Kệ truyện tranh siêu anh hùng |
Tiêu thụ giảm sút
Nửa đầu năm nay, màn ảnh toàn cầu đã ghi nhận thành công rực rỡ của 4 bộ phim "hit" thuộc về các siêu anh hùng Marvel, bao gồm 2 phim có doanh thu cao nhất là Black Panther (1,344 tỷ USD) và Avengers: Infinity War (2,043 tỷ USD) đều của Disney.
Còn ở truyền hình, siêu anh hùng Marvel là nhân vật chính của 10 series phim hành động người đóng trải dài từ kênh ABC, Fox, Netflix, FX, Hulu đến Freeform cùng 5 phim hoạt hình khác. Những siêu anh hùng của Marvel cũng góp mặt trong TVC quảng cáo của Ford, Geico, Infiniti và Rocket Mortage. Thế nhưng, những quyển truyện tranh Marvel lại đang phải chật vật để thu hút người hâm mộ mới.
Truyện tranh Marvel từng giới thiệu với thế giới đội quân siêu anh hùng Avenger, Spider Man và những dị nhân như Wolverine, Hulk, Deadpool và Venom... giúp cho nhiều phim bom tấn thắng lớn. Suốt thập kỷ qua, Marvel vẫn giữ vững vị trí đứng đầu trong cuộc cạnh tranh thị phần hằng năm với các đối thủ bao gồm DC Comics, Image và Dark Horse. Nhưng lượng truyện tranh Marvel tiêu thụ được ở hiện tại chỉ bằng 1/10 so với thời hoàng kim ở thập niên 1960 và 1970, khi truyện tranh còn rẻ hơn kẹo và dễ dàng tìm thấy ở những sạp báo địa phương, chợ và tiệm thuốc.
Tương tự những bộ phim về siêu anh hùng Marvel ngày nay, thập niên 1960, nhà xuất bản này sở hữu nhiều ấn phẩm truyện tranh của hàng loạt tác giả nổi tiếng như Stan Lee, Jack Kirby, Steve Ditkom, John Buscema... và đã mang về một lượng độc giả đông đảo. Một số nhân vật truyện tranh Marvel thậm chí còn được xếp vào danh sách những biểu tượng phản văn hóa được yêu thích nhất của giới trẻ thời ấy.
Hiện nay, một quyển truyện tranh mới có giá từ 4 - 6 USD và chỉ được bày bán ở trên kệ của 2.500 cửa hàng chuyên kinh doanh truyện tranh ở Mỹ và Canada. Nhưng con số này đang có chiều hướng giảm khi các cửa hàng (trong đó có Meltdown Comics tọa lạc Đại lộ Sunset suốt 25 năm) đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh trực tuyến.
Công ty Diamond có trụ sở tại Maryland (Mỹ) - chuyên phân phối truyện tranh xuất bản định kỳ mỗi tháng của Marvel, DC và những nhà xuất bản lớn khác - trong năm 2017 đã ghi nhận doanh số truyện tranh định kỳ giảm hơn 10%, còn tiểu thuyết hình ảnh giảm hơn 9%.
Truyện siêu anh hùng dần bị lãng quên
Một thử thách khó khăn hơn là đối với giới trẻ hiện nay, hiếm có quyển truyện tranh nào vượt qua được sức hút của trò chơi điện tử, điện thoại thông minh và phim ảnh. Đã vậy, truyện tranh xuất bản theo tháng được sáng tác với mục đích thu hút độc giả lâu năm, nên chúng thường có rất ít điểm giống với nội dung của các phim như Ant-Man and the Wasp mới ra mắt của Disney, hay các phim truyền hình như Legion, Daredevil, Punisher, Jessica Jones.
Những người hâm mộ siêu anh hùng trên màn ảnh có thể sẽ tìm đến một cửa hàng truyện tranh nhưng lại không biết được nhân vật họ yêu thích xuất hiện trong cuốn truyện nào, nếu nhân vật ấy không có truyện riêng.
Một số siêu anh hùng từ truyện tranh bước lên phim |
Heidi MacDonald - chủ biên của Beat (một blog về công nghiệp truyện tranh) cho biết: "Truyện tranh Marvel chắc chắn đã làm ăn kém hơn so với 5 năm trước, ngay cả khi các bộ phim chuyển thể đã rất nổi tiếng. Tuy vậy, chúng vẫn luôn đứng đầu thị trường truyện tranh, với 99% thị phần. Bởi vậy, quan điểm của những người làm ra chúng là nếu chúng chưa gặp vấn đề gì thì không cần phải sửa chữa".
Là một trong số ít người ở Hollywood tạo nhiều dấu ấn với các bộ phim chuyển thể từ truyện tranh, Michael Uslan sáng tác truyện tranh từ những năm 1970 và dùng kinh nghiệm đó để có được vị trí Giám đốc Sản xuất phim Batman của Tim Burton. Bộ phim "hit" của năm 1989 này đã mở ra một thế hệ những phim siêu anh hùng mới, khuấy động sự hứng thú của người hâm mộ đối với tất cả truyện tranh và giúp doanh thu của Marvel tăng đột biến.
Michael Uslan nhận định: "Trong nhiều năm, các bộ phim lớn về siêu anh hùng đã thu hút những người hâm mộ mới đến với truyện tranh. Nhưng những bộ phim chuyển thể từ truyện tranh lớn nhất hiện nay lại có ít hoặc không có sức ảnh hưởng đến doanh số bán truyện. Chúng không cứu truyện tranh mà đang thay thế".
Truyện tranh về siêu anh hùng cũng như nhạc jazz, bóng chày và hip hop là những sản phẩm giải trí độc đáo của Mỹ. Song, đối với phần lớn thanh thiếu niên Mỹ thời nay thì chúng lại là hàng ngoại quốc. Hiếm khi bọn trẻ có thể vô tình thấy một cuốn truyện xuất bản hằng tháng của Marvel được bày bán tại các cửa hàng phổ biến như Target, Barnes & Noble hay 7-Eleven.
Những tuần gần đây, mô hình nhân vật được yêu thích của Marvel là Deadpool được bày bán tại các máy bán đồ uống ở Mỹ, nhưng không hề có ở sạp sách báo. Bộ phim Deadpool 2 rất "ăn khách" ở các rạp chiếu, nhưng không chắc vì thế mà truyện tranh về anh hùng này cũng có thể bán được nhiều như bắp rang, nếu được bày trên các kệ sách.
Nhà xuất bản DC Comics đang thử thách tình trạng hiện tại bằng cách hợp tác với Wal-Mart. Nhà bán lẻ khổng lồ này sẽ kinh doanh độc quyền 4 tập truyện tranh 100 trang khác nhau hằng tháng. Nghĩa là chúng sẽ không được bày bán tại các cửa hàng truyện tranh.
Trong khi cộng đồng cửa hàng truyện tranh lên tiếng phàn nàn thì các nhà xuất bản đối thủ lại hứng thú và tò mò, biến nó thành chủ đề rất được chú ý tại Comic-Con (Hội nghị truyện tranh và giải trí đa thể loại) ở San Diego (Mỹ) hạ tuần tháng 7 rồi.
Công nghệ cũng được đưa vào hỗ trợ cho truyện tranh kể từ năm 2007 với nhà xuất bản tiên phong là Marvel. Nhưng sau một thập kỷ, những phiên bản truyện tranh kỹ thuật số chỉ đạt được thành công ở tầm trung và một lần nữa, sản phẩm theo nhu cầu này cũng chủ yếu được thiết kế cho những độc giả lâu năm chứ không phải người mới.
(Nguồn: Los Angeles Times)