Hành trình "vào Nam, ra Bắc" của doanh nghiệp bất động sản

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 18/06/2018 06:27

Để mở rộng thị trường, các nhà phát triển bất động sản luôn nhắm đến việc thâu tóm quỹ đất tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Hành trình

Bắc tiến

Báo cáo thường niên 2017 của Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cho thấy, trong số 3 thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) nổi bật mà doanh nghiệp này thực hiện năm qua có việc sáp nhập Công ty CP Bất động sản Sài Đồng - Hà Nội. Theo đó, Đất Xanh nắm 70,99% vốn điều lệ tại Sài Đồng - Hà Nội - đơn vị đang nắm Sai Dong Complex quy mô hơn 10.000m2, gồm 321 căn hộ, 21 nhà phố tại quận Long Biên, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 850 tỷ đồng.

Nói về kế hoạch năm 2018, ngoài công trình trọng điểm Gem Riverside (TP.HCM), DXG sẽ tiếp tục triển khai các dự án do Công ty trực tiếp đầu tư ở Hà Nội cũng như thị trường phía Bắc.

Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG), bên cạnh việc "mở khóa" 2 dự án lớn là khu đô thị Mizuki Park (Nam Sài Gòn) và khu đô thị 350ha Waterpoint (Bến Lức, Long An), năm 2018 NLG sẽ Bắc tiến với các dự án nhà ở tại Hà Nội và Hải Phòng.

Theo chia sẻ của ông Steven Chu - Tổng giám đốc Nam Long, để mở rộng sự hiện diện tại thị trường phía Bắc, NLG đã chọn được đối tác tại chỗ, có sẵn quỹ đất, 2 bên sẽ cùng phát triển dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền. Được biết, quy mô của mỗi bất động sản mà Nam Long hướng đến tại thị trường phía Bắc dao động từ 20 - 50ha, nhằm tạo nên khu đô thị khép kín với đầy đủ tiện ích.

Link bài viết

Trung tuần tháng 5 vừa rồi, Công ty CP Phát triển Nhà Daewon - Thuduc (DWTD) - liên doanh giữa Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) và Tập đoàn Daewon, Hàn Quốc (trong đó, Thuduc House sở hữu 40% vốn góp), đã ký hợp đồng thành lập công ty liên doanh với Công ty TNHH Chế tạo công nghiệp và Gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (VMEP) nhằm góp vốn đầu tư dự án phức hợp tại quận Hà Đông (Hà Nội).

Pháp nhân mới để phát triển dự án là Công ty TNHH Phát triển nhà SYM - DWTD sẽ phát triển khu văn phòng, trung tâm thương mại cho thuê, chung cư cao tầng, nhà thấp tầng trên nền đất hơn 40.600m2. Tổng vốn đầu tư cho dự án này dự kiến 115 triệu USD và thực hiện trong 5 năm.

Trước đó, Thuduc House đã tham gia thị trường bất động sản Hà Nội với khu phức hợp Green Pearl (quận Hai Bà Trưng), gồm nhà phố, căn hộ, shophouse. Theo thông tin từ Thuduc House, hiện nhà ở thấp tầng đã được thị trường tiêu thụ (có sổ đỏ cho từng nhà), còn khu căn hộ đang triển khai xây dựng, kỳ vọng sẽ giới thiệu trong năm nay.

Mở rộng thị trường

Không chỉ các nhà phát triển bất động sản phía Nam mở rộng sự hiện diện ra các thành phố lớn trên cả nước, nhiều doanh nghiệp bất động sản phía Bắc như Vingroup, TNR Holdings, Tuần Châu Group, Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI) cũng Nam tiến.

VPI đã niêm yết trên HNX từ cuối năm 2017 và sẽ chuyển niêm yết sang HoSE trong tháng 6 này. Để chuẩn bị cho việc chuyển sàn, cuối tháng 5 vừa qua, VPI đã giới thiệu cơ hội đầu tư vào Văn Phú Invest, vốn gây chú ý trên thị trường bất động sản từ năm 2009 với dự án khu đô thị Văn Phú (Hà Nội).

Nói về định hướng phát triển, đại diện Văn Phú Invest cho biết, sẽ tiếp tục tích lũy quỹ đất tại các quận nội đô Hà Nội, TP.HCM và các trung tâm du lịch lớn. Văn Phú Invest cũng định hướng tăng cơ cấu sở hữu bất động sản cho thuê trên tổng tài sản và lợi nhuận từ cho thuê bất động sản của Công ty. Theo tiết lộ mới đây của VPI, sắp tới Công ty sẽ xây dựng nhà ở tại trung tâm TP.HCM.

TNR Holdings - nhà phát triển bất động sản đang nắm quỹ đất hơn 400ha tại nhiều đô thị lớn, sau thành công của khu phức hợp The Gold View (quận 4, TP.HCM), TNR Holdings vừa bắt tay với Công ty Tài Nguyên để triển khai khu biệt thự tại quận 7, TP.HCM. Theo chia sẻ từ  TNR Holdings, Công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, mở rộng quỹ đất tại TP.HCM, đặc biệt ở các khu có thể triển khai dòng sản phẩm cao cấp.

Nói về hành trình "vào Nam, ra Bắc" của doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - Phó tổng giám đốc Thuduc House cho rằng, điều này phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp. Nhìn chung, cả Hà Nội lẫn TP.HCM, nhu cầu nhà ở của người dân đều lớn. Ở phía Bắc, thị trường chuộng dòng sản phẩm có diện tích vừa phải, tiện nghi và phải kết nối dễ dàng với khu vực trung tâm. Song, quỹ đất sạch ở thị trường này rất hạn chế, giá đắt, nên để phát triển, nhiều doanh nghiệp sẽ chọn cách khai thác thị trường mới.

Về phía Nam Long, ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cho rằng, dư địa của thị trường nhà ở tại Hà Nội còn rất lớn, nhưng giá nhà tương đối cao và lợi thế của Nam Long là phát triển dòng nhà ở giá thấp, việc kết hợp với đối tác tại chỗ có quỹ đất giá vừa phải sẽ tạo nên sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hành trình "vào Nam, ra Bắc" của doanh nghiệp bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO