![]() |
"Henry, xin lỗi nói với ông điều này, công việc của ông không còn là chỉ của nam giới”, tôi thật sự ấn tượng với lời nhắn của cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright gửi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Henry Kissinger khi bà vừa được bổ nhiệm vào vị trí này năm 1997.
![]() |
Nói thế để thấy đâu phải chỉ phụ nữ Á Đông mà ngay cả những nước lớn như Mỹ cũng có quan niệm “trong nhà cần tay đàn bà, ngoài đường là chuyện đàn ông”. Nhưng, thời nay đã khác, từ “lãnh đạo” không còn là sở hữu của “phái mạnh”.
Ngay cả tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn quốc tế đã đi lên nhờ khả năng điều hành của các “nữ doanh nhân”, trong đó có bà Nguyễn My Lan, Chủ tịch GE tại Việt Nam và Campuchia.
Xuất hiện giản dị và trẻ trung, Nguyễn My Lan, Chủ tịch của GE tại Việt Nam và Campuchia (thuộc Tập đoàn General Electric - GE, Mỹ), là người phụ nữ duy nhất trong số những diễn giả là doanh nhân của các tập đoàn quốc tế tham dự Vietnam Investment Summit 2011 (được Terrapinn - Singapore tổ chức vào tháng 10/2011).
Khác hẳn với dáng vẻ nhỏ nhắn, người phụ nữ này luôn tỏ ra tự tin trước những lập luận về cách thức để Việt Nam kêu gọi nhà đầu tư tham gia mô hình đầu tư PPP (công - tư).
Điều mà nhiều người quan tâm là tại sao một tập đoàn lớn thứ 6 của Mỹ và thứ 14 của thế giới lại chọn một phụ nữ làm đại diện cho họ tại thị trường Đông Dương?
Nếu làm một phép đối chiếu, rõ ràng thành tích cá nhân của bà Lan, nói theo cách dung dị là chưa đủ “dày” để đạt đến mức “tâm phục khẩu phục”.
Trước khi gia nhập GE vào năm 2003, bà Lan chỉ mới giữ vai trò phụ trách bán hàng cho một số công ty nước ngoài. Một bước tiến có thể tạm gọi là vươn ra phạm vi rộng hơn là đảm trách việc xúc tiến thương mại Việt - Mỹ tại Phòng Thương mại, Đại sứ quán Hoa Kỳ (Hà Nội).
Trong thời gian công tác tại đây, bà Lan có nhiệm vụ thúc đẩy đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, đồng thời giới thiệu hình ảnh Việt Nam tại các diễn đàn và sự kiện chính trị- ngoại giao quan trọng của Mỹ.
Nhưng chính kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc với các công ty và tổ chức nước ngoài là tính chuyên nghiệp của môi trường kinh doanh quốc tế, cũng như những hiểu biết về hoạt động thương mại trong nước đã làm nền tảng vô cùng quan trọng cho nữ chủ tịch của GE tại Việt Nam.
“Tôi tình cờ gặp Stuart Dean, hiện là Chủ tịch GE ASEAN, trong một buổi tiệc của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Qua những câu chuyện, tôi đã nhận được lời mời làm việc từ GE ngay sau đó.
Đây là cơ hội tốt để tôi có thể làm việc cho một Tập đoàn lớn và những thử thách tại GE luôn đòi hỏi người lãnh đạo phải có lập trường kinh doanh quốc tế mang tính chiến lược và sự hiểu biết sâu sắc về môi trường kinh doanh nội địa”, bà Lan nhớ lại những ngày đầu tiếp xúc với GE.
Tuy nhiên, sợi dây liên hệ giữa người và nghiệp chẳng khác nào một cuộc hôn nhân, bạn không thể đi đến tận cùng con đường với người bạn đời nếu giữa hai không có tình yêu. Trong khi bất kỳ sự thành công nào trong công việc cũng chứa đựng những đam mê.
Nguyễn My Lan tâm sự, khi vào GE năm 2003, bà đã có một ước mơ thật sự là GE sẽ phát triển tại thị trường Việt Nam tương xứng với uy tín của họ trên toàn cầu.
Ngược lại, Việt Nam cũng sẽ nhìn nhận, hiểu những nỗ lực và lợi ích mà một đối tác như GE có thể mang lại cả về khía cạnh thương mại, kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, trách nhiệm với cộng đồng và phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.
Tám năm qua đi, khoảng thời gian đủ dài để bà Lan hiện thực hóa mong mỏi đó. GE đã xuất xưởng những chiếc máy phát điện tua-bin gió đầu tiên đạt tiêu chuẩn số một thế giới vào giữa năm ngoái tại Hải Phòng, với 600 con người đang làm việc ở đó.
Và bà chính là thành viên trong nhóm dự án xây dựng và vận hành thành công Nhà máy sản xuất máy phát điện và linh kiện tua-bin gió có vốn đầu tư 50 triệu USD, một mắt xích quan trọng của GE trong dây chuyền sản xuất toàn cầu.
Song, với người phụ nữ Việt trẻ trung này, điều quan trọng khi làm việc tại GE là tính nhạy bén trong hoạt động thương mại và đàm phán quốc tế nhằm cân bằng lợi ích giữa các bên, cụ thể là tổ chức, công ty, Chính phủ và các đối tác.
Nếu hiểu rõ bộ máy lãnh đạo của GE tại Việt Nam, mới thấy bà Lan đúng là một “người đàn bà thép”. Rất nhiều cộng sự đắc lực của bà là các đấng nam nhi giỏi về chuyên môn và đối ngoại.
Tuy nhiên, người phụ nữ này luôn nhắc đi nhắc lại rằng, một mình bà không thể làm được nếu không có sự hỗ trợ của các bạn đồng nghiệp, còn người lãnh đạo chỉ là nhân vật đưa ra chiến lược và truyền cảm hứng của mình sang những thành viên trong nhóm.
Để làm được như thế, theo bà, dù là nam hay nữ lãnh đạo đều phải có nhiệt huyết với công việc mình đang theo đuổi và quan trọng hơn hết là tinh thần học hỏi.
Có lẽ, cũng chính vì lý do đó mà nữ Chủ tịch GE Việt Nam tâm đắc với câu nói nổi tiếng của nhà thơ, nhà triết học người Mỹ, Ralph Emerson: “Life is a Journey, not a Destination" (tạm dịch là: Cuộc sống là một chuyến đi mà không phải là đích đến).
Bởi với bà, giống như một chuyến đi, cuộc sống luôn vận động và không ngừng thay đổi, nếu bạn không thể thích ứng với những thay đổi đó, bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy những thành công.
Tuy nhiên, thành quả của doanh nghiệp lại phụ thuộc vào vị trí đầu tàu, chính vì thế, hơn ai hết, người lãnh đạo phải “không ngừng học”, chủ động trang bị những kỹ năng cần thiết để tìm ra giải pháp trước thử thách.
“Mỗi quyết định của chúng ta cũng chính là một thử thách, còn cách đối mặt với điều đó như thế nào lại tùy thuộc vào trình độ của mỗi người. Hãy học cách đối mặt và vượt qua nó, bằng cách này, bạn sẽ có những bài học thực sự giá trị, đây là điều mà tôi muốn gửi tới các bạn trẻ”, bà Lan chia sẻ.