Là thạc sĩ, lại có vị trí trong một tập đoàn kinh doanh thức ăn gia súc, việc Ngô Nhật Trường tỉ mẩn với cây cỏ để kiếm vài chục ngàn tiền lãi khiến nhiều người bảo anh "mộng du" giữa ban ngày. Trường không ngại điều đó bởi anh tin, việc đi ngược gió như hiện nay dẫu khó nhưng niềm vui anh có được trong cả hành trình đủ lớn để anh tự tin bước tiếp.
Đọc E-paper
Sài Gòn những ngày Hè. Cái nóng đổ lửa xuống con đường trải nhựa không cản được bước chân của cậu bé Ngô Nhật Trường trốn ngủ trưa, một mình đi "cứu" những cây con vô tình mọc đâu đó trên vỉa hè, khe nứt tường hay một gò đất nhỏ bé nào đấy.
Mặc bạn bè trêu chọc sở thích của mình, cậu bé mang những cái cây non tơ ấy về nhà, "sang" thì được trồng vào chậu đất, không thì là lon sữa bò, thậm chí là một cái can đất bằng nhựa..., để rồi từ đó góp mặt vào vườn cây không giống ai nhưng lại là tất cả đam mê của đứa trẻ đô thị khát màu xanh.
Hai mươi năm sau, thú vui của cậu bé ngày nào vẫn không đổi nhưng không phải đi nhặt cây dại mà là tìm kiếm những cái cây non, tạo hình thế để khoác lên cho những mầm sống ấy một chiếc áo mới. Bởi, cậu bé năm nào giờ đã là ông chủ của tiệm cây Người làm vườn, nơi cung cấp những chậu kiểng xinh xắn tạo hình từ các loại xương rồng, sen đá...
Ông chủ nhỏ đa tài
Ấn tượng đầu tiên về Ngô Nhật Trường là sự kiệm lời và đôi mắt biết "tố cáo" sự lãng mạn. Theo học ngành thú y, có bằng thạc sĩ, Trường bảo đó là con đường anh từng nghĩ sẽ dẫn anh đến việc hiện thực hóa giấc mơ có được một trung tâm chăm sóc thú cưng. Đáng tiếc, vị trí hiện tại của Trường lại là chuyên viên của một thương hiệu thức ăn gia súc nước ngoài.
"Nhà chỉ có hai mẹ con, ngày đó, tôi không dám chọn con đường ít an toàn cho thu nhập", Trường chia sẻ. Đó có lẽ cũng là lý do dù đã bén duyên với điện ảnh, với âm nhạc... nhưng Trường vẫn chọn con đường của một người lao động bình thường.
Tuy nhiên, trong cái giới hạn anh tự đặt ra cho chính mình, vẫn có không gian để Trường vùng vẫy. Ngày 8 tiếng gắn mình trong văn phòng, anh phát hiện ra, những góc bàn làm việc của nhân viên công sở phần lớn là đơn điệu. Số ít có chậu cá, có cây xanh... nhưng chỉ được một thời gian ngắn.
Đi công tác, công việc bận rộn..., chỉ cần quên chăm sóc vài hôm và thế là cây xanh, cá cảnh đều không thể trụ lại. "Nhu cầu về một mảng xanh trên bàn làm việc, trên ban công nhà hay góc phòng... là rất lớn. Vấn đề là làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu ấy", Trường phân tích.
Lấy chính thú vui ngày nhỏ của mình làm tiền đề, Trường bắt đầu mày mò, sáng tạo trong việc trồng cây để cho ra đời các chậu cây cảnh xinh xắn. Để giải quyết bài toán hạn chế thời gian chăm sóc, Trường chọn những cây thuộc họ xương rồng, sen đá..., đó là những cây chịu hạn tốt, phát triển được trong điều kiện khắc nghiệt...
Điều này giúp những người bận rộn vẫn có thể chăm sóc cây với thời gian hạn hẹp của họ. Với 15 loại sen đá, xương rồng..., Trường thiết kế, tạo dáng được hơn 10 mẫu sản phẩm. Giá của các sản phẩm ở tiệm cây Người làm vườn từ 50.000 - 700.000 đồng. Con số khá vừa với túi tiền của người trẻ, giới nhân viên văn phòng...
Khoe hình trên Facebook, điều bất ngờ là Trường được hưởng ứng nhiệt tình. Đơn đặt hàng đến với Trường chỉ sau một thời gian ngắn những hình ảnh về những chậu cây xinh xắn được cộng đồng chia sẻ cho nhau. Có đơn vị tìm đến tiệm cây Người làm vườn để đặt hàng làm quà tặng cho những vị khách đặc biệt của họ, Trường không khỏi hãnh diện.
Anh nhận định: "Chỉ cần sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu người dùng thì sử dụng mạng xã hội làm công cụ để kinh doanh rất tốt". Con số cụ thể minh chứng cho điều này là chỉ trong vòng 2 tuần đầu tiên ra mắt, tiệm cây Người làm vườn của Trường đã nhận được hơn 3.000 lượt người xem và bình luận.
Vừa lo chu toàn công việc, vừa theo đuổi con đường kinh doanh, thử thách Trường phải đối mặt không nhỏ. Ngoài việc tìm các loại cây, chăm sóc, thiết kế sản phẩm..., tiệm cây Người làm vườn phải đối mặt với thách thức rất lớn ở khâu giao hàng.
Ngô Nhật Trường cho biết, tuy kinh doanh bằng thương mại điện tử nhưng sản phẩm của anh không thể sử dụng các dịch vụ giao nhận vì những chậu cây vừa là hàng dễ vỡ, vừa phải đảm bảo được thế cây, dáng cành...
Vậy là ông chủ nhỏ phải thiết kế và đặt hẳn những chiếc hộp đặc biệt để chuyên chở sản phẩm. Đôi khi còn đảm trách luôn cả nhiệm vụ giao hàng để đảm bảo sản phẩm của mình đến tay khách hàng được trọn vẹn nhất.
Đơn đặt hàng ngày một nhiều, vẫn biết là phải chuyên môn hóa, giao việc cho người khác để tập trung vào giá trị cốt lõi là sáng tạo, điều hành... nhưng Trường vẫn nặng lòng với từng sản phẩm của mình nên chưa thể dứt khỏi những lo toan ở khâu sản xuất.
Anh bảo, sự đón nhận của khách hàng đã giúp anh có động lực để nghĩ đến những lựa chọn đúng với đam mê của mình. Ngô Nhật Trường rất trân trọng những kiến thức thu nhận được và chúng tôi trở thành nền tảng để Trường có những bước đi mới. Anh không sợ sai đường, chỉ sợ sức ỳ làm anh không có đủ can đảm bước sang con đường mới.
>TGĐ VietWash: Học Starbucks để làm... rửa xe
>3 bài học khởi nghiệp từ người sáng lập Mobivi
>Kinh doanh kiểu Haravan
>Nhân giống cây nắp ấm