Ngày 16/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức chương trình Đối thoại cấp cao Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) lần thứ hai, với nội dung chính là tiến trình xây dựng khung pháp lý và việc triển khai chương trình hợp tác công-tư (PPP) tại Việt Nam.
Tại buổi Đối thoại, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu giới thiệu dự thảo Nghị định PPP, bao gồm định hướng, kết cấu, những nội dung chính và những mốc thời gian hoàn thiện Nghị định đồng thời cho biết Nghị định PPP “mới” sẽ nhanh chóng được hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ vào cuối tháng 8/2014 và như thế Việt Nam sẽ có Nghị định PPP ở thời điểm quý 4 của năm nay.
Theo ông Tăng, Nghị định PPP được tiếp cận, soạn thảo theo hướng qui định khung bởi nếu quy định quá chi tiết sẽ gây vướng trong việc thực hiện sau này. Thứ hai, Nghị định hướng tới mở rộng các lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước sẽ không bị hạn chế tham gia, song sẽ có những chế tài để không tràn lan.
Ngoài ra, Nghị định này cũng cho phép nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi trong trường hợp nhà đầu tư đề xuất dự án đồng thời cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm thẩm định, phê duyệt theo quy định…
“Mục tiêu lớn nhất là thu hút đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó khuyến khích đề xuất dự án và chuẩn bị dự án từ phía tư nhân, quy trình rút gọn dành cho các dự án quy mô nhỏ, nhất là trong những lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đấu thầu cạnh tranh, công khai chính sách, khung giá để giảm thời gian đàm phán… Ban soạn thảo phải đặt mình là nhà đầu tư để hiểu họ.” ông Tăng nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc điều hành JBIC, ông Hiroshi Watanabe nhận định, trong vòng một năm qua, hai phía Việt Nam-Nhật Bản đã có rất nhiều hoạt động để thúc đẩy việc hoàn thiện môi trường, hành lang pháp lý về PPP.
“JBIC hiện có vai trò rất lớn trong khu vực và có nhiều kinh nghiệm và mong muốn đóng góp cho chính phủ Việt Nam. JBIC không chỉ quan tâm đến lợi nhuận, mà tạo môi trường thể chế ổn định để thu hút nhà đầu tư PPP,” ông Watanabe cho biết.
Theo đó, ông Watanabe đã đưa những những kiến nghị đóng góp, Nghị định PPP lần này cần chú trong tới các vấn đề chính liên quan đến khả năng vay vốn từ đối tác nước ngoài, mà cụ thể là sự hỗ trợ của nhà nước về một phần tài chính, chính sách hạn chế rủi ro ngoại hối đồng thời khung pháp lý áp dụng luật quốc tế.
Thêm vào đó là các chính sách thúc đẩy việc thực hiện nhanh chóng và hiệu quả trong PPP, bao gồm quá trình lựa chọn nhà đầu tư và đầu mối cho PPP.