Kiến nghị về giá đất

Bảo Trí| 25/11/2019 07:00

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP.HCM văn bản góp ý kiến xây dựng khung giá đất giai đoạn 2019-2024.

Kiến nghị về giá đất

Theo HoREA, TP.HCM vẫn ban hành khung giá đất riêng, thậm chí tăng lên 11 lần để phù hợp với thực tế. Do đó, việc bỏ ban hành khung chung, để toàn quyền cho UBND các tỉnh, thành chủ động ban hành khung giá đất là hợp lý.

Theo đó, đối với TP.HCM, văn bản kiến nghị giữ nguyên mức giá tối thiểu, tăng khoảng 1/3 mức giá tối đa so với mức giá hiện nay. Theo HoREA, Luật Đất đai 2013, tại Điều 13 quy định: "Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng"; Điều 114 quy định: "Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ".

Nghị định 104/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khung giá đất, Điều 5 ghi: "Khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương".

Tuy nhiên, các quy định trên đã dẫn đến tình trạng giá đất trong bảng giá đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phổ biến chỉ bằng khoảng 30-50% giá đất thực tế trên thị trường. Đây là điểm bất hợp lý vì không đảm bảo được nguyên tắc định giá đất phải phù hợp với giá phổ biến trên thị trường theo quy định tại Điều 112 Luật Đất đai.

HoREA kiến nghị, trong thời gian chờ sửa đổi Luật Đất đai 2013, Chính phủ cần sớm ban hành khung giá đất (mới) áp dụng cho giai đoạn 2019-2024, vì khung giá đất hiện nay sẽ hết hiệu lực vào ngày 29/12/2019.

Link bài viết

HoREA nêu rõ các bất cập, hạn chế về phân vùng kinh tế để quy định khung giá đất hiện nay. Đó là việc phân chia vùng kinh tế quá rộng, chưa hợp lý, quy định khung giá đất của các đô thị vùng Bắc Trung bộ có mức giá đất thấp hơn các đô thị thuộc các vùng kinh tế khác, quy định khung giá đất của hai đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP.HCM) có mức giá như nhau, quy định khung giá đất của ba thành phố trực thuộc trung ương (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) có mức giá ngang với mức giá của các đô thị loại 1 trong cùng vùng kinh tế.

Việc quy định khung giá đất ở tối thiểu 1,5 triệu đồng/m2, tối đa 162 triệu đồng/m2, khung giá đất thương mại, dịch vụ tối thiểu 1,2 triệu đồng/m2, tối đa 129,6 triệu đồng/m2, khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tối thiểu 900.000 đồng/m2, tối đa 97,2 triệu đồng/m2 như trong Nghị định 104/2014/NĐ-CP quy định khung giá đất tại đô thị đối với đô thị đặc biệt Hà Nội và TP.HCM hiện nay cũng bất cập.

Do vậy, khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 104/2014/NĐ-CP để công bố khung giá đất (mới) áp dụng cho giai đoạn từ năm 2019-2024, HoREA đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ.

Theo đó, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng phân thành 12 vùng kinh tế: miền núi Đông Bắc, miền núi Tây Bắc, trung du phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, duyên hải Trung Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Bắc Tây Nguyên, Nam Tây Nguyên, Đông Nam bộ, đồng bằng Bắc sông Hậu, đồng bằng Nam sông Hậu.

Bên cạnh đó, khung giá đất của các đô thị cần quy định phù hợp với loại đô thị, tính đặc thù, sự khác biệt và tương quan giữa các đô thị trong cùng vùng kinh tế. Đối với Hà Nội và TP.HCM, quy định khung giá đất riêng, quy định khung giá đất riêng cho từng TP. Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, vì ba thành phố này thuộc ba vùng kinh tế khác nhau.

Riêng TP.HCM, HoREA kiến nghị quy định khung giá đất theo hướng giữ nguyên mức giá tối thiểu, tăng khoảng 1/3 mức giá tối đa so với mức giá hiện nay. Cụ thể, khung giá đất ở tối thiểu là 1,5 triệu đồng/m2, tối đa 215,4 triệu đồng/m2, khung giá đất thương mại, dịch vụ tối thiểu 1,2 triệu đồng/m2, tối đa 172,3 triệu đồng/m2, khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tối thiểu 900.000 đồng/m2, tối đa 129,2 triệu đồng/m2.

Theo phương án ba và căn cứ Nghị định 44/2014/NĐ-CP, TP.HCM có thể quy định bảng giá đất với mức giá đất cao hơn, nhưng không quá 30% so với khung giá đất.

Trao đổi với phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, HoREA đã khảo sát và đánh giá kỹ từ tình hình thực tế để đưa ra bảng đề xuất này. Trong đó, việc để các tỉnh, thành chủ động về khung giá đất là hợp lý với thực tế diễn biến giá đất.

Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM, việc để địa phương tự chủ về giá đất cần xem xét vì khung giá hiện nay ảnh hưởng đến mức bồi thường cho người dân khi cần giải phóng mặt bằng.

Với ý kiến ấy, theo ông Châu, mức bồi thường hiện nay phụ thuộc nhiều vào cách phân loại nhóm đất hơn là khung giá. Có thời điểm TP.HCM sau khi phân loại nhóm đất đã cho ra mức giá bồi thường cao gấp hàng chục lần so với ban đầu. Theo HoREA, TP.HCM vẫn ban hành khung giá đất riêng, thậm chí tăng lên 11 lần để phù hợp với thực tế. Do đó, việc bỏ ban hành khung chung, để toàn quyền cho UBND các tỉnh, thành chủ động ban hành khung giá đất là hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiến nghị về giá đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO