Quản trị

Người trẻ làm sự kiện nhà nước: Được gì, mất gì?

Lê Quỳnh Thư (*) 25/04/2025 08:00

Nói đến sự kiện, chắc đa phần mọi người đều nghĩ đến những sân khấu lung linh hoành tráng, những buổi hòa nhạc hay liveshow, concert đậm chất nghệ thuật, quy tụ những nghệ sĩ nổi tiếng, hay chí ít là những lễ ra mắt xe hơi, điện thoại đầy sáng tạo. Nhưng có một thế giới khác “âm thầm hơn” mà mỗi khi được nhắc tới, người trẻ sẽ rụt tay lại, ngập ngừng, đó chính là sự kiện có yếu tố chính trị mà chúng tôi gọi là sự kiện nhà nước.

Trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, khái niệm này thường được hiểu là những hoạt động mang tính chất chính thức hoặc nghi thức, có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nhằm truyền tải thông điệp chính trị, khẳng định vị thế, thúc đẩy quan hệ đối ngoại. Thường thấy nhất đó là những lễ kỷ niệm cấp quốc gia, lễ đón tiếp lãnh đạo cấp cao, diễn đàn quốc tế hoặc quốc gia, các đại hội thể thao khu vực hay quốc tế mà một quốc gia đăng cai.

Trên thực tế, phạm vi của nó còn rộng hơn bao gồm cả các sự kiện văn hóa, du lịch, nghệ thuật khi những sự kiện đó phục vụ mục tiêu chiến lược của địa phương hay quốc gia như quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư. Và một nhóm sự kiện đặc thù khác là hội nghị, hội thảo chuyên đề, xúc tiến đầu tư, mang tính biểu trưng cho một giai đoạn phát triển mới của địa phương. Những sự kiện ấy, tuy không rực rỡ về hình ảnh, nhưng lại mang trong mình giá trị biểu tượng và dấu ấn tinh thần không thể thay thế.

Với những người trẻ có định hướng hoặc yêu thích nghề tổ chức sự kiện, khái niệm sự kiện nhà nước chắc là khái niệm ít được nhắc tới nhất trong giáo trình các bạn được học ở trường và cũng ít được khai thác trong các hoạt động bên lề. Chính vì vậy chúng tôi thường thấy một thái độ tương đối dè dặt khi phỏng vấn tuyển dụng với câu hỏi “Em nghĩ gì khi chúng ta làm sự kiện nhà nước?”. Có bạn đã thẳng thắn rút lui "Em nghĩ là em không hợp. Em thích môi trường năng động, sáng tạo, ít nguyên tắc hơn." Có bạn làm một thời gian ngắn rồi nghỉ với lý do "Em cảm thấy hơi chán ạ".

img_3846.jpeg

Chúng tôi hiểu. Vì sự kiện nhà nước không dễ cảm được bằng mắt. Nó không có những ý tưởng quá bay bổng, không có những hiệu ứng rực rỡ, nó cần sự chuẩn mực, là ngôn ngữ chặt chẽ, là hình ảnh đúng lúc, an toàn, vừa vặn, và là cảm xúc được dẫn dắt một cách tinh tế. Tất cả thông điệp được “gài cắm” một cách khéo léo để nâng đỡ hình ảnh, giá trị và vị thế của một địa phương, một thương hiệu vùng đất, một thông điệp mang tính chiến lược.

Một lần, một MC trẻ nổi tiếng kể với tôi rằng cô từng dẫn một chương trình nhà nước do một agency lớn thực hiện. Mọi thứ đều hoàn hảo, từ sân khấu, âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, trình diễn… Nhưng khi cầm kịch bản trên tay, cô hơi sợ khi có những câu chữ không chuẩn mực. Để đảm bảo thời gian đang gấp rút trước khi bắt đầu chương trình, cô đã phải phải tự chỉnh lại lời dẫn bằng kinh nghiệm, sự hiểu biết và bản lĩnh sân khấu của bản thân. “Thấy vậy, chứ không hề dễ chị ha”, cô ấy nói với tôi.

Một MC kì cựu khác tâm sự với tôi rằng, không ít bạn MC trẻ hiện nay ngại dẫn các sự kiện nhà nước vì không thể chịu đựng được áp lực và sự căng thẳng. Không khí trang nghiêm, độ chính trị cao, khách mời đều là những người giữ vị trí quan trọng và nhiều thông tin được cập nhật ngay sát chương trình bắt đầu. Họ sợ mình lỡ lời. Sợ mình không đủ chuẩn. Và họ từ chối.

Có một ca sĩ sau khi nhận lời biểu diễn, thì từ chối trước ngày sự kiện diễn ra khi nhận được thông tin yêu cầu về trang phục, màu tóc, trang sức…, “tại sao lại quá cứng nhắc như vậy”. Với chúng tôi, một bộ trang phục nghệ sĩ chính là thông điệp về văn hóa quốc gia nói chung và thương hiệu địa phương nói riêng.

Nhưng chính những khắt khe đó mà tôi nghĩ rằng, là người trẻ, bạn nên thử một lần làm sự kiện nhà nước.

img_3847.jpeg

Bởi khi dấn thân vào một sự kiện như vậy, bạn không chỉ đang “chạy sự kiện” ở một vị trí nhất định nào đó. Bạn đang ngồi giữa những cuộc gặp gỡ kinh tế song phương, hay hội nghị mà chỉ những nhân vật quan trọng mới được tham dự. Bạn được nghe Thủ tướng, Bộ trưởng phát biểu. Ban học cách quan sát thái độ của một Chủ tịch tỉnh, hay học được cách một Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước đưa ra quan điểm, tầm nhìn. Bạn còn hiểu được thế nào là nhã nhặn nhưng không mềm yếu, quyết liệt những không cứng nhắc, và nhận ra có những chi tiết không thể nói ra nhưng sự khéo léo sẽ dẫn dắt. Đó là khi, bạn được trưởng thành một cách nhanh chóng, sự trưởng thành từ bên trong, bằng kiến thức, tư duy, thái độ, cách giao tiếp có tầng lớp, ứng xử có điểm dừng, mà đôi khi phải mất quãng thời gian dài mới có thể học được.

Bạn còn nhận ra rằng, sáng tạo hoàn toàn không phải là kết quả của tuỳ hứng mà là sự ấp ủ tâm tư tính bằng năm tháng, được đúc kết bởi nền tảng kiến thức sâu sắc và có định hướng chiến lược. Bởi bạn phải học cách nhìn sự kiện đó trong bức tranh lớn hơn, không phải chỉ là sự kiện của hôm nay, mà là hình ảnh quốc gia của nhiều năm sau.

Vậy bạn có thể hỏi tôi rằng, làm sự kiện nhà nước thì mất gì. Mất nhiều chứ. Thứ mất đi là sự hời hợt, thiếu tập trung, non nớt, để đổi lại sự tinh tế, sắc sảo, có chiều sâu!

Với chúng tôi, sự kiện nhà nước là nơi cho người trẻ một môi trường vô giá để luyện nội lực. Không ai bắt bạn phải khô khan, nhưng bạn phải đủ chính chắn để hiểu rằng không phải sân khấu nào cũng dành cho sự phô bày ra bên ngoài tất thảy. Và không phải ánh sáng nào cũng cần sắc màu bởi nét rực rỡ đôi khi là những thứ ẩn vào sâu bên trong.

Tôi luôn tin rằng, những người trẻ làm sự kiện nhà nước chính là những người đang kế thừa đủ đầy vai trò, trách nhiệm, cội nguồn, văn hóa, để kể lại bằng ngôn ngữ sự kiện của riêng mình, góp xây dựng hình ảnh đất nước một cách văn minh và đẹp đẽ nhất.

Và nếu bạn là một người trẻ đang còn băn khoăn, tôi mong bạn thử một lần. Thử làm bằng tất cả sự tinh tế, nội lực, yêu nghề, và cả lòng yêu nước của bạn. Những người trẻ như bạn, chính là một phần của thương hiệu quốc gia trong hôm nay và tương lai.

(*) CEO Apex Media

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người trẻ làm sự kiện nhà nước: Được gì, mất gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO