Người Mỹ trở lại

LAM HỒNG| 18/11/2009 08:04

Vị thế siêu cường của Mỹ được thử thách qua chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Obama.

Người Mỹ trở lại

Vị thế siêu cường của Mỹ được thử thách qua chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Obama. Trước một châu Á tiềm năng trở thành động lực tăng trưởng mới, người Mỹ không muốn đứng ngoài với tư cách là người quan sát.

Khẳng định sự hiện diện Mỹ

Trong gần một tuần lễ (từ 14 - 18/11), Tổng thống Obama có chuyến thăm bốn nước có nền kinh tế hùng mạnh nhất trong khu vực châu Á là Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc (TQ) và Hàn Quốc. Chuyến công du châu Á lần đầu tiên của ông Obama diễn ra trong bối cảnh hình ảnh nước Mỹ đi xuống khá trầm trọng trong suy thoái kinh tế.

Sau quá nhiều thất vọng, châu Á đang hoài nghi việc nước Mỹ đã mất thế thượng phong trên mọi lĩnh vực sau hơn nửa thế kỷ dẫn đầu thế giới. Vì vậy, theo chuyên gia Doulas Paal thuộc Viện Nghiên cứu Carnegie, chuyến đi này mang sứ mệnh phải định nghĩa "vai trò” và khẳng định “sự hiện diện” của Mỹ trong khu vực.

Sau sự kiện 11/9/2001, chính quyền G.W.Bush đã quá mải mê gây ảnh hưởng toàn cục bằng việc phát động cuộc chiến chống khủng bố và sa đà quân sự nhiều hơn tại Afghanistan. Trong lúc đó, TQ thế chân Mỹ như một đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Những nước này đều đang có những đánh giá lại về một TQ mạnh hơn, trong khi lại cho rằng Mỹ có thể trở nên yếu hơn.

Ngay cả vị thế những nước đồng minh truyền thống của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có sự thay đổi khi TQ trở thành nền kinh tế số một tại khu vực, chứ không phải Nhật. Mối tương quan này đang tạo ra sự thay đổi trong “tư duy về Mỹ” và có thể nhận thấy qua cách diễn đạt của Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama khi nhắc tới khả năng “làm mới lại liên minh truyền thống bị trục trặc giữa Washington và Tokyo”.

Ông Hatoyama như thể nhấn mạnh việc TQ nhanh chóng gia tăng sức mạnh đang là thách thức vị thế chi phối của Mỹ trong khu vực, nên Nhật phải điều chỉnh quan hệ với Washington trong tương quan với Bắc Kinh. Ông Hatoyama muốn có quan hệ ngang hàng với Nhà Trắng và ông là Thủ tướng Nhật đầu tiên đòi xem xét lại hiệp ước về căn cứ Mỹ ở Okinawa; nghiên cứu lại quy chế pháp lý của lính GI Mỹ đóng tại Nhật Bản và xét lại các thỏa thuận bí mật giữa Washington và Tokyo, cho phép Hoa Kỳ cất giữ vũ khí nguyên tử tại Nhật Bản.

Nhật Bản ý thức rằng, để duy trì hay tăng cường ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương, Tokyo phải thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh. Do vậy mà Tokyo đưa ra đề nghị thành lập một cộng đồng Đông Á theo mô hình của Liên minh Châu Âu.

Cân bằng ảnh hưởng Trung Quốc

Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực đang muốn có sự hiện diện nhiều hơn của người Mỹ nhằm cân bằng lại ảnh hưởng của TQ trong khu vực. Trong bài phát biểu gần đây, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu gây ngạc nhiên khi công khai nói về việc “người Mỹ không thể dẫn đầu thế giới vì họ đang để TQ quá tự do tại châu Á”. Chính vì vậy, chuyến thăm châu Á của ông Obama cũng nhằm trấn an các đồng minh của Mỹ tại khu vực, vốn đang lo ngại ảnh hưởng của TQ gia tăng trên mọi phương diện địa - chính trị.

Theo chuyên gia Robert Kagan, Quỹ Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie: “Đối với TQ - những người thực sự theo chủ nghĩa thực dụng - thì cuộc cạnh tranh với Hoa Kỳ tại Đông Á chính là cuộc chơi kẻ thắng người thua”. Một số nhà quan sát đã kết luận, giờ đây "quan hệ xuyên Thái Bình Dương" trở thành ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ, đặc biệt là quan hệ Mỹ - Trung, đẩy ra sau "quan hệ xuyên Đại Tây Dương" của thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Obama là tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối các quốc gia ASEAN. Trong cách nói của giới chức Mỹ về “tổng thống đầu tiên có xu hướng châu Á - Thái Bình Dương” đã hàm ý chính sách “ngoại giao thân Á” dưới thời Obama. Xu thế này được Ben Rhodes, một cố vấn cao cấp tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, khẳng định: “Ông ấy - Obama - hiểu rằng, tương lai thịnh vượng và an ninh của chúng ta gắn chặt với phần này của thế giới”. Châu Á đang vươn lên trở thành khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, mua khoảng 25% hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ; và 1,6 triệu công việc tại Mỹ phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu này.  

Trong bài diễn văn tại Tokyo, ông Obama tuyên bố sẽ giúp mở rộng cái gọi là "Đối tác xuyên Thái Bình Dương", TPP, một tổ chức ít ai biết đến, hiện chỉ bao gồm bốn quốc gia là Brunei, Chilê, New Zealand và Singapore. Ý định của ông Obama là biến khối đối tác này thành hạt nhân của một vùng tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương tương lai, sẽ bao gồm 2,6 tỷ dân.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Mỹ trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO