Nhà giá rẻ: Vấn đề là cách tiếp cận vốn

ĐẶNG HẢI| 30/10/2014 04:04

Giá BĐS ở Việt Nam thấp hơn một số quốc gia trong khu vực nhưng điều quan trọng là người mua phải được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay.

Nhà giá rẻ: Vấn đề là cách tiếp cận vốn

Giá BĐS ở Việt Nam thấp hơn một số quốc gia trong khu vực nhưng điều quan trọng là người mua phải được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay.

Tạm gọi hội thảo về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mà Vietcombank phối hợp với Công ty CP Đầu tư Nam Long tổ chức cuối tuần qua là "ngày hội mua nhà”. Người dân có nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM vẫn còn khá cao, đặc biệt là giới trẻ.

Hội thảo đông nghẹt khách tham dự, hơn 70% khách đến tìm hiểu về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ là những người trong độ tuổi từ 25 - 40 và thuộc nhóm sở hữu căn nhà đầu tiên. Điều này cho thấy, cái nút thắt lớn nhất để bên mua và bên bán gặp nhau là công cụ tài chính hỗ trợ.

Trả lời Báo Doanh Nhân Sài Gòn bên lề hội thảo, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long, cho biết, nếu xét cùng phân khúc, cùng vị trí, giá BĐS ở Việt Nam đang thấp hơn Thái Lan và Philippines từ 1,5 - 2 lần. Đây là cơ hội để người có nhu cầu tại Việt Nam sở hữu nhà ở.

Nếu xét về chi phí tiếp cận vốn vay, tại Thái Lan và Philippines, người mua nhà đang trả mức lãi suất (bằng USD) từ 4 - 6%/năm, trong khi Úc và Malaysia là 5 - 6%/năm. Như vậy, lãi suất hiện nay của gói 30.000 tỷ đồng hoàn toàn có thể cạnh tranh được với mức lãi suất được áp dụng tại những quốc gia vừa nêu.

Thêm nữa, so sánh giữa lãi suất vay thương mại và lãi suất vay theo gói 30.000 tỷ đồng khi mua căn hộ EHome của Nam Long thì mức chênh lệch từ 150 - 200 triệu đồng/căn.

Rõ ràng, lợi ích của gói 30.000 tỷ đồng là điều có thể nhìn thấy cũng như định lượng được. Thực tế, trong 9 tháng đầu năm, gói hỗ trợ này cũng được cho là đã giải ngân mạnh mẽ hơn trước nhưng tính chung hơn 1 năm triển khai, tốc độ giải ngân chỉ đạt 10%.

Con số này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của những người tham gia thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chi nhánh TP.HCM, có 3 nguyên nhân tác động đến tốc độ giải ngân.

Trước hết là nguồn cung nhà ở đáp ứng được tiêu chí còn thiếu. Thứ hai là người vay (cá nhân) khó khăn trong việc chứng thực về tình trạng nhà ở tại cơ quan địa phương (UBND phường, xã), nơi người mua đang thường trú hoặc tạm trú.

Thứ ba là nhà phát triển dự án đang gặp khó khăn trong vấn đề thủ tục chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc thay đổi cơ cấu căn hộ có diện tích nhỏ trong một dự án thỏa mãn điều kiện gói cho vay 30.000 tỷ đồng.

Hiện, NHNN đang kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo quyết liệt các xã, phường chứng thực tình trạng nhà ở cho người mua nhà theo Thông tư 18 của Bộ Xây dựng.

Gần đây, người mua nhà cũng khấp khởi với Nghị quyết 61/NQ-CP sửa đổi (ký ban hành ngày 21/8/2014), bổ sung Nghị quyết 02 nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng thông qua việc mở rộng đối tượng cho vay, bổ sung một số ngân hàng thương mại có chức năng cho vay (bên cạnh 4 ngân hàng theo quy định của Nghị quyết 02), điều chỉnh thời hạn cho vay từ 10 lên 15 năm; nới giá trị sản phẩm (tổng giá trị hợp đồng không quá 1,05 tỷ đồng)... Tuy nhiên, đến nay, người mua chưa được thụ hưởng vì các bên liên quan vẫn chưa nhận được thông tư hướng dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà giá rẻ: Vấn đề là cách tiếp cận vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO