Điểm danh các tỷ phú thị trường BĐS Việt

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 15/04/2015 04:49

Không ít tỷ phú nước ngoài đã đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào thị trường bất động sản Việt Nam, kể từ năm 2006 đến nay.

Điểm danh các tỷ phú thị trường BĐS Việt

Không ít tỷ phú nước ngoài đã đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào thị trường bất động sản Việt Nam, kể từ năm 2006 đến nay.

Đọc E-paper

Khoản đầu tư lớn từ Israel

Đầu tháng 4, Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (Alma) đã giới thiệu văn phòng tại TP.HCM, sau hơn 2 năm tập trung hoạt động ở thị trường Hà Nội. Đây là công ty quản lý và phát triển dự án Alma Resort của Igal Ahouvi.

Sự xuất hiện của tỷ phú Igal Ahouvi, một doanh nhân thành đạt 59 tuổi, cư trú tại Tel Aviv, Israel vào năm 2013 đã chấm dứt 4 năm "bất động" của dự án Khu du lịch Bãi Rồng (Bãi Dài, Cam Ranh, Khánh Hòa) do Công ty TNHH Bãi Dài làm chủ đầu tư.

Thông qua Tập đoàn Blenheim, tỷ phú người Israel đã mua lại dự án này và đổi tên thành Alma Resort, với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. Được biết, những doanh nghiệp thuộc sở hữu của Igal gồm tài sản và vốn đầu tư tài chính ở nhiều thị trường trên thế giới, như: Anh, Thụy Sĩ, Ireland, Việt Nam và Israel.

Sau thương vụ mua lại khu nghỉ dưỡng ở Nha Trang năm 2013, vào tháng 2/2014, Igal được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Israel, với khu vực lãnh sự là thành phố Haifa. Doanh nhân người Israel này được xem là một trong những nhà đầu tư nổi bật trên thị trường bất động sản châu Âu với tổng giá trị giao dịch lên đến 10 tỷ USD.

Tại Việt Nam, Alma Resort là dự án có vốn đầu tư lớn nhất của Israel và là dự án trọng điểm trên thế giới của Tập đoàn Blenheim. Ngoài ra, theo chia sẻ của đại diện Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường, Igal hiện còn đầu tư thêm 1 dự án bất động sản ở Hà Nội.

Khi được gọi là tỷ phú, Igal Ahouvi dí dóm đặt câu hỏi: Không biết là tỷ phú USD hay tỷ phú VND? Để phát triển Alma thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp và khép kín với đầy đủ dịch vụ cung cấp cho khách du lịch, Igal đã mời những cộng sự có kinh nghiệm trong ngành và có thời gian gắn bó lâu dài với ngành du lịch Việt Nam. Brian cho biết, Igal quan tâm đặc biệt đến dự án Alma Resort, ông thường có mặt ở Khánh Hòa để theo dõi tiến độ triển khai dự án.

>>Tỷ phú Igal Ahouvi làm lãnh sự danh dự Việt Nam tại Israel

Theo đó, Alma Resort sẽ được phát triển theo hai giai đoạn, giai đoạn 1 gồm hạng mục căn hộ nghỉ dưỡng, villa cùng các tiện ích dịch vụ, với tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, được khởi công năm ngoái và dự kiến đi vào hoạt động năm 2018.

Mô hình kinh doanh mà Alma tập trung vào là trao đổi kỳ nghỉ với hệ thống các khu nghỉ dưỡng trên thế giới, khách hàng chỉ cần trả 10.000 - 25.000 USD cho thẻ sở hữu kỳ nghỉ với thời hạn nghỉ dưỡng 1 tuần/năm trong vòng 40 năm.

Không chỉ là nhà đầu tư chuyên nghiệp, Igal còn là nhà sưu tập lớn nghệ thuật đương đại, ông đang sở hữu khoảng 1.600 tác phẩm, công trình nghệ thuật của các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới.

Gia tộc giàu có Thái Lan từ tốn vào Việt Nam

Năm 2014, thị trường bán lẻ Việt Nam sôi động với bao cuộc mua bán - sáp nhập (M&A) giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là sự xuất hiện của những doanh nghiệp Thái.

Cùng với thương vụ tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, nhân vật thâu tóm Metro Cash & Carry thì gia tộc Chirathivat cũng phân chia lại thị trường với sự ra đời của hai trung tâm thương mại Robins Department Store (thuộc tập đoàn Central Group) tại Q.7, TP.HCM và Hà Nội.

Theo bảng xếp hạng của Forbes Asia vào tháng 6/2014, gia đình Chirathivat, quản lý Central Group đã vươn lên dẫn đầu danh sách 50 người giàu nhất Thái Lan. Với giá trị tài sản lên đến 12,7 tỷ USD, hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, năm 2013, doanh thu của tập đoàn này đã tăng 27% và đạt 7 tỷ USD.

Hiện tại, nhà điều hành tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan này là Tos Chirathivat, cháu trai nhà sáng lập Tiang Chirathivat. Trong chiến lược phát triển của Tập đoàn đến năm 2017, Central Group sẽ dành khoảng 1,3 tỷ USD để mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, chủ yếu là các cửa hàng, trung tâm mua sắm thông qua con đường M&A.

Central Group hiện đang điều hành các trung tâm mua sắm lớn như: Central, Robinson, Zen (Thái), La Rinascente (Ý)... Tập đoàn này cũng đã liên doanh với nhiều đối tác khác như: Watsons (nhà bán lẻ chăm sóc cá nhân hàng đầu châu Á), Casino Group (điều hành Big C) và Page One (nhà xuất bản và bán sách hàng đầu Đông Nam Á).

>>Bất động sản nghỉ dưỡng: Kênh đầu cơ của giới nhiều tiền?

Chuyển hướng và chia tay

Trong số những doanh nhân giàu có đầu tư vào Việt Nam, sớm nhất có thể kể đến là Tan Sri Dato Seri Vincent Tan Chee Yioun (gọi tắt là Vincent Tan), Chủ tịch Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad, một trong 10 người giàu nhất Malaysia, với tổng tài sản 1,6 tỷ USD.

Tỷ phú 62 tuổi này kiếm tiền từ kinh doanh của Tập đoàn, những thương vụ kinh doanh riêng như: bất động sản, xổ số kiến thiết, đồ ăn, thức uống... Vincent được biết đến là người mua nhượng quyền đầu tiên McDonalds ở Malaysia và còn là cổ đông lớn của câu lạc bộ bóng đá Anh, Cadiff City.

Berjaya tìm hiểu môi trường đầu tư ở Việt Nam từ đầu năm 2006, đến năm 2007, Berjaya nhận giấy phép đầu tư và phát triển bất động sản tại Việt Nam.

Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế, bắt nguồn từ giữa năm 2008 và điều kiện thị trường buộc tập đoàn này phải "nói lời chia tay" với dự án tỷ đô ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), thu hẹp quy mô dự án khu đô thị Đại học quốc tế 3,5 tỷ USD tại Hóc Môn, dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam hơn 900 triệu USD ở Q.10, TP.HCM...

Đến nay, Tập đoàn Berjaya của Vincent Tan đang đầu tư vào khách sạn 5 sao Sheraton Hà Nội, InterContinential Hanoi Westlake, khu nghỉ dưỡng Long Beach Resort (Phú Quốc), dự án căn hộ Amber Court (thuộc dự án Biên Hòa City Square, Đồng Nai) và dự án Hà Nội City Garden...

Năm ngoái, Công ty Kỹ thuật Đầu tư Berjaya Gia Thịnh - Berjaya GTI (với 51% cổ phần được sở hữu bởi Berjaya Lottery Việt Nam - công ty có 80% cổ phần của Berjaya Corporation và 20% của Berjaya Toto) đã vượt qua 6 nhà đầu tư quốc tế để nắm việc kinh doanh xổ số kiến thiết qua mạng (vi tính hóa) tại Việt Nam.

Trong khi tỷ phú Malaysia có những bước điều chỉnh về chiến lược phù hợp để tiếp tục tham gia thị trường Việt Nam thì không ít nhà tài phiệt ngoại đã "lỗi hẹn" với các đối tác, dự án tại Việt Nam.

Điển hình như Công ty Rowsley, do tỷ phú Singapore Peter Lim nắm 50% cổ phần (đã niêm yết tại Singapore), sau những điều khoản mua bán không thành, đầu tháng 4, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã bỏ kế hoạch bán 50% cổ phần Công ty CP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (HAGL Land) với giá 275 triệu USD cho Rowsley.

Nguyên nhân được xác định là do Rowsley chỉ muốn đầu tư trực tiếp vào Hoang Anh Myanmar (triển khai dự án khu phức hợp tại Yangoon) thay vì mua 50% cổ phần HAGL Land như ban đầu.

Peter Lim được biết đến là 15 người giàu nhất Singapore (do Tạp chí Forbes bình chọn vào tháng 9/2014). Tỷ phú 61 tuổi này xếp thứ 9 với tổng giá trị tài sản 2,5 tỷ USD từ nguồn đầu tư. Peter sở hữu cổ phần chi phối trong Câu lạc bộ bóng đá Valancia (Tây Ban Nha) với giá trị 480 triệu USD vào tháng 5/2014.

Trước đó, năm 2000, Peter thất bại trong việc mua lại Câu lạc bộ Liverpool. Được biết, Công ty Rowsley mà Peter nắm 50% cổ phần đang xây đô thị và khu phức hợp trị giá hơn 1 tỷ USD tại Malaysia.

Một nữ tỷ phú nằm trong nhóm 10 người giàu nhất Hồng Kông, từng được biết đến trong vai trò nhà đầu tư một khu phức hợp casino có quy mô lớn tại Việt Nam cũng đã chia tay thị trường và đối tác cùng tham gia dự án vào năm 2013 nhưng cả hai đều đều không tiết lộ nguyên nhân của cuộc chia tay này.

>Giải mã cái chết bất thường của 72 tỷ phú Trung Quốc
>Tỷ phú Trung Đông vung tiền thuê nhà ở Anh
>Người tình tài năng của tỷ phú Abramovich 
>Những tỷ phú danh tiếng nói 'không' với rượu bia

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điểm danh các tỷ phú thị trường BĐS Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO