Cho đến thời điểm này, cho dù được làm việc hay chờ việc, người lao động cũng đều có nguyện vọng sớm trở về trạng thái bình thường mới. Để hiểu rõ hơn về việc làm thế nào để các KCN mở cửa an toàn, phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với GS. Nguyễn Trọng Hoài - Đại học Kinh tế TP.HCM.
GS. Nguyễn Trọng Hoài. Ảnh: Tư liệu |
* Theo Giáo sư, kế hoạch mở cửa của TP.HCM có tác động như thế nào đến việc làm và thu nhập của người lao động tại các KCN?
- TP.HCM cũng như cả nước đều nhận ra không thể “bình thường mới” theo quan điểm “không Covid”, mà phải sống chung với nó như một bệnh đặc hữu, vì khó có thể làm cho virus SARS-CoV-2 biến mất, đồng thời nếu tiếp tục giãn cách cực đoan thì sẽ thiệt hại rất lớn đối với giới chủ và đến sinh kế của hơn 300.000 người lao động chỉ riêng tại các KCN ở Thành phố.
“Thẻ xanh” và “thẻ vàng” áp dụng dù với mục tiêu là tạo cơ hội cho người lao động đi làm trở lại, nhưng những quy định khác quá nghiêm ngặt gắn với hai loại thẻ này có thể làm cho khả năng tiếp cận việc làm của người lao động tại các KCN là không thể.
* Những khó khăn đó cụ thể là gì, thưa Giáo sư?
- Khó khăn thứ nhất là quy định về nơi ở của người lao động phải là “vùng xanh” để được cấp thẻ xanh. Hầu hết người lao động ở các KCN đến từ các địa phương khác và phần lớn họ đã về quê tránh dịch theo cách ứng phó tự nhiên, nếu số này được gọi trở lại làm việc thì không thể tuân thủ được điều kiện nơi ở xanh vì họ qua lại TP.HCM từ vùng chưa được công nhận xanh, hoặc trở về nơi lưu trú đa số là nhà trọ cũng chưa thể được xem là nơi ở xanh.
Khó khăn thứ hai, cho đến thời điểm này chỉ mới có khoảng 40% người lao động ở các KCN được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa nCoV do họ không còn lưu trú ở TP.HCM nên không thể tập trung tiêm theo diện ưu tiên cho KCN, vì vậy số người lao động có “thẻ xanh” tại các KCN sẽ khó đạt được trong ít nhất hai tháng tới, hay thậm chí là cuối năm. Như vậy, KCN sẽ khó có thể đủ người lao động cho dù có tuyển mới, còn những lao động trước đây chưa có “thẻ xanh” có thể phải tiếp tục chờ việc, do đó sinh kế của họ càng bị ảnh hưởng.
* Như vậy việc triển khai thí điểm mở cửa các KCN trong vùng xanh như Củ Chi, quận 7, sẽ không khả thi...
- Về nguyên tắc thì các KCN như Tân Thuận, Tây Bắc Củ Chi, Đông Nam, Tân Phú Trung, Cơ khí ô tô, nếu tuân thủ nguyên tắc “bốn xanh” theo quy định của TP.HCM thì sẽ giải quyết được việc làm khoảng 40% lao động, nhưng như đã nói, số lao động của các KCN trong vùng xanh được thí điểm mở cửa rất khó tập trung khi đa số họ đã về quê tránh dịch.
Ngoài ra, quy định 3T và xét nghiệm định kỳ, cũng như phân biệt người lao động có “thẻ xanh” và “thẻ vàng” tại nơi làm việc sẽ làm khó doanh nghiệp trong các KCN, nhất là chi phí sản xuất tăng do phải test định kỳ và bố trí nơi lưu trú cho hai nhóm người lao động có mức độ an toàn khác nhau là “thẻ xanh” và “thẻ vàng”.
Một công nhân làm việc tại nhà xưởng động cơ nhà máy VinFast - Ảnh minh họa |
* Giáo sư có kiến nghị gì để người lao động trong các KCN có việc làm an toàn?
- TP.HCM tiếp tục ưu tiên phủ đủ vaccine cho 60% người lao động ở các KCN để họ sớm quay lại sản xuất và cũng tạo cho doanh nghiệp dần dần hoạt động trở lại.
Nguyên tắc chủ đạo để người lao động có lại việc làm là có “thẻ xanh”, còn các quy định khác chỉ nên mang tính hướng dẫn để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm trong quá trình sản xuất. Đã lấy “thẻ xanh” làm chủ đạo thì các quy định khác như 3T không nên là điều kiện bắt buộc, vì quy định này làm người lao động sống cách ly với gia đình, không thể an tâm sản xuất, đồng thời quy định này làm tăng chi phí mà hơn 80% doanh nghiệp tại TP.HCM gặp thêm khó khăn do ba tháng ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.
Không nên quá cứng nhắc trong việc áp dụng “bốn xanh” đối với người lao động và ở các KCN. Khi sống chung với Covid-19 thì an toàn y tế đặt ra đầu tiên, tức là làm sao giảm số ca nhập viện hay tử vong chứ không thể giảm số ca F0 và như vậy khái niệm vùng xanh, nơi ở xanh, con đường xanh sẽ không thực tế.
Nên giao việc quản trị an toàn lao động, an toàn y tế cho doanh nghiệp theo quy định chung, thay vì có quy định quá cụ thể và quá cứng nhắc như hiện nay. Từng KCN nên có một trạm y tế giám sát tính an toàn y tế của người lao động và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong các KCN ứng phó với rủi ro khi phát sinh F0 theo quy định của ngành y tế.
Điều này sẽ làm cho doanh nghiệp yên tâm khởi động lại sản xuất, kinh doanh. Về lâu dài, các KCN phải bố trí nơi lưu trú an toàn cho người lao động, bởi hiện nay, đa số công nhân và gia đình họ ở thuê trong những khu nhà trọ quá chật chội, quá đông người nên nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 rất cao như đã từng trong đợt dịch lần thứ tư này.
* Cảm ơn Giáo sư!