Nghĩ về quyền lực mềm

TS. Thái Công| 29/04/2022 06:00

Sự trỗi dậy và lan rộng của thế giới trực tuyến ở thời đại số, cũng như xu hướng hội nhập quốc tế trong một thế giới xuất hiện vũ khí hủy diệt hàng loạt đã đẩy nhanh ảnh hưởng của quyền lực mềm.

Theo Joseph Nye - Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard, Mỹ, quyền lực mềm  là một loại năng lực có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn, chứ không phải ép bức hoặc dụ dỗ. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hóa, chính trị và chính sách ngoại giao của mỗi nước.

Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng thành công quyền lực mềm nằm ở ba nguồn lực: văn hóa của một quốc gia, các giá trị chính trị của quốc gia và chính sách đối ngoại của quốc gia đó. Văn hóa của một quốc gia là thứ có thể gây ra sự thu hút của thế giới. Khi nền văn hóa lan tỏa ra thế giới, quốc gia đó sử dụng chính sách đối ngoại để tích cực tạo ra ảnh hưởng, ở giai đoạn mà thế giới xem quyền lực mềm là hợp pháp và đạo đức.

Trong thập niên 30 của thế kỷ XX, Vương quốc Anh đã sáng lập và duy trì sự phát triển của kênh đối ngoại văn hóa và ngôn ngữ. Hiện nay, sự hoạt động của kênh đối ngoại văn hóa và ngôn ngữ (Anh văn) ảnh hưởng rất lớn đối với thế giới, góp phần gia tăng sức mạnh mềm của Anh, tạo nên một lợi thế trong việc định vị sức mạnh quốc gia trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu.

Từ hai thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã tích cực xây dựng chiến lược quyền lực mềm. Trước hết, bằng cách khai trương Viện Khổng Tử ở một số nước, tuy nhiên chiến lược này không chỉ giới hạn trong các vấn đề văn hóa và Bắc Kinh còn đi xa hơn, bao gồm cả kinh tế và năng lực đầu tư. Sáng kiến "Vành đai - Con đường" khởi xướng năm 2013 là một phần của sự khẳng định quyền lực mềm nhằm đưa Trung Quốc trở thành một "cường quốc biểu tượng".

co-to-quoc-8422-1651029848.jpg

Vào những năm 1980, thị phần của Mỹ trong sản xuất toàn cầu giảm từ 33% năm 1950 xuống còn 23%, tỷ trọng xuất khẩu giảm từ 17% năm 1950 xuống 10% năm 1988, tỷ trọng dự trữ tiền tệ giảm từ 50% xuống còn 9%. Đã có một nửa số dân Mỹ lúc bấy giờ nhận thấy sự suy giảm quyền lực của đất nước. Các nhà chiến lược Mỹ lập luận rằng, "thước đo" đã được thay đổi và nhấn mạnh rằng ảnh hưởng của Mỹ sẽ tiếp tục thông qua việc sử dụng quyền lực mềm, mặc dù Mỹ có thể mất vị thế quyền lực cứng. Để sử dụng quyền lực mềm, Mỹ thúc đẩy giá trị "tự do, dân chủ” lên hàng ưu tiên trong đường lối đối ngoại, xem "dân chủ hóa" theo các tiêu chuẩn tự do của Mỹ và phương Tây là phương thức quan trọng nhất để giữ vững ngôi vị bá chủ thế giới. Mỹ còn sử dụng vũ khí kinh tế làm đòn bẩy để thúc đẩy "dân chủ” ở một số nước. Theo Mỹ, việc phát triển kinh tế tư nhân sẽ làm giảm sự phụ thuộc của người dân đối với chính quyền. Phát triển một xã hội "cởi mở", trong đó thị trường được mở cửa tự do và các phương tiện truyền thông độc lập sẽ tạo điều kiện cho tầng lớp trung lưu ra đời và sẽ có những quan điểm chính trị khác nhau. Tầng lớp xã hội mới này sẽ ngày càng phát triển và yêu cầu về lợi ích và quyền tự do về kinh tế, chính trị cũng tăng lên. Khi tầng lớp này đủ mạnh sẽ là lực lượng nòng cốt đưa đất nước hòa nhập vào "thế giới phương Tây tự do" do Mỹ lãnh đạo.

Ở Việt Nam, nếu như tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã góp phần quảng bá văn hóa Việt ra thế giới, thì sức mạnh mềm đã được nhà văn hóa Nguyễn Trãi vận dụng vào việc chống ngoại xâm trong thế kỷ XV qua tư tưởng "đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo". Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng nguồn lực mềm trong việc đặt tên nước là "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" với bản Tuyên ngôn Độc lập bất tử. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với khẩu hiệu "Không có gì quý hơn độc lập tự do", Người đã dẫn dắt cả dân tộc giành chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với với quan điểm chính trị "tự do và dân chủ” đã được sự ủng hộ của toàn thế giới, kể cả nhân dân các nước phương Tây. Chính sách "ngoại giao tâm công" của Người trong thời kỳ đất nước khó khăn nhất với chiến lược "dĩ bất biến, ứng vạn biến" của văn hóa phương Đông đã trở thành giá trị cốt lõi thực hành của ngành ngoại giao.

Cùng với việc phát triển sức mạnh cứng vật chất, phát huy sức mạnh mềm là nguồn lực xã hội mạnh mẽ để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, xây dựng một đất nước hùng cường và nhân văn. 

Ngày nay, để xây dựng và phát triển đất nước, bên cạnh việc cần phải phát triển sức mạnh cứng thì cũng cần xem trọng phát triển sức mạnh mềm. Trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vừa xuất bản, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết những vấn đề lịch sử sinh động nhất về sự nghiệp cách mạng với tư tưởng xuyên suốt là phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là nhân tố quyết định thành công. Vấn đề này cũng được nhà lý luận Đoàn Duy Thành đề cập trong tác phẩm Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, và vì dân. Ông nhấn mạnh, để xây dựng và hoàn thiện nhà nước của dân, do dân và vì dân, thể chế tam quyền phân lập và cơ chế kinh tế thị trường ở Việt Nam là chưa đủ. Chính vì vậy, điều cốt lõi là phải xây dựng được một đảng tiên phong, "phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" như di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ có như vậy, chúng ta mới giải quyết được mặt tiêu cực và phát huy được tính tích cực để phát triển đất nước.

Tóm lại, cùng với việc phát triển sức mạnh cứng vật chất, phát huy sức mạnh mềm là nguồn lực xã hội mạnh mẽ để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, xây dựng một đất nước hùng cường và nhân văn.

Chúng ta phải phấn đấu thực hiện ba nội dung cốt yếu sau:

Một là xây dựng thể chế nhà nước pháp quyền và xây dựng nền kinh tế thị trường hoàn thiện với những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là xây dựng và phát triển Đảng cầm quyền vững mạnh, tiên phong làm cơ sở cho sự đột phá và lan tỏa sức mạnh mềm Việt Nam đến các giai tầng trong xã hội.

Ba là nâng cao ý thức học tập và lao động theo phương châm 18 chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến đến lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghĩ về quyền lực mềm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO