Siết cho vay trung dài hạn của nhà băng

Gia Lê| 25/11/2019 06:30

Theo thông tư mới, tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, mở rộng so với quy định 80% như hiện nay.

Siết cho vay trung dài hạn của nhà băng

Sau 7 tháng ban hành dự thảo, ngày 15/11/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 1/1/2020.

Trước đó trong dự thảo đưa ra hồi giữa tháng 4, NHNN đưa ra 2 phương án lựa chọn với mục tiêu cuối cùng đều giảm về mức 30%, nhưng lộ trình thời gian có sự khác biệt.

Cụ thể, theo phương án 1 thì các ngân hàng sẽ giảm tỷ lệ này về 35% từ ngày 1/7/2020 và tiếp tục giảm về 30% từ ngày 1/7/2021. Trong khi đó, phương án 2 nới rộng thời gian, cho phép giảm về 37% từ ngày 1/7/2020, về 34% từ ngày 1/7/2021 và về mốc 30% từ ngày 1/7/2022.

Còn trong quy định chính thức mới ban hành, lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn như sau: từ 1/1/2020 - 30/9/2020 là 40%; từ 1/10/2020 - 30/9/2021 là 37%; từ 1/10/2021 - 30/9/2022 là 34% và từ 1/10/2022 là 30%. Như vậy, phương án 2 với thời gian dài hơn đã được lựa chọn và kéo dài thêm 3 tháng so với dự thảo.

Trong những năm gần đây, NHNN liên tiếp thực hiện việc siết lại giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng. Tỷ lệ này này nhiều năm trước đây cũng chỉ quy định 30%, song từ năm 2014 đã bất ngờ được NHNN nới lên 60%, nhưng sau đó được điều chỉnh giảm về còn 50% từ đầu năm 2017, về tiếp 45% từ đầu năm 2018 và 40% từ đầu năm 2019 này.

Link bài viết

Điều này được cho là nhằm nâng cao tính an toàn trong hoạt động của ngân hàng, khi chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và cho vay đang khá lớn, do tiền gửi tại các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn trong khi cho vay là các dự án trung dài hạn nhằm tận dụng biên độ lãi suất cao. 

Dù gần đây các nhà băng đã tích cực tăng cường huy động vốn trung dài hạn, thông qua mở rộng chênh lệch lãi suất giữa kỳ hạn ngắn và dài, phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu kỳ dài hạn để cải thiện, nhưng việc đáp ứng tỷ lệ quy định này vẫn là một thách thức không nhỏ.

Cũng theo thông tư trên, tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, mở rộng so với quy định 80% như hiện nay. Điều này sẽ giúp các nhà băng có cơ hội tận dụng vốn huy động để cho vay nhiều hơn, thay vì phải rót tiền vào các kênh đầu tư khác có lãi suất thấp hơn như trái phiếu chính phủ, tiền gửi liên ngân hàng. Thực tế với những ngân hàng có quy mô lớn, việc chỉ được cho vay 80% số tiền huy động dẫn đến lượng vốn thừa là rất lớn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của các nhà băng và tác động tiêu cực lên lợi nhuận.

Ngoài ra, thông tư mới cũng nói rõ các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong trường hợp chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo thời hạn của Thông tư 41 phải gửi văn bản đến NHNN trước ngày 1/1/2020 nêu rõ lý do, và tiếp tục thực hiện tỷ lệ an toàn vốn và giải pháp, lộ trình để đảm bảo tuân thủ Thông tư 41 chậm nhất kể từ ngày 1/1/2023. Theo thống kê gần đây nhất chỉ mới có khoảng 17 ngân hàng là có thể áp dụng kịp thời hạn kể từ đầu năm sau.

Có thể thấy NHNN đã đặt một lộ trình khá dài (3 năm) để từng bước siết lại tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn, nhằm tăng cường an toàn hệ thống và an toàn thanh khoản. Đồng thời NHNN cũng đã gia hạn thêm khoảng thời gian 2 năm cho các ngân hàng chưa kịp đáp ứng hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel 2.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Siết cho vay trung dài hạn của nhà băng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO