Tăng cường vay vốn quốc tế: Đòn bẩy sinh lãi

Anh Khoa| 30/03/2021 08:17

Trong hơn hai năm trở lại đây, các định chế tài chính trong nước đã tích cực huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài, thông qua vay vốn hoặc phát hành trái phiếu quốc tế. Đâu là động lực phía sau xu hướng này?

bai-2-vay-von-2-7342-1616660084.jpg

Tích cực tìm kiếm vốn quốc tế

Mới đây, HDBank đã ký kết hợp đồng vay hợp vốn trị giá 71 triệu USD (khoảng 1.700 tỷ đồng) từ Ngân hàng Thương mại Quốc tế Mega (Mega International Commercial Bank) - một trong 4 ngân hàng lớn nhất của Đài Loan. Cùng với Mega Bank, việc cho vay hợp vốn này còn có sự tham gia của 7 ngân hàng hàng đầu Đài Loan và một ngân hàng Ấn Độ.

Trước đó, hồi cuối năm 2020, HDBank cũng đã phát hành thành công 160 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế cho hai định chế tài chính lớn, trong đó có Quỹ DEG - định chế tài chính phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức.

Có thể thấy trong hơn hai năm trở lại đây, các ngân hàng trong nước đã tích cực huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài, thông qua vay vốn hoặc phát hành trái phiếu quốc tế. Đơn cử như giữa tháng 5/2020, Techcombank đã huy động khoản vay hợp vốn nước ngoài đầu tiên 500 triệu USD, với ngân hàng đầu mối điều phối khoản vay là United Overseas Bank (UOB). Hay như ở kênh phát hành trái phiếu, VPBank hồi tháng 7/2019 đã huy động thành công 300 triệu USD với kỳ hạn 3 năm.

Tiền đồng của Việt Nam vẫn giữ được giá trị ổn định khiến rủi ro tỷ giá giảm xuống cũng khuyến khích các tổ chức tài chính vay vốn ngoại tệ nhiều hơn. Trong những năm qua, tiền đồng thường mất giá không quá 2% so với đô la Mỹ, đặc biệt trong năm 2020 thậm chí tỷ giá trung tâm USD/VND còn giảm 0,1%.

Không chỉ ngân hàng, các công ty chứng khoán cũng tích cực tìm kiếm nguồn vốn từ nước ngoài. Như Công ty Chứng khoán Vietinbank (CTS) hôm 15/3/2021 đã ký hợp đồng vay hợp vốn trị giá 30 triệu USD với nhóm 4 ngân hàng hàng đầu Đài Loan, dù chỉ mới bắt đầu đàm phán từ cuối năm 2020. Hay như Công ty Chứng khoán SSI hồi cuối năm ngoái đã ký hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 85 triệu USD với nhóm 9 ngân hàng nước ngoài, đứng đầu là Ngân hàng Union Bank of Taiwan (UBOT) - vốn được biết đến là nhà băng lớn nhất đảo quốc Đài Loan.

Đòn bẩy sinh lãi

Về cơ bản, lãi suất vay vốn ngoại tệ thường thấp hơn nhiều so với tiền đồng trong nước, như lãi suất phát hành trái phiếu quốc tế kỳ hạn 5 năm của HDBank hồi cuối năm 2020 chỉ ở mức 4,5%, thấp hơn 4-5% so với mức lãi suất phát hành trái phiếu tiền đồng của các ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, việc huy động vốn quốc tế từ trước đến nay không phải là điều dễ dàng đối với các tổ chức tài chính trong nước, khi tiêu chuẩn mà các nhà đầu tư quốc tế đặt ra thường rất cao.

Dù vậy, với thương hiệu, danh tiếng và năng lực tài chính của các ngân hàng trong nước ngày càng nâng cao, thể hiện qua đánh giá xếp hạng tín nhiệm từ các tổ chức quốc tế được nâng lên trong những năm qua, ngày càng nhiều nhà băng có khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay này. Việc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam tích cực cũng giúp cho các tổ chức tài chính tăng cơ hội tiếp cận với vốn vay quốc tế có chi phí hợp lý hơn. Mới đây, ngày 18/3/2021, hãng Moodys đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên “tích cực”.

Thứ hai là trong bối cảnh lãi suất tại nhiều quốc gia đang ở mức thấp kỷ lục, các định chế tài chính trong nước cũng đang muốn tận dụng cơ hội để tăng cường nguồn vốn quốc tế giá rẻ, trong khi môi trường lãi suất thấp tại những nước này cũng thúc đẩy các nhà đầu tư quốc tế tích cực rót vốn vào các thị trường mới nổi và đang phát triển.

Trong cuộc họp chính sách kết thúc ngày 18/3/2021, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nhất trí giữ nguyên lãi suất gần 0%, đồng thời tiếp tục chi ra ít nhất 120 tỷ USD mỗi tháng để mua trái phiếu và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp . Đáng lưu ý là cơ quan này đã báo hiệu khả năng không nâng lãi suất cho tới năm 2023 bất chấp đà tăng của lợi suất trái phiếu gần đây, cho thấy môi trường lãi suất thấp sẽ còn duy trì thêm một thời gian nữa.

Thứ ba là với triển vọng tiền đồng của Việt Nam vẫn giữ được giá trị ổn định khiến rủi ro tỷ giá giảm xuống, cũng khuyến khích các tổ chức tài chính vay vốn ngoại tệ nhiều hơn. Trong những năm qua, tiền đồng thường mất giá không quá 2% so với đô la Mỹ, đặc biệt trong năm 2020 thậm chí tỷ giá trung tâm USD/VND còn giảm 0,1%. Hầu hết dự báo đều cho thấy đồng USD sẽ tiếp tục giảm giá trên thị trường quốc tế trong năm nay, khiến áp lực tăng giá của tiền đồng càng tăng lên.

Với nguồn vốn ngoại tệ giá rẻ huy động được, các tổ chức trong nước có thể mở rộng biên lợi nhuận và tăng hiệu quả sinh lời. Cụ thể, các ngân hàng có thể cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp trong nước với lãi suất cao hơn chi phí vốn vay, hoặc chuyển đổi thành tiền đồng cho vay với lãi suất cao hơn rất nhiều, ở mức 8-10%.

Đối với các công ty chứng khoán, trước xu hướng tăng mạnh gần đây của thị trường chứng khoán Việt Nam đẩy nhu cầu vay vốn của nhà đầu tư tăng mạnh, việc có thêm nguồn vốn ngoại tệ giá rẻ cũng sẽ giúp các công ty này chuyển thành tiền đồng và tăng cường cho vay ký quỹ, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, cũng như đảm bảo khả năng cạnh tranh với các công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài, mà cũng đã nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn rất lớn từ các tập đoàn mẹ ở nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng cường vay vốn quốc tế: Đòn bẩy sinh lãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO