Lãi suất tăng vọt: Người vay lo lắng

Anh Khoa| 10/11/2022 05:53

Lãi suất tiền gửi cao đang làm thay đổi sự dịch chuyển dòng vốn vào các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản. Một hệ quả khác là chi phí vốn đầu vào của nhiều ngân hàng gia tăng sẽ kéo lãi suất cho vay tăng tương ứng.

Lãi suất tiền gửi tăng cao

Chỉ trong vòng một tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có đến hai lần tăng lãi suất điều hành với mức tăng thêm 1% vào mỗi lần, theo đó trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng đã tăng từ 4% lên 6%, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4% lên 6% một năm, lãi suất tái chiết khấu từ 2,5% lên 4,5%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng (NH) và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các tổ chức tín dụng từ 5% lên 7% một năm.

Thời điểm, tần suất và liều lượng tăng lãi suất của NHNN gây ra không ít bất ngờ, dù trước đó đã có một số dự báo cho rằng Việt Nam sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh ngân hàng trung ương nhiều nước đã tăng mạnh lãi suất. Đơn cử như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có đến 6 lần tăng lãi suất trong năm nay, khiến chênh lệch lãi suất cơ bản USD và lãi suất tiền gửi VND đã thu hẹp đáng kể, gây áp lực lên tỷ giá.

Gánh nặng lãi suất ngày càng lớn

Gánh nặng lãi suất ngày càng lớn

Chính vì vậy, chính sách tăng lãi suất  của NHNN được cho là nhằm ứng phó với sự biến động của thị trường ngoại hối, hạn chế khả năng mất giá thêm của tiền đồng so với đô la Mỹ. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng hơn 8,5%, dù NHNN đã triển khai hàng loạt công cụ kiềm chế như tăng bán ngoại tệ từ kho dự trữ ngoại hối, nới biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5% và tăng giá bán USD tại Sở Giao dịch NHNN.

Đáng lưu ý là mức lạm phát ở nước ta hiện nay vẫn khá ổn định, với chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,3% và lũy kế 10 tháng chỉ mới tăng 2,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Do đó, việc lãi suất tăng nhanh trong thời gian qua không đến từ áp lực lạm phát. Dù vậy, theo giới phân tích tài chính, với độ trễ tác động từ thị trường thế giới, lạm phát tại Việt Nam có thể đối mặt với thách thức nhiều hơn từ năm sau. Theo đó, lãi suất thời gian tới sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng.

Trong khi đó, các NH đua nhau điều chỉnh tăng lãi suất để thu hút tiền gửi và giữ chân khách hàng. Mức đỉnh lãi suất nhảy vọt từ 8% lên 9%, vượt 10% rồi có thời điểm chạm mốc 11%, dù những ngày gần đây có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Lãi suất trên thị trường liên NH cũng liên tục đi lên trong thời gian qua, với lãi suất qua đêm đã vượt mốc 7%, kỳ hạn một tháng đã có thời điểm vượt mốc 11%. 

Người vay lo lắng

Lãi suất tiền gửi cao đang làm thay đổi sự dịch chuyển dòng vốn vào các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản. Một hệ quả khác là chi phí vốn đầu vào của nhiều NH đang gia tăng kéo theo lãi suất cho vay tăng tương ứng. Trong những tuần gần đây, không ít NH đã tăng lãi suất cho vay với các khoản vay trung dài hạn thường có kỳ điều chỉnh ba tháng/lần, trong khi các khoản vay ngắn hạn là một tháng/lần.

Đối với khách hàng cá nhân, những người đã vay tiền mua nhà hay đầu tư vào bất động sản những năm trước đây, trong thời kỳ tiền rẻ còn tràn ngập và lãi suất vay ưu đãi thấp, nay với xu hướng lãi suất tăng nhanh và đã hết giai đoạn được hưởng lãi suất ưu đãi, áp lực trả nợ ngày càng lớn.

Lãi suất tăng kéo theo chi phí vay vốn tăng và do đó lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) sụt giảm, giá hàng hóa và giá bất động sản theo đó tăng, làm giảm nhu cầu tiêu thụ nói chung. DN vì vậy sẽ hạn chế mở rộng, thậm chí thu hẹp quy mô sản xuất và đầu tư. Những hệ quả ấy sẽ khiến cho định giá DN kém hấp dẫn. Với việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% còn chưa đi đến đâu, nay lãi suất cho vay tăng nhanh khiến DN gặp khó khăn càng thêm khó khăn.

Đối với khách hàng cá nhân, những người đã vay tiền mua nhà hay đầu tư vào bất động sản những năm trước đây, trong thời kỳ tiền rẻ còn tràn ngập và lãi suất vay ưu đãi thấp, nay với xu hướng lãi suất tăng nhanh và đã hết giai đoạn được hưởng lãi suất ưu đãi, áp lực trả nợ ngày càng lớn. Trong khi đó, với thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn suy yếu, những người đã vay NH để đầu tư nhà đất đang "ngồi trên lửa".

Đáng lưu ý là trong lần điều chỉnh lãi suất điều hành mới đây, NHNN đã quyết định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng với khách vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5% lên 5,5% một năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này tăng từ 5,5% lên 6,5% một năm. Vì vậy, lãi suất cho vay ở các lĩnh vực khác nằm dưới quyền chủ động của các NH cũng khó lòng đứng yên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất tăng vọt: Người vay lo lắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO