Lãi suất siêu thấp, tiền sẽ chạy vào đâu?

Gia Lê| 15/09/2020 04:44

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục giảm xuống và đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, dòng tiền thông minh liệu sẽ tìm đến những kênh đầu tư, tài sản nào để tối ưu hóa lợi nhuận?

Lãi suất siêu thấp, tiền sẽ chạy vào đâu?

3,4%/ năm đang là mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng thấp nhất hiện nay trên thị trường, điều mà ít ai có thể nghĩ đến vào 1 năm trước đây. Hầu hết các ngân hàng cũng đang niêm yết từ 4%/năm trở xuống, thấp hơn đang kể so với mức trần theo quy định là 4,25%. Ở các kỳ hạn dài hơn như 12 tháng, đã có ngân hàng hạ về tận mốc 5%/năm, tức chỉ cao hơn đúng 1% so với lạm phát mục tiêu 4%.

Trong bối cảnh nguồn vốn hệ thống ngân hàng dồi dào, thậm chí đến mức dư thừa, khi tăng trưởng tín dụng tiếp tục trì trệ, cộng thêm việc nhà điều hành tiếp tục nới lỏng tiền tệ qua đường mua ngoại tệ và bơm tiền đồng, giới phân tích dự báo lãi suất kênh tiền gửi ngân hàng sẽ còn tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian còn lại của năm nay. Như CTCP Chứng khoán SSI trong báo cáo gần đây cũng dự báo lãi suất có thể giảm tiếp khoảng 0,5-0,7%/năm ở kỳ hạn dưới 12 tháng và 0,2-0,3%/năm ở các kỳ hạntừ 12 tháng trở lên.

Với triển vọng sinh lãi thấp như thế, không loại trừ khả năng dòng tiền từ kênh tiền gửi ngân hàng sẽ chạy sang các tài sản khác, tìm kiếm các kênh đầu tư có lợi nhuận kỳ vọng tốt hơn, nhất là đặt trong bối cảnh chính sách nới lỏng của các NHTW trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có thể đẩy giá các loại tài sản leo thang. 

Với những nhà đầu tư nhanh nhạy, kênh chứng khoán có thể là một lựa chọn không tồi, khi có tính thanh khoản cao, yếu tố quan trọng hàng đầu trong tình hình nền kinh tế vẫn chứa đựng đầy tính bất ổn như hiện nay. Với khả năng mua nhanh bán nhanh, nhà đầu tư có thể nhanh chóng tham gia thị trường và thoát khỏi bất cứ lúc nào nếu nhận thấy rủi ro sắp tới hạn.

Quá khứ cũng cho thấy mỗi khi chính sách tiền tệ được nới lỏng, tiền rẻ tràn ngập và lãi suất siêu thấp, các kênh đầu tư tài chính như chứng khoán luôn có khả năng hấp thụ dòng tiền rất mạnh. Không phải ngẫu nhiên mà sau đợt “sập hầm” hồi tháng 3 do ảnh hưởng của dịch bệnh, các thị trường chứng khoán toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ từ đó đến nay trước những chính sách và cam kết nới lỏng vô hạn của các Chính phủ.

Còn với những nhà đầu tư lạc quan, không ít người cho rằng nền kinh tế đã tạo đáy trong quý 2 vừa qua và đang trong quá trình phục hồi trở lại, theo đó hoạt động của các doanh nghiệp cũng đang trên lộ trình thoát khỏi khó khăn, vì vậy lợi nhuận trong những quý tới có thể sẽ dần tăng trưởng trở lại, nên việc mua cổ phiếu để đón đầu là chiến lược có thể cân nhắc.

Ngoài ra, nhìn từ hệ số P/E, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được giới đầu tư quốc tế đánh giá là rẻ hơn so với các thị trường khác trong khu vực, cũng như thấp hơn so với định giá quá khứ, nên tiềm năng tăng trưởng vẫn còn rộng mở. Đặc biệt, với những nỗ lực cải cách thị trường gần đây nhắm đến mục tiêu nâng hạng thị trường, như cho phép bán khống, giao dịch T+0, mở rộng đối tượng được mở tài khoản giao dịch chứng khoán, ….thị trường Việt Nam sẽ có thêm các chất xúc tác thúc đẩy trong giai đoạn tới. 

Hiện tại, vẫn còn khá nhiều đầu từ “lỡ tàu” trước đây, hoặc đã chốt lời sớm, vẫn đang đứng ngoài chờ đợi các đợt điều chỉnh để nhập cuộc. Dòng tiền cũ này kết hợp với dòng tiền mới từ kênh tiền gửi ngân hàng chuyển sang, các nhà đầu tư F0 tiếp tục được sản sinh, những người bắt đầu hứng thú và tìm hiểu chứng khoán, sẽ là nguồn lực quan trọng hỗ trợ cho thị trường. 

Dù vậy, áp lực lớn nhất hiện nay vẫn là động thái bán ròng không dứt của khối ngoại, tuy nhiên nếu tính luôn các giao dịch thỏa thuận “khủng” tại các doanh nghiệp lớn như Vinhomes thì tổng thể khối ngoại vẫn đang mua ròng từ đầu năm đến nay. Việc một số quỹ đầu tư nước ngoài bắt đầu “dòm ngó” và thực tế đã mua vào chứng khoán Việt gần đây cũng có thể tạo hiệu ứng tâm lý tích cực.

Trong khi đó, với những nhà đầu tư ưa thích sự an toàn, như kênh tiền gửi ngân hàng đang cung cấp, có lẽ sẽ dành sự quan tâm hơn đối với thị trường vàng, kênh tài sản đã tạo sóng khá tốt từ đầu năm đến nay. Dù giá kim loại quý này vừa qua đã điều chỉnh và đang trong giai đoạn củng cố, nhưng những dự báo lạc quan về giá vàng vẫn tiếp tục tràn ngập.

Điều này cũng dễ hiểu, trong bối cảnh tiền rẻ tiếp tục được bơm ra mà sẽ càng làm suy giảm giá trị tiền pháp định, cũng như gia tăng sự ám ảnh về lạm phát quay trở lại, vàng luôn là kênh trú ẩn tuyệt vời trong tình thế như vậy. Nếu không tính đợt phục hồi mạnh mẽ từ cuối tháng 3 đến nay của chứng khoán, vàng đang là kênh tài sản sinh lời tốt nhất cho các nhà đầu tư, với giá vàng quốc tế đã tăng gần 30% từ đầu năm đến nay, trong khi giá vàng SJC trong nước cũng tăng đến 33%, thậm chí có lúc ghi nhận mức tăng trưởng đến 45% nếu tính tại đỉnh cao 61,5 triệu đồng/ lượng, suất sinh lời gấp nhiều lần so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất siêu thấp, tiền sẽ chạy vào đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO