Người tiêu dùng Việt Nam trong top lạc quan nhất thế giới. Ảnh: X.TH |
Với niềm tin về triển vọng việc làm và tình trạng tài chính cá nhân, người tiêu dùng Việt Nam được xếp thứ hai trong thước đo niềm tin người tiêu dùng trên thế giới. Đây là số liệu do The Conference Board và Nielsen - một công ty đo lường hiệu quả kinh doanh toàn cầu mới công bố.
Theo khảo sát này, chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở mức cao, đạt 114 điểm trong quý III/2018. Việt Nam và Malaysia có chỉ số niềm tin người tiêu dùng lần lượt là 129 điểm và 127 điểm, vượt qua Indonesia và Philippines để trở thành 2 trong 3 nước lạc quan nhất toàn cầu. Cụ thể, mức độ lạc quan của người tiêu dùng Việt Nam quý III/2018 cao hơn nhiều so với chỉ số của quý III/2017 và đạt mức tăng kỷ lục trong thập kỷ qua.
Người tiêu dùng Việt Nam cũng rất lạc quan về tình trạng tài chính cá nhân với 82% nhận định rằng tình trạng tài chính cá nhân tốt hoặc xuất sắc trong 12 tháng tới. Không chỉ vậy, người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi tiêu mua sắm với tỷ lệ 63% người tiêu dùng khẳng định về việc mua sắm trong tương lai.
Tuy nhiên, so với năm ngoái, người tiêu dùng đã có những thay đổi tích cực hơn. Dù dành phần lớn thu nhập vào việc tiết kiệm nhưng người tiêu dùng đã dần hưởng thụ cuộc sống hơn bằng việc mua sắm những bộ quần áo mới, nâng cấp nhà cửa và dành thời gian cho những hoạt động giải trí bên ngoài. Cụ thể, ngân sách dành để mua sắm quần áo mới đã tăng 7% so với quý II/2018. Tương tự, ngân sách dành để nâng cấp nhà cửa tăng 10%, cho các hoạt động giải trí tăng 3%. Bên cạnh đó, việc chi tiền vào các gói bảo hiểm y tế cao cấp cũng tăng 13% so với năm ngoái.
Trên thực tế, sức mua những ngày Tết Dương lịch vừa qua tại các hệ thống siêu thị tăng gấp đôi, gấp 3 ngày thường là bằng chứng thuyết phục. Trong đó, tại hệ thống bán lẻ Co.opMart, Co.opXtra, Co.op Food, sức mua đã tăng gấp đôi ngày thường. Tại hệ thống Lotte Mart, doanh thu đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tại hệ thống siêu thị Emart, sức mua cũng tăng 30%.
Không chỉ hàng thiết yếu, người tiêu dùng Việt cũng chi mạnh cho các mặt hàng có giá trị cao như ô tô. Theo thống kê của Ban tổ chức triển lãm Vietnam Motor Show 2018 diễn ra hồi tháng 10/2018 tại TP.HCM, có đến hơn 185.000 lượt khách đến tham quan. Điều đáng chú ý là đến gần 900 chiếc ô tô, trong đó có rất nhiều mẫu xe sang, xe thể thao có giá đến vài tỷ đồng được người tiêu dùng mua ngay tại triển lãm.
Còn với hàng thời trang, các thương hiệu quốc tế như Zara và H&M đến Việt Nam đều tạo ra cảnh chen chúc khách hàng trong ngày khai trương. Với H&M, chỉ một cửa hàng hoạt động tại Việt Nam trong năm 2017 nhưng đã mang về cho thương hiệu này hơn 1,8 tỷ đồng mỗi ngày. Thành công này đã khiến H&M mở thêm 2 cửa hàng trong tháng 9/2018.
Trong lĩnh vực du lịch, thống kê của Tổng cục Du lịch cũng cho thấy trong năm 2018, lượng khách trong nước đạt đến con số 80 triệu lượt. Gần nhất là trong dịp Tết Dương lịch vừa qua, lượng khách đến các điểm du lịch tăng mạnh. Tại Sa Pa, có hơn 56.000 lượt khách đến đây đón Tết Dương lịch, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Hà Nội đón 253.000 lượt khách, Quảng Ninh đón 200.000 lượt khách.
Cũng như thế, Huế đón gần 45.000 lượt du khách tham quan các di tích. Đà Nẵng cũng đón 117.000 lượt khách, Đà Lạt cũng đón đến hơn 40.000 lượt du khách mỗi ngày. Điều đáng nói là trong số người tham gia chơi Tết, đa phần là người Việt.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, sở dĩ niềm tin người tiêu dùng Việt tăng mạnh nhờ vào sự lạc quan về khả năng tài chính cá nhân cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Việt.
"Sự thay đổi của người tiêu dùng theo hướng tích cực hơn cho bản thân và gia đình của họ. Do đó, các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ cần phải nắm bắt nhanh nhất những xu hướng mới của người tiêu dùng và cần phải hành động nhanh hơn để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng", bà Nguyễn Hương Quỳnh tư vấn.