BĐS ngoại: Không dễ mang chuông đi đánh xứ người

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 01/10/2016 08:43

Từ năm 2009 đến nay, dù Chính phủ Mỹ đã áp dụng nhiều chính sách kích cầu thị trường, trong đó có thời điểm hạ lãi suất cho vay mua nhà xuống 0% nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa khởi sắc.

BĐS ngoại: Không dễ mang chuông đi đánh xứ người

Phong trào đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp (DN) Việt sôi sục nhất vào thời điểm năm 2008 - 2009. Trong khoảng thời gian này, cùng với sự mở rộng của các ngân hàng (Sacombank, BIDV), Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bắt đầu triển khai các dự án thủy điện, nông nghiệp, bất động sản ở Lào, Campuchia, trong khi một số DN khác cũng rục rịch tìm hiểu tiềm năng ở thị trường ngoại.  

Đọc E-paper

Chẳng hạn như Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) nuôi ý định mua lại khách sạn 5 sao ở San Francisco (Mỹ) - thành phố kết nghĩa với TP.HCM. Hay Tổng công ty Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), trực thuộc Bộ Xây dựng đã từng công bố thông tin nghiên cứu đầu tư dự án sân golf 36 lỗ, khu du lịch, dịch vụ nhà ở và khách sạn 5 sao 800 phòng tại Cuba.

Ở khu vực tư nhân, năm 2009, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) đã liên doanh với hai đối tác ở Mỹ thành lập Công ty Thuduc House Property Ventures LLC, với chức năng chính là phát triển và kinh doanh các khu nhà ở cao cấp để bán và cho thuê. Thuduc House là công ty Việt Nam đầu tiên xin cấp giấy phép kinh doanh bất động sản ở Mỹ.

Sau các dự án thủy điện, nông nghiệp, bất động sản ở Lào, cuối năm 2015, HAGL đã đưa vào khai thác giai đoạn 1 của công trình Khu phức hợp HAGL Myanmar Center (vốn đầu tư khoảng 440 triệu USD), gồm trung tâm thương mại và 2 tòa nhà văn phòng hạng A cho thuê cao 27 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 192.000m2. Tiếp đó, tháng 7/2016, HAGL cũng đã khai trương khách sạn 5 sao Melia Yangon với quy mô hơn 400 phòng.

Hiện tại, giai đoạn 2 của dự án với 5 tháp nhà cao 28 tầng, cung ứng khoảng 1.134 căn hộ và khu văn phòng cho thuê với diện tích sàn 126.000m2 đang được xây dựng. Phía HAGL cho biết, nguồn vốn để thực hiện giai đoạn 2 của khu phức hợp này chủ yếu dựa vào nguồn tiền thu được từ kinh doanh của giai đoạn 1 và nguồn thu bán căn hộ của giai đoạn 2.

Tính đến tháng 2/2016, hơn 90% diện tích của trung tâm thương mại (giai đoạn 1) đã lắp đầy và 10% còn lại đang trong quá trình thỏa thuận cho thuê. Riêng với khu văn phòng, 60% diện tích đã được ký hợp đồng, và trên 30% căn hộ ở giai đoạn 2 đã được giữ chỗ và ký hợp đồng thuê chính thức.

Được biết, để triển khai dự án này, trong chiến lược tái cấu trúc tài chính của HAGL, bên cạnh nguồn vốn vay, một phần nguồn vốn từ việc thanh lý các mảng đầu tư khác như thủy điện, bất động sản ở Việt Nam cũng được tập trung cho HAGL Myanmar Center. Bởi, Khu phức hợp HAGL Myanmar Center được xem là dự án chiến lược để HAGL thu về nguồn tiền ổn định trong dài hạn.

>>Doanh số bán nhà ở Mỹ tháng 6/2016 cao nhất trong hơn 9 năm

Tuy nhiên, đến nay, nhiều DN vẫn chỉ dừng lại ở mức độ thăm dò thị trường, dự định hoặc đầu tư từng dự án cụ thể, triển khai theo dạng cuốn chiếu, không mạo hiểm bơm vốn cho cùng lúc quá nhiều dự án.

Chẳng hạn, với trường hợp của Saigontourist, đến nay, kế hoạch mua khách sạn 5 sao ở Mỹ đã gần như khép lại do các thủ tục về đầu tư, chuyển vốn ra nước ngoài khá phức tạp, giá cả thương thảo... không như ý muốn. Tương tự, kế hoạch đầu tư của HUD sang Cuba không có thông tin nào mới trong suốt hơn 5 năm qua.

Còn đối với Tổng công ty Tín Nghĩa, trước khi thực hiện IPO (tháng 5/2016), trong lộ trình sắp xếp lại hoạt động, DN này đã tiến hành thoái vốn khỏi một số khoản đầu tư không mang về hiệu quả như mong muốn, trong đó có việc bán lại khách sạn Champasak ở Lào (cùng khu resort ở Ninh Thuận ở Việt Nam).

Còn với Thuduc House, ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, việc đầu tư sang Mỹ ở khía cạnh nào đó giúp quảng bá thương hiệu công ty và là bước thăm dò thị trường. Báo cáo thường niên năm 2015 của Thuduc House thể hiện rõ: tính đến 31/12/2015, vốn đầu tư thực của Thuduc House vào thị trường bất động sản Mỹ là 3 triệu USD (51 tỷ đồng) để mua 10 căn nhà (ở Mỹ), và đã bán được 6/10 căn, với tỷ suất sinh lời bình quân là 4%.

Lũy kế đến năm 2015, Thuduc House đã chuyển tổng cộng gần 1,2 triệu USD về nước (gồm 1,153 triệu USD vốn gốc và hơn 22.606 USD lợi nhuận được chia). Riêng năm 2015, lợi nhuận sau thuế của khoản đầu tư này đạt trên 4.556 USD, tương đương với năm 2014. Theo kế hoạch, Công ty sẽ tiếp tục bán các căn còn lại để thu hồi vốn đầu tư về nước.

Tuy nhiên, các chi phí phát sinh của việc bán nhà tại thị trường Mỹ quá cao, làm tăng giá vốn bán hàng và không tạo ra nhiều lợi nhuận từ hoạt động này. Hơn nữa, từ năm 2009 đến nay, dù Chính phủ Mỹ đã áp dụng nhiều chính sách kích cầu thị trường, trong đó có thời điểm hạ lãi suất cho vay mua nhà xuống 0% nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa khởi sắc.

>>Đầu tư ra nước ngoài: Không dễ quản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
BĐS ngoại: Không dễ mang chuông đi đánh xứ người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO