Thời sự

Nghiên cứu gói tín dụng mới trị giá 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Nguyễn An 15/08/2024 09:50

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa giao Bộ Xây dựng nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nguồn từ phát hành trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương ủy thác.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội diễn ra vào chiều 14/8.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm và cho vay nhà ở xã hội. Công tác phát triển nhà xã hội được Thủ tướng nhấn mạnh là một trong 6 định hướng lớn trong thời gian tới.

img8127-172362960807464315143-7750.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng gói tín dụng mới trị giá 30.000 tỷ đồng dành cho phân khúc này, giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

Gói tín dụng mới dành cho các đối tượng vay mua, thuê, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội. Trong đó, 15.000 tỷ đồng lấy từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ, còn lại từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác.

Nguồn vốn của gói 30.000 tỷ đồng sẽ lấy từ ngân sách nhà nước, khác với gói 120.000 tỷ đồng đang triển khai lấy từ các ngân hàng thương mại.

Được biết, vào tháng 4/2023, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bắt đầu được triển khai. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, kết quả giải ngân gói 120.000 tỷ đồng vẫn rất thấp, chỉ hơn 1%, tức khoảng 1.234 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.202 tỷ cho chủ đầu tư tại 12 dự án, còn lại là người mua nhà. Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, hiện có thêm Ngân hàng TPBank, VPBank tham gia gói này, với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.

Lý giải nguyên nhân việc giải ngân quá chậm, Ngân hàng Nhà nước cho biết, do quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi. Bộ Xây dựng đánh giá lãi suất gói vay vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được doanh nghiệp, người dân.

Cụ thể, hiện mức lãi suất của gói vay dành cho doanh nghiệp là 8%/năm và người mua nhà là 7,5%/năm, không có sự chênh lệch quá nhiều so với các gói vay thương mại khác. Thời gian vay cũng chỉ trong vòng 3-5 năm. Đây là mức lãi suất đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh qua 2 lần.

Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khiến kết quả giải ngân khiêm tốn xuất phát từ nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế; nhiều địa phương chưa có danh mục dự án đủ điều kiện thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ chương trình. Đáng chú ý, một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn, do đã hoàn thành hoặc vay từ nguồn khác.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3-5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10-15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi đang thực hiện (thấp hơn 1,5-3% lãi vay thương mại).

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Xây dựng cho biết, 6 tháng đầu năm, phân khúc nhà ở xã hội có 8 dự án đã hoàn thành. Tính từ năm 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án đã triển khai với quy mô 418.200 căn, trong đó có 75 dự án hoàn thành với gần 40.000 căn.

Theo đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà xã hội, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, năm 2024, Chính phủ giao mục tiêu cả nước hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội. Do đó, Bộ Xây dựng đánh giá "khó hoàn thành chỉ tiêu trên trong năm 2024".

Điểm đáng ghi nhận là nhiều địa phương đã làm tốt việc dành quỹ đất cho nhà ở xã hội. Cả nước đã quy hoạch hơn 10.000 ha đất làm nhà ở xã hội. Như vậy, so với báo cáo năm 2020 là 3.359ha thì diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 6.641ha.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghiên cứu gói tín dụng mới trị giá 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO