Giá đất dự báo vẫn có xu hướng tăng trong năm 2022. Ảnh: Ngọc Anh. |
Theo Colliers Việt Nam, số lượng giao dịch trên thị trường sơ cấp tại TP.HCM (TP) bắt đầu tăng mạnh trong quý IV/2021 sau khi thị trường này mở cửa. Về loại bất động sản (BĐS), đất nền, nhà phố thương mại dần trở nên kém sôi động hơn so với những năm trước, do ngành bán lẻ đang gặp khó do đại dịch, và hình thức kinh doanh chuyển dần sang thương mại điện tử.
Tuy nhiên, nhà phố thương mại tại khối đế của các chung cư vẫn có sức hút lớn. Nhà liên kế vẫn là nơi giữ tài sản tốt cho nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân đang có xu hướng đầu tư BĐS vào các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An thay vì mua BĐS tại TP vì khả năng thu được vốn cao hơn.
Giá đất dự báo vẫn có xu hướng tăng trong năm 2022. Ảnh: Ngọc Anh. |
Theo thống kê của Colliers Việt Nam, hơn 15 dự án được chào bán tại TP trong quý IV/2021, hầu hết đến từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu.
Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho từ thị trường thứ cấp vẫn còn lớn. Nguồn cung đất nền dần chuyển ra các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai trong những năm gần đây do quỹ đất vẫn còn hạn chế ở TP. TP vẫn còn quỹ đất cho BĐS đất nền ở một số quận, huyện ngoại thành, nhưng để mở rộng vẫn phải chờ sự phát triển của cơ sở hạ tầng.
Tương tự tại Hà Nội, trong quý IV/2021, số giao dịch tại Hà Nội tăng mạnh sau khi thị trường mở cửa trở lại. Hầu hết giao dịch trong quý này đến từ thị trường thứ cấp và nằm ở các quận ngoại thành. Các giai đoạn tiếp theo từ các dự án lớn như Starlake, Ecopark, Gamuda City được mở bán. Các dự án có chất lượng xây dựng tốt, tiến độ thi công nhanh đã thu hút nhiều hơn không chỉ các nhà đầu tư ở Hà Nội, mà còn cả các nhà đầu tư từ các tỉnh lân cận và TP.
Theo Colliers, việc ra mắt các tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông là yếu tố giúp thị trường Hà Nội sôi động hơn trong quý cuối năm qua và cả các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, chủ đầu tư phải lùi thời gian mở bán nên số nguồn cung quý IV/2021 đã tăng đáng kể. Hầu hết nguồn cung trong quý này đến từ các giai đoạn trước của dự án sẵn có.
BĐS nằm trong khu đô thị lớn thu hút nhiều người mua hơn do tiện ích đầy đủ. Biệt thự chiếm 20% tổng nguồn cung toàn thị trường, trong khi đó nhà phố chiếm 40% và nhà phố thương mại chiếm 40% tổng nguồn cung BĐS đất nền.
Colliers Việt Nam dự báo, năm 2022, các nhà phát triển dự án ở Hà Nội và TP đang chờ đợi tin tốt từ những sửa đổi của Luật Đầu tư. Theo đó, nguồn cung và nhu cầu mới của phân khúc đất nền được dự báo sẽ phục hồi và tăng so với năm 2021, chủ yếu ở các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu ở miền Nam và các huyện lên quận của Hà Nội.
Trong đó, các sản phẩm có tính thanh khoản cao sẽ là lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư cá nhân. Ảnh hưởng từ giá đất cao từ Thủ Thiêm cũng khiến giá BĐS tăng trong những năm tới. Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 sẽ khó có nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS. Tuy nhiên, hiện tượng sốt giá BĐS vẫn có khả năng xảy ra. Đặc biệt khi Chính phủ sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường BĐS phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt, kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 - 2009.
Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) cũng cho rằng, sang năm 2022, phân khúc đất nền dự báo vẫn sẽ có sức hấp thụ tốt, do phù hợp hơn với nhu cầu tài sản trú ẩn. Kéo theo đó, giá đất sẽ tiếp tục tăng, tuy nhiên sẽ không tăng mạnh như giai đoạn trước. Thậm chí, có khu vực dự báo sẽ có khả năng xảy ra cơn sốt đất cục bộ.