Đô thị thông minh và kỳ vọng về thông tin minh bạch

NGUYÊN BẢO| 30/11/2017 03:40

Đề án Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án) đã được công bố. Ưu tiên hàng đầu của Đề án là phải xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho Thành phố.

Đô thị thông minh và kỳ vọng về thông tin minh bạch

4 chủ thể mà Đề án hướng đến gồm chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Việc triển khai Đề án sẽ tác động như thế nào đến quá trình phát triển của Thành phố, đặc biệt là khu vực nhà ở - yếu tố quan trọng đối với một đô thị có tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học nhanh như TP.HCM?

Có thể điểm qua một vài vụ việc để thấy sự bất cập trong quản lý bất động sản hiện nay.

Tháng 7 năm rồi, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM đã công bố danh sách 77 chung cư trên địa bàn bị thế chấp ngân hàng, trong đó có việc hàng trăm hộ dân tại tòa nhà Harmona bị BIDV Chi nhánh Bắc Sài Gòn phát thư thông báo thu hồi tài sản, bởi chủ đầu tư khu nhà ở này chưa chịu trả nợ.

Song, 77 chung cư này chỉ là một phần nhỏ trong số 500 bất động sản trên địa bàn TP.HCM đã, đang và sắp triển khai xây dựng. Hơn nữa, việc công bố chi tiết tình hình các dự án, chủ đầu tư dự án, theo Văn phòng Đăng ký đất đai - Sở Tài Nguyên - Môi trường là không dễ, vì các ngân hàng về nguyên tắc luôn bí mật thông tin của khách.

Link bài viết

Gần đây, Công ty CP Địa ốc Alibaba và Công ty CP Địa ốc Alibaba Tây Bắc tự xưng là chủ đầu tư khu đất nền 97,58ha thuộc khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (khu vực VIII-3) công bố 1.000 nền nhà và huy động vốn trái phép trong khi chưa được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chưa được giải phóng mặt bằng...

Rồi vụ "thổi giá", gây "sốt ảo" của giới cò đất tại Củ Chi, Cần Giờ khi lợi dụng thông tin hàng loạt doanh nghiệp lớn sẽ đầu tư xây dựng ở đây.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, những vấn đề ấy sẽ được giải quyết nhanh chóng, thậm chí không có cơ hội hình thành nếu TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

Tại những quốc gia phát triển như Mỹ, người dân khi mua nhà không ngại bị "sụp hố". Họ có quyền truy cập vào hệ thống thông tin chung, hoặc vào cổng thông tin của từng tiểu bang để biết giá, tình trạng của bất động sản (có thế chấp ngân hàng hay không) cũng như vị trí của ngôi nhà. Với đô thị thông minh, người dân có thể xây dựng nhà ở mà không phải xin cấp phép.

Tuy nhiên, để đạt tới mức độ này, các ban, ngành của TP.HCM phải phối hợp chặt chẽ khi xây dựng hệ thống thông tin chung trên nền tảng internet, cụ thể là phải hoàn thiện và công bố phần thiết kế đô thị, bản đồ quy hoạch 1/2000 về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và cả quy hoạch chi tiết 1/500 của từng dự án (là cơ sở để lập dự án đầu tư, cấp phép xây dựng).

Để tránh tranh chấp, gây tổn hại đến người mua nhà, việc tạo ra hệ thống dữ liệu dùng chung theo hình thái đô thị thông minh là rất cần thiết, nhằm hướng đến môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, hạn chế những tiêu cực do khâu giải quyết thủ tục hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đô thị thông minh và kỳ vọng về thông tin minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO