Khách sạn bán, thiếu người mua

Ý Nhi| 01/10/2021 09:00

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư chưa có dấu hiệu dừng lại khiến phân khúc khách sạn gặp rất nhiều khó khăn. Trong những tháng vừa qua, đã có hàng trăm khách sạn lớn nhỏ rao bán nhưng hầu như không có người mua.

Khách sạn bán, thiếu người mua

Bên trong sảnh một khách sạn được rao bán

Khắp nơi bán... khách sạn

Thị trường khách sạn tại Việt Nam cũng giống như ở nhiều nước, đều tổn thất nặng nề do không kinh doanh được bởi đại dịch. Có thể chia khách sạn hiện nay thành hai phân khúc: khách sạn trong thành phố và biệt thự, resort nghỉ dưỡng. Cùng với sự hạn chế tối đa việc di chuyển bằng máy bay và đóng cửa biên giới, tại Việt Nam hiện nay, nguồn cầu từ du khách nước ngoài gần như bằng không.

Xoay xở để mong tồn tại, nhiều khách sạn tại TP.HCM đã tìm lối ra tạm thời là đăng ký làm điểm cách ly có trả phí cho F1 hoặc cho người nhập cảnh. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không đơn giản vì phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ về phòng, chống dịch nên chi phí cao hơn nhiều so với giá phòng bình thường. Vì thế, rất ít khách sạn có thể duy trì hoạt động theo cách này, phần đông vẫn lâm vào cảnh ế ẩm, không còn sức chống chịu, phải... rao bán. 

Hiện nay, trung bình mỗi ngày có không dưới chục khách sạn rao bán qua môi giới hoặc đăng tin trên các sàn giao dịch online. Tại TP.HCM, trên trục đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Bùi Thị Xuân, ngã sáu Phù Đổng... nhiều khách sạn chào bán từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ, thậm chí cả nghìn tỷ đồng.

Ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng không ít khách sạn mini và căn hộ dịch vụ đóng cửa, mặt tiền chi chít biển in số điện thoại liên hệ cho thuê hoặc bán. Không chỉ TP.HCM, tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu... nhiều ông bà chủ cũng mỏi mắt tìm người mua khách  sạn.

Giám đốc một doanh nghiệp dịch vụ tại TP.HCM có khách sạn ở Phan Thiết cho biết, do dịch bệnh kéo dài gần hai năm qua, khiến ông không thể trả lãi suất vay ngân hàng. Việc đóng cửa lâu cũng khiến trang thiết bị nội thất, phòng ốc... xuống cấp nên ông phải rao bán khách sạn. 

Không chỉ doanh nghiệp mà các ngân hàng thương mại cũng đang rao bán khách sạn, là tài sản thế chấp của khách hàng để thu hồi nợ. Mới đây, VietinBank chi nhánh Hà Tĩnh phát đi thông báo bán toàn bộ khoản nợ gốc, lãi, phí hoặc bán, chuyển nhượng tài sản bảo đảm của Công ty CP Thương mại Việt Hà - chủ tổ hợp khách sạn, bar, massage 8 tầng, là con nợ của ngân hàng này với giá thỏa thuận. Giá trị khoản nợ tính của Công ty Việt Hà đến hết ngày 14/9/2021 là hơn 73,3 tỷ đồng, trong đó gồm 53,1 tỷ đồng nợ gốc và 20,2 tỷ đồng lãi và phí. Trước đó, VietinBank đã nhiều lần rao bán tài sản của Công ty Việt Hà nhưng vẫn chưa thành công.

Theo thông tin từ batdongsan.com, số khách sạn rao bán hiện nay trên trang này so với quý II/2021 vẫn tăng nhưng lượng khách sạn chốt được giá bán và khách mua rất thấp; nhiều khách sạn rao bán 3-4 lần vẫn chưa có người ngó ngàng. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, việc rao bán khách sạn sẽ còn diễn ra trong thời gian tới, đặc biệt là những chủ khách sạn vay vốn ngân hàng từ 70-80% để đầu tư, kinh doanh, nay không đủ sức duy trì, phải cắt lỗ. 

KS-9587-1632730763.jpg

Một trong những khách sạn được rao bán tại Nha Trang

Vẫn có hy vọng phục hồi

Trong khi nhiều khách sạn muốn bán mà chưa tìm được người mua thì một số công ty nghiên cứu thị trường cho rằng, thời điểm này những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh có cơ hội thâu tóm nhiều tài sản ưng ý cùng khả năng ép giá chủ khách sạn có nguồn lực yếu. Mới đây, một khách sạn 5 sao tại Việt Nam đã cơ bản hoàn thành thủ tục M&A cho một nhà đầu tư nước ngoài. 

Theo ông Troy Griffiths - Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, trong khi một số khách sạn lớn thuộc quyền sở hữu của các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính vững mạnh vẫn duy trì kinh doanh và không áp dụng phương án giảm giá sâu để chờ tới khi nền kinh tế mở cửa trở lại, thì rất nhiều khách sạn quy mô nhỏ, thuộc các chủ sở hữu và nhà điều hành phụ thuộc vào nguồn vốn lưu động, thông qua doanh thu của khách sạn lại gặp không ít khó khăn do đó đã nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề là các nhà đầu tư này đang chờ chủ khách sạn khó cầm cự được và họ sẽ chọn thời điểm chốt giá thấp.

Tỷ lệ phòng lấp đầy trung bình ở các khách sạn 3-5 sao tại TP.HCM trong quý II/2021 chỉ đạt 18%, giá phòng trung bình là 69 USD/phòng/đêm. Tại Hà Nội, có khoảng 20 khách sạn, tương đương khoảng 1.600 phòng. Đà Nẵng khoảng 34 khách sạn với khoảng 3.000 phòng, TP.HCM là 25 khách sạn với hơn 3.000 phòng, trong đó quận 1 chiếm 42%, tương đương 13 khách sạn, quận Tân Bình là 32%, số còn lại ở các quận 7, quận 3 và quận 5.(nguồn Savills Việt Nam)

Theo báo cáo Triển vọng đầu tư khách sạn toàn cầu năm 2021 của JLL, 70% nhà đầu tư sẽ nhắm đến khách sạn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khối tiền đầu tư khách sạn toàn cầu trong năm nay dự kiến đạt 35 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Troy Griffiths nhận định: “Chắc chắn thị thường sẽ phục hồi mạnh mẽ, kéo phân khúc khách sạn, nhất là bất động sản nghỉ dưỡng quay trở lại nơi nó từng đứng vững trước đây. Bởi khi hết giãn cách, người dân có nguồn dự trữ tài chính sẵn sàng chi tiêu mua sắm, đặc biệt là du lịch bất cứ nơi đâu, từ đó ngành kinh tế không khói này sẽ bùng nổ trở lại”.

Sự phục hồi của ngành khách sạn đã được ghi nhận ở Mỹ và các nước châu Âu. Ở một số nơi, khách sạn có giá phòng tăng gấp 5 lần so với mức trước đại dịch. Vấn đề đặt ra lúc này là với giá phòng gấp 5 lần, khách du lịch sẽ mong đợi những gói dịch vụ tốt hơn.

Tuy nhiên, ở Mỹ, nhiều nhân viên khách sạn có kinh nghiệm không quay lại làm việc, kéo theo vấn đề nan giải trong việc cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Lợi thế của Việt Nam lúc này càng được phát huy, khi nguồn khách du lịch trong nước khá dễ tính có thể thích ứng với những thay đổi nhỏ khi khách sạn mở cửa trở lại.

Các dịch vụ có liên quan tới sự kiện, hội nghị, hội thảo (MICE) luôn là nguồn thu quan trọng đối với những khách sạn hạng sang và resort. Việt Nam có vị trí thuận lợi trong việc kết nối các nước trong khu vực và rất hấp dẫn đối với các thị trường trung chuyển như Trung Quốc và Hàn Quốc. Bây giờ là lúc các nhà khai thác dịch vụ khách sạn, khu nghỉ dưỡng tự làm mới mình, đào tạo nhân lực và sẵn sàng phục hồi trở lại ngay sau khi khống chế được đại dịch. 

Ông Troy Griffiths khẳng định: “Trong tương lai gần, khách sạn, khu nghỉ dưỡng sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Có thể dẫn chứng, chuỗi Wink Hotels vẫn duy trì mục tiêu mở thêm 20 khách sạn trong 5 năm tới. Tiềm lực tài chính tốt của nhiều người dân Việt Nam sẽ tiếp tục tạo lực đẩy cho ngành du lịch trong nước, cũng như những kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ từ khách du lịch nước ngoài. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khách sạn bán, thiếu người mua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO