![]() |
Tên tuổi của Nghệ sĩ nhân dân - đạo diễn Khải Hưng gắn với những bộ phim truyện truyền hình vào dạng hay nhất kể từ khi thể loại này xuất hiện ở nước ta: Lời nguyền của dòng sông, Mẹ chồng tôi, Người tình của cha… Có lẽ cũng ít có người nào gặt hái được thành công trong lĩnh vực phim truyền hình với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như Khải Hưng. Anh còn là người “cai quản” một cơ sở sản xuất phim cho “ra lò” hàng trăm tập phim mỗi năm cùng với những “thương hiệu” đã trở nên quen thuộc với khán giả: “Văn nghệ Chủ nhật”, “Gặp nhau cuối tuần”, “Gala Cười”...
Người mở đầu dòng phim video
Tốt nghiệp khoa Vật lý - ĐH Sư phạm Hà Nội II nhưng Khải Hưng lại được “rủ rê” sang truyền hình, về ban Khoa giáo. 35 tuổi, anh đi học nghề đạo diễn. Bài tập tốt nghiệp của anh ở khoa Đạo diễn (khóa II), Đại học Sân khấu và Điện ảnh là bộ phim truyện làm trên chất liệu băng từ Người thành phố.
Sinh viên Khải Hưng đã phải loay hoay một thời gian dài để “mò” ra công thức chung cho làm phim: Từ âm thanh, ánh sáng, quay nội, quay ngoại đến lồng tiếng, hòa âm... Ra trường, anh về Trung tâm Nghe nhìn - tiền thân của Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) với nhiệm vụ làm các tiểu phẩm sinh đẻ có kế hoạch...
Không lâu sau bộ phim tốt nghiệp, phim Đứa con tôi của đạo diễn Khải Hưng đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc 1983. Nhưng tên tuổi của Khải Hưng lại được đánh dấu bằng bộ phim Lời nguyền của dòng sông, đã đoạt Giải thưởng Lớn tại Liên hoan phim quốc tế Bruxelle (Bỉ) và gây được tiếng vang vì lần đầu tiên một bộ phim làm trên chất liệu băng từ đoạt giải thưởng ở một liên hoan phim quốc tế.
![]() |
Nghệ sĩ nhân dân - đạo diễn Khải Hưng |
Từ đó, giới làm phim trong nước bắt đầu chú ý tới cách làm phim truyện mới. Đó cũng là thời gian phim “mì ăn liền” nở rộ với công nghệ làm phim “thuổng” từ công thức do anh mày mò tìm ra trong 4 - 5 năm.
Năm 1994, chương trình Văn nghệ Chủ nhật ra đời và Khải Hưng được giao phụ trách chương trình này. Đảm nhận gần 50 phim/năm, anh đã phải đến từng nhà, kêu gọi anh em đồng nghiệp ở các cơ sở sản xuất phim truyện cùng hợp tác. Văn nghệ Chủ nhật tháng đầu phát liền bốn phim do anh làm: Mẹ chồng tôi (2 tập), Người tình của cha… Tiếp đó, Những người sống quanh tôi ra đời mở đầu cho dòng phim dài tập.
Năm 1995, Khải Hưng được bổ nhiệm làm Phó giám đốc, rồi Giám đốc Hãng phim Truyền hình Việt Nam. Vừa làm quản lý, anh vừa đều đặn làm phim và hầu như phim nào cũng giành thứ hạng cao của các giải thưởng phim truyền hình và điện ảnh.
Giám đốc hút thuốc “xanh”
Ba mươi năm làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam, Khải Hưng dường như chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi dù nhịp độ công việc luôn hối hả. Mùa đông cũng như mùa hè, anh rời nhà vào lúc 6g30 sáng và trở về khi thành phố đã lên đèn. Có lẽ công việc cho Khải Hưng sức trẻ, dù nay anh đã ở tuổi 58.
Anh thú nhận mình không có thú vui nào khác ngoài công việc, không có niềm đam mê nào hơn phim ảnh. Cái thời xem phim Tiệp Khắc, Ba Lan, Liên Xô... phải mua vé chui nhưng có phim anh xem tới hai, ba lần, thuộc lòng từng cảnh một. Bây giờ thì ngày nào cũng xem phim, xem ở cơ quan rồi tối về còn ngốn ít nhất một đĩa hình. Anh bảo, xem phim không chỉ vì say mê mà còn giúp anh tích lũy vốn sống và học được không ít ngón nghề.
Nghệ sĩ nhân dân - đạo diễn Khải Hưng được hội viên Hội Điện ảnh - Truyền hình tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội Điện ảnh ba khóa liền (khóa 4, 5, 6). Khóa 5 và 6, anh được bầu làm Phó tổng thư ký Hội |
Hình như không có ông giám đốc nào như Khải Hưng, chỉ hút thuốc lá “xanh” 2.500 đồng/bao. Anh rất quyết đoán và quyết liệt đưa ra những lập luận sắc bén để các đạo diễn phải “tâm phục khẩu phục” khi sản phẩm của họ làm ra bị cắt xén, thêm bớt. Anh em đồng nghiệp không thể chê tay nghề biên tập của anh vì anh luôn đưa ra được những lý lẽ thuyết phục để bộ phim vừa đến được với công chúng, vừa ít tốn kém nhất khi bổ sung, chỉnh sửa...
Người đàn ông nuôi con một mình
Thế nhưng, đằng sau vẻ nóng nảy và bộc trực ấy lại là một người đàn ông đa cảm. Cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ để lại cho anh đứa con trai còn nhỏ dại. Họ chia tay trong lịch sự và êm ấm. Kết hôn lần thứ hai với một nữ diễn viên điện ảnh tên tuổi, anh thay đổi trông thấy. Bây giờ đã tìm được “một nửa” của mình và đã có thêm một cô con gái xinh xắn nên anh bằng lòng với hạnh phúc mình đang có.
Ngoài làm phim, Khải Hưng còn tham gia giảng dạy tại Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Anh muốn truyền những “ngón nghề” tích lũy sau gần 30 năm cho thế hệ kế tục. Bài tập tốt nghiệp của sinh viên được anh phản biện bao giờ cũng là những ý kiến hết sức nhà nghề. Có lần, anh xem bộ phim tốt nghiệp có nội dung nói về một đứa trẻ từ nhỏ sống với bố vì mẹ bỏ ra nước ngoài.
Xem xong anh mới biết là của con trai Khải Anh làm về chính hoàn cảnh của mình, anh xúc động thấy con đã trưởng thành. Anh chăm sóc con theo cách của một người đàn ông: Chu đáo nhưng rất nghiêm khắc, thậm chí có phần khắc nghiệt và anh muốn con trai thành danh bằng chính sức lao động của mình. Khải Anh giờ là một trong những đạo diễn trẻ của VFC nhưng anh không hề dành cho con bất kỳ một sự ưu ái nào.
“Tháng tới, tôi về hưu và sẽ rẽ sang con đường khác, nhưng chắc chắn là vẫn làm phim. Có những lời mời tôi làm phim điện ảnh nhưng tôi nguyện chỉ trung thành với phim truyền hình”, anh quả quyết. Anh muốn được đối thoại với công chúng chứ không thích làm ra “những tác phẩm chỉ để một số người xem”, anh tâm sự.