Thay vì "đổ bộ" vào Mỹ bằng những sản phẩm nguyên chiếc, các hãng sản xuất xe hơi Trung Quốc đang mở một con đường khác để tiến vào thị trường lớn nhất thế giới này.
Các công ty Trung Quốc từng "đe dọa" chi phối thị trường ô tô Mỹ bằng loạt xe giá rẻ từ một thập kỷ trước. Thế nhưng, điều này đã không xảy ra khi mà những chiếc xe hơi "made in China" còn khó tìm được đất sống ngay ở chính quê nhà.
Giậu đổ bìm leo
Tập đoàn điện tử Ningbo Joyson - một trong những nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng ô tô lớn nhất Trung Quốc đã tận dụng được cơ hội vàng từ cuộc khủng hoảng của Takata để chiếm lấy "miếng bánh" thị trường túi khí.
Hồi 2015, hãng sản xuất phụ tùng ô tô Nhật Bản dính lỗi bơm túi khí quá mạnh làm bắn ra các mảnh kim loại gây nguy hiểm cho người ngồi trên xe. Sự cố này đã khiến ít nhất 17 người chết và hơn 100 người bị thương trên toàn thế giới, tạo ra đợt triệu hồi lớn nhất lịch sử nước Mỹ.
Bê bối của Takata khiến hầu hết các hãng ô tô trên thế giới bị "vạ lây", vì vậy ngoài án phạt 1 tỷ USD, Takana mất hàng loạt khách hàng.
Nắm bắt thời cơ vàng, Joyson đã bỏ ra 920 triệu USD vào 2/2016 để mua lại công ty sản xuất túi khí Key Safety Systems (KSS) nhằm nhanh chóng tấn công vào thị trường Mỹ, đối đầu cùng những tên tuổi lớn, lâu đời trong thị trường túi khí như Autoliv và ZF Friedrichshafen.
Đây là thương vụ lớn nhất trong lịch sử Joyson - vốn là nhà cung cấp hệ thống kính, thanh gạt nước và hệ thống thông gió cho những hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, bao gồm Ford Motor Co., General Motors Co. và Volkswagen. Không dừng lại ở đó, Hãng lên kế hoạch mua mảng kinh doanh hệ thống chỉ dẫn đường của TechniSat Digital GmbH (Đức) với giá 204,6 triệu USD.
Đầu tư của Joyson vào Mỹ đã đạt mức kỷ lục 1,6 tỷ USD, trong bối cảnh các công ty đại lục cố gắng thao túng chuỗi cung ứng toàn cầu, bù đắp cho thị trường tại quê nhà đã bão hòa.
Michael Dunne - Chủ tịch Công ty tư vấn Dunne Automotive tại Hong Kong cho biết: "Nếu kế hoạch ban đầu của cuộc chơi này là đưa sang Mỹ những chiếc xe hơi xuất khẩu từ Trung Quốc, thì bây giờ, Trung Quốc sẽ sản xuất, đầu tư, tạo việc làm và xuất khẩu xe hơi ngay trong lòng nước Mỹ”. Được biết, Trung Quốc hiện là thị trường ô tô lớn nhất thế giới và quốc gia này đang nỗ lực củng cố vị thế của mình trên thị trường xe hơi.
Không chỉ Joyson, năm ngoái, Tibet Yinyi Investment Management cũng mua lại nhà sản xuất túi khí ARC Automotive từ Knoxville (Tennessee) với giá 491,2 triệu USD, theo Bloomberg. Vào 30/12/2016, một công ty Trung Quốc khác là ZYNP Corp của Mãn Châu tuyên bố sẽ mua lại hãng sản xuất hệ thống truyền lực Incodel Holding LLC ở Michigan với giá 101,2 triệu USD.
"Các công ty Trung Quốc đã xây dựng được mối quan hệ tốt với các hãng lớn trên thế giới, vì vậy khá thuận lợi để họ mở rộng ở nước ngoài", ông Michael Yu - lãnh đạo dịch vụ tư vấn tài chính của Deloitte China tại Thượng Hải cho biết.
>>Baidu đủ sức giúp Trung Quốc "thay áo"?
Vẫn còn đó những bất hòa giữa hai chính phủ Mỹ - Trung khi Tổng thống Trump luôn đe dọa áp thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc, nhưng bằng lợi thế giá rẻ, những công ty Trung Quốc vẫn đạt được nhiều thỏa thuận lẫn củng cố vị thế tại Mỹ.
Người Trung Quốc đã không thành công như những đồng hương châu Á như Nhật hay Hàn Quốc khi đã đưa Toyota và Hyundai đến Mỹ từ năm 2005. Thế nhưng giờ đây, nền kinh tế thứ hai thế giới đang có kế hoạch khác để tấn công thị trường màu mỡ này.
Kế hoạch mới nhất đến từ Guangzhou Automobile Group Co. Chủ tịch Feng Xingya cho biết công ty này sẽ mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Mỹ trong năm nay, và dự định xuất khẩu xe sang Mỹ bắt đầu từ 2018. Sau thông tin trên, cổ phiếu của Hãng ở Hong Kong đạt mức cao nhất trong vòng 52 tuần, và tăng 38% trong năm nay.
Bài toán sống còn
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phát triển chậm lại, với GDP tăng trưởng chỉ 6,5% trong năm 2016, thấp nhất kể từ năm 1990.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, mức tăng trưởng doanh thu xe hơi của nước này sẽ giảm 5% trong năm nay, từ mức 14% năm ngoái, sau khi chính phủ thắt chặt việc cắt giảm thuế và kinh tế tăng trưởng yếu.
Các thành phố lớn áp đặt các hạn chế quyền sở hữu xe hơi để giảm bớt tình trạng kẹt xe, trong khi chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình ra sức tìm kiếm các giải pháp "giải thoát" đất nước khỏi ô nhiễm do khí thải ở mức báo động. Chất lượng xe sản xuất trong nước cũng thua kém xe nhập khẩu như Hyundai, Kia, Honda hay Audi, theo nghiên cứu của J.D. Power vào tháng 9/2016.
"Điểm yếu kém của công ty Trung Quốc là công nghệ. Quá khó để nước này tự sản xuất một chiếc xe hơi tốt và nếu họ bắt đầu cải tiến công nghệ ngay từ bây giờ, vẫn phải mất nhiều năm nữa mới đạt được trình độ cần có”, Bloomberg dẫn nhận định của Steve Man - một nhà phân tích người Hong Kong.
Trong bối cảnh đó, đầu tư ra nước ngoài mà đặc biệt là mở rộng kinh doanh sang Mỹ là cách mà công nghiệp ô tô Trung Quốc tự cứu lấy mình. Và trên thực tế là người Trung Quốc đang ra sức lấn sân vào các hoạt động sản xuất tại Mỹ.
Công ty lốp xe Qingdao Sentury Tire đồng ý một thỏa thuận vào tháng 9, đầu tư 530 triệu USD vào nhà máy mới có 1.000 nhân viên tại LaGrange (bang Georgia), theo thông báo của công ty con ở Mỹ.
Bên cạnh đó, Fuyao Glass Industry Group - một nhà sản xuất đến từ Phúc Kiến là nguồn cung cấp phụ tùng cho Ford, Toyota và GM - đã chi 1 tỷ USD để mở rộng kinh doanh ở Mỹ, theo người phát ngôn của công ty hồi tháng 10/2016. Các khoản đầu tư bao gồm các nhà máy ở Moraine, Ohio, Mount Zion, Illinois.
Hướng đi đó sẽ giúp các nhà sản xuất Trung Quốc thúc đẩy kinh doanh, học được quy trình sản xuất hiện đại, nhà phân tích Steve Man nói với Bloomberg Intelligence.
>>Beijing Auto Show 2016 nói gì về thị trường xe hơi Trung Quốc?