Thách thức chung
Niên vụ 2018-2019 là năm thứ ba liên tiếp ngành mía đường của Việt Nam gặp khó. Theo lộ trình của Hiệp định Thương mại hàng hóa AESAN (ATIGA), đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu và hàng rào thuế quan. Điều đó đồng nghĩa với việc DN mía đường Việt Nam sẽ tiếp tục chịu áp lực khi phải trực tiếp cạnh tranh với các nước có thế mạnh về sản xuất đường, đặc biệt là Thái Lan.
Số liệu của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho thấy, tổng diện tích mía nguyên liệu niên vụ 2018-2019 đã giảm khoảng 30%, dẫn đến tình trạng thiếu mía nguyên liệu và nhiều nhà máy chỉ duy trì sản xuất với công suất thấp. Đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động hoặc có thể phá sản vào cuối năm 2019 và trong năm 2020.
Theo đại diện Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa: “Nguyên nhân là do vùng nguyên liệu manh mún, không thể áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới trên cánh đồng lớn, nguồn nhân lực không ổn định, giá điện tăng cùng nhiều tác động khác như đường nhập lậu, đường bẩn khiến việc sản xuất đường ngày càng khó khăn. Hiện giá mía nguyên liệu của Việt Nam khá cao nên các DN mía đường rất khó hạ giá đường. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư trồng mía cao, năng suất không ổn định, biên lợi nhuận của người trồng mía quá thấp nên nhiều nông dân bỏ mía chuyển sang trồng các loại cây khác khiến diện tích trồng mía bị thu hẹp.
Không chỉ riêng Việt Nam, tại các nước Đông Nam Á, ngành mía đường cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn tương tự. Chia sẻ tại Hội nghị Mía đường Đông Nam Á lần thứ tư vừa diễn ra tại TP.HCM, đại biểu các nước tham dự gồm Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam đều cho rằng, điểm khó khăn chung mà các nước đang gặp phải đó là sản lượng đường giảm dần do biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, đặc biệt là việc buôn lậu đường qua biên giới. Đại diện Thái Lan cho biết: “Năm ngoái Thái Lan sản xuất gần 14,5 triệu tấn đường nhưng năm nay giảm gần 4 triệu tấn do thiếu mía nguyên liệu vì lượng mưa thấp nên nông dân chuyển sang các loại cây trồng chịu hạn, như sắn vì lợi nhuận cao hơn 10-15%”.
Đại diện Philippines cho biết, do thiếu nước kéo dài nên năm ngoái, sản lượng đường đạt 25 triệu tấn, năm nay giảm khoảng 11%. Lượng đường trắng tiêu thụ nội địa giảm hơn 37% và đường nâu giảm 16% nên Philippines có kế hoạch nhập khẩu 200.000 tấn từ Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Indonesia từng là quốc gia xuất khẩu đường đứng thứ hai thế giới nhưng mấy năm nay lại là nước nhập khẩu đường nhiều hơn cả Trung Quốc, như năm 2018, nhập đến 4,4 triệu tấn. Giai đoạn 2000-2008, Indonesia sản xuất 1,5-2,8 triệu tấn đường nhưng những năm gần đây đã giảm mạnh, như năm 2018 là 2,2 triệu tấn, năm 2019 là 2,1 triệu tấn.
Theo đại diện của ngành mía đường Campuchia, sản lượng đường của Campuchia năm 2018 khoảng 295.000 tấn và năm 2019, dự kiến sẽ sản xuất nhiều hơn nhưng từ tháng 11 năm ngoái đến nay, do hạn hán nên tổng sản lượng mía sụt giảm, nông dân bị thiệt hại nên chỉ sản xuất được 260.000 tấn, đã vậy, giá đường lại xuống thấp và cũng bị nạn đường nhập lậu.
Tương tự, tại Việt Nam, mặc dù hai năm qua, Chính phủ vẫn giữ hạn ngạch nhập khẩu đường để bảo hộ DN đường, nhưng do mỗi năm có khoảng 500.000 tấn đường nhập lậu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của ngành mía đường.
Tìm cơ hội mới
Đứng trước nhiều khó khăn, DN mía đường không chỉ chấp nhận đối đầu mà tự chuyển mình, tìm cơ hội mới từ việc mở cửa thị trường. Theo dự báo tại Hội nghị Mía đường Đông Nam Á lần thứ tư, năm 2020, sản lượng đường trên thế giới vẫn có thể đi xuống, trong khi nhu cầu tiêu thị tăng sẽ dẫn đến giá đường tăng, nhu cầu nhập khẩu tăng. Đây chính là cơ hội để DN đường tìm cơ hội bứt phá. Cũng tại hội nghị này, các chuyên gia nhận định, thị trường đường thế giới sẽ thâm hụt 2,5 triệu tấn trong niên vụ 2019-2020 sau tình trạng thặng dư trong các niên vụ trước, do đó giá đường được dự báo sẽ có chiều hướng tăng và nhu cầu nhập khẩu đường cũng tăng.
Bên cạnh đó, chất lượng đường cũng đòi hỏi cao hơn. Theo đại diện Philippines: “Các nước nhập chất tạo ngọt HFCS lên tới 400.000 tấn/năm, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Cơ hội để ngành đường bứt phá lúc này là phải sản xuất loại đường tốt hơn cho người tiêu dùng và đó mới là con đường phát triển bền vững”.
Hiện Maylaysia đang sản xuất đường nâu (Better Brown) khá thành công. Đây là loại đường có chỉ số Glycemic (GI) giúp giảm hấp thụ đường vào máu, chống béo phì và bệnh tiểu đường, không phụ gia, không hóa chất và mía không biến đổi gene, giá lại phù hợp, do đó tạo được sự cạnh tranh. Đại diện Malaysia cho biết: “Đến nay chúng tôi đã sản xuất 3.000 tấn Better Brown mà không đủ nhu cầu. Chính phủ đang thúc đẩy các nhà máy tăng sản lượng loại đường này”.
Tại Việt Nam, Nông trường Thành Long (Tây Ninh) đã triển khai mô hình nông trường công nghệ cao và cánh đồng mía lớn, Công ty CP Mía đường Lam Sơn cũng đưa vào sử dụng phần mềm quản lý DN kết hợp với hệ thống thông tin địa lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đồng ruộng. Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đã tạm dừng hoạt động Nhà máy Đường Nước Trong để chuyển sang sản xuất đường organic thay cho đường tinh luyện. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC chia sẻ: “Kế hoạch tạm dừng sản xuất Nhà máy Đường Nước Trong với sản lượng đường ước tính niên vụ 2018-2019 là 10.339 tấn để chuyển sang sản xuất đường organic là một trong những bước đi quan trọng trong chiến lược tái cơ cấu TTC Sugar, tập trung sản xuất đường có lợi cho sức khỏe”. TTC chọn mở rộng sang Lào và Campuchia, theo ông Thành là do vùng đất này còn hoang sơ, chưa bị ô nhiễm bởi quá trình canh tác hóa học, có thể thuê diện tích canh tác lớn và liền thửa, dễ dàng cơ giới hóa trên cánh đồng lớn để sản xuất mía organic theo tiêu chuẩn châu Âu. Đây là chiến lược then chốt để bảo đảm duy trì 50% thị phần đường trong nước mà TTC đang nắm giữ”.
Cũng theo ông Thành, cơ hội phát triển của ngành đường còn nằm ở các sản phẩm sau đường, như sản xuất điện, ván ép, phân bón, ethanol từ bã mía và rỉ mật để tăng thêm giá trị gia tăng. Nhiều quốc gia trên thế giới đều công nhận điện sản xuất từ bã mía là một loại năng lượng tái tạo cần tích cực khai thác. Các cường quốc mía đường như Thái Lan, Ấn Độ, Philippines đều đã có chính sách cụ thể khuyến khích các nhà máy đường bán điện qua lưới điện quốc gia. Đơn cử, khối lượng rỉ đường được Chính phủ Thái Lan phân bổ thêm để các DN sản xuất ethanol trong năm nay là 300.000 tấn vì nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu sinh học dự báo tăng mạnh để bảo vệ môi trường. Vì vậy, với các nhà máy hiện đại của TTC ở Campuchia, TTC sẽ sản xuất thêm đường thô, cồn, điện thương phẩm cùng nhiều phụ phẩm có giá trị khác, tạo thành một chuỗi sản xuất khép kín khai thác tối đa giá trị từ cây mía. “Đây cũng chính là bước chuẩn bị để TTC có thể xuất khẩu đường ra nước ngoài. Chiến lược của TTC là 50% xuất khẩu, 50% phục vụ thị trường nội địa” - ông Thành cho biết.