Ở vùng nông thôn miền Tây Nam bộ, mỗi khi có lễ nghi quan trọng, người dân thường mua đầu heo về nấu cháo cúng người khuất mặt. Khi ấy, lỗ tai heo sẽ được chế biến thành nhiều thứ “mồi” hấp dẫn để nhâm nhi với ly rượu gạo ấm nồng.
Lỗ tai “lão Trư” được sơ chế thật sạch, để ráo. Trước khi làm món gì cũng phải trụng tai heo sao cho vừa chín tới. Món thông dụng nhất là ngâm giấm: xắt lỗ tai thành sợi nhuyễn, nhỏ, để thật nguội rồi xếp vào keo thủy tinh. Giấm hòa với đường cát và muối nấu sôi, chờ đến khi âm ấm thì trút vào keo lỗ tai để ngâm. Thêm vài lát tỏi, ớt tạo màu sắc và mùi vị. Chỉ ngâm một, hai ngày đã có thể vớt tai heo ra vắt khô, khi ăn chấm nước mắm y (hoặc nước tương) có vài lát ớt. Có người còn trộn tai heo ngâm giấm với thính, ăn vừa thơm, vừa béo.
Tai heo xào dưa leo |
Thay vì dùng thịt khìa với nước dừa xiêm làm món thịt khìa ăn rất “bắt” cơm, người ta khìa với tai heo. Sau khi được trụng nước sôi, tai heo được ướp nước mắm ngon, tỏi, tiêu, ngũ vị hương cho thật thấm. Bắc chảo phi mỡ tỏi cho thơm rồi trút tai heo vào khìa. Khi thịt săn, chặt trái dừa xiêm trút hết nước dừa vô chảo rồi để bếp riu riu cho thịt thấm mềm.
Dưa tai heo ngâm giấm |
Tai heo khìa nước dừa chấm nước mắm chua ngọt, ăn kèm các loại rau rừng sẽ cảm nhận được sự thú vị dân dã. Tai heo cũng thích hợp để chế biến các món xào: xào xả ớt, xào dưa leo. Món xào xả ớt ăn với cơm nóng thì no quên thôi. Xào với dưa leo, khi nêm không dùng nhiều nước mắm. Dưa leo gọt sơ, xắt miếng xéo, bỏ hột, xào cùng tai heo, vừa chín trút ra dĩa, rắc tiêu xay nhuyễn và ít rau thơm, chấm nước mắm chua ngọt rất ngon miệng.
Tai heo trộn gỏi cóc |
Còn một món rất “độc” là tai heo trộn gỏi trái cóc. Cóc được bào mỏng, bóp sơ với nước muối cho bớt chất nhựa, bớt chua rồi trộn tai heo xắt sợi và nước mắm, đường. Dĩa gỏi cóc trộn tai heo cần có ít rau thơm và ít lát ớt chín đỏ rắc lên trên, khi ăn chấm nước mắm y và ớt hiểm.
>Du lịch mùa thu theo tiếng gọi của những món ngon
>6 món ngon dân dã xứ dừa