vực và thế giới.

Sau thương vụ mua bán thành công nakedHUB của Trung Quốc, WeWork sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Ucommune, JustCo, the Hive… cũng đang lên kế hoạch xâm nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Thị trường coworking space ở Việt Nam cũng mới đón nhận một tân binh là CoGo, chính thức gia nhập thị trường từ tháng 6 vừa qua với chuỗi 3 trung tâm lớn đầu tiên với tổng diện tích sàn hơn 7.000m2.

Mới tham gia thị trường, CoGo tạo ưu thế cạnh tranh bằng cam kết luôn dành ngân sách hằng năm tối thiểu là 5 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp thông qua chính sách tài trợ 200 vị trí làm việc miễn phí (tương ứng 10% tổng số vị trí làm việc tại CoGo) cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.

Qua những tín hiệu tích cực trên, 2018 được kỳ vọng sẽ là một năm bùng nổ của loại hình coworking space với những thay đổi mạnh mẽ về số lượng, chất lượng cũng như quy mô của các đơn vị tham gia kinh doanh. Bà Nguyễn Hoài An đại diện của CBRE Việt Nam nhận định: “Do mô hình này hiện nay vẫn còn khá mới mẻ nên còn nhiều dư địa phát triển và tốc độ dự kiến sẽ còn gia tăng mạnh mẽ trong những năm tới”.

Về mặt vị trí, không gian làm việc chung ở Việt Nam nhìn chung không nằm ở các tòa nhà hạng A, do đơn vị vận hành cần giữ giá thuê ở mức hợp lý, mà chủ yếu nằm tại các tòa nhà ở khu vực ngoài trung tâm. Về phương thức tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư ngoại, đại diện CBRE Việt Nam cho rằng, sự xuất hiện của các đơn vị vận hành theo chuỗi sẽ mở đầu cho giai đoạn hợp nhất và các hoạt động sáp nhập, mua lại trong ngành. Điều này sẽ khiến các không gian làm việc chung đang hoạt động kém hiệu quả, hoặc không còn phù hợp, phải đóng cửa, nếu các nhà đầu tư không cải thiện chất lượng dịch vụ.

Khảo sát của CBRE tại Việt Nam còn cho thấy, 91% số người sử dụng không gian làm việc chung có độ tuổi dưới 35. Tỷ lệ này cao hơn so với trung bình thế giới là 67%. Nếu như những tiện ích cho thuê được coi là “phần cứng” thì “phần mềm” của một coworking space là sự tương tác tích cực giữa các thành viên. Để tạo được giá trị cộng thêm này, người quản lý một không gian làm việc chung thường phải nắm rõ thông tin, kết nối thành viên khi nhận thấy khả năng hợp tác giữa họ qua các buổi sinh hoạt chung.

Không gian tại các coworking space cũng thường được bố trí để các thành viên tương tác với nhau một cách tự nhiên, tổ chức những chương trình hội thảo, workshop để cung cấp kiến thức và kinh nghiệm cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường coworking space Việt Nam trước bước phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO