Không có ngân hàng thương mại nào hết room tín dụng

Tâm An| 27/02/2023 01:00

Theo ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) cho là khó tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng do "hết room tín dụng", "không có nguồn tiền gửi để cho vay" và "DN không có tài sản đảm bảo đáp ứng quy định để cho vay". Đó là những ý kiến phản ánh không đúng với thực tế hiện nay.

Không có ngân hàng thương mại nào hết room tín dụng

Về "room tín dụng", hay còn gọi là hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp cho các ngân hàng thương mại (NHTM), ông Tuấn cho rằng NHNN đặt ra quy định về hạn mức room tín dụng nhằm kiểm soát sự tăng trưởng và chất lượng của tín dụng trong ngành ngân hàng, là hai mục tiêu phải luôn đi song hành với nhau. Và như vậy, room tín dụng không bao giờ thiếu đối với những ngân hàng hoạt động lành mạnh. 

Việc DN "khó tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng", vị đại diện ngân hàng giải thích như sau: Việc nắm bắt khó khăn, phản ánh của DN, hộ kinh doanh liên quan đến lĩnh vực ngân hàng đã được NHNN Chi nhánh TP.HCM và hệ thống ngân hàng trên địa bàn tích cực thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, giải quyết từng trường hợp khó khăn của DN thông qua phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), các hội DN ngành nghề.

Cụm từ "khó tiếp cận vốn ngân hàng" rất chung chung, không thể hiện cụ thể vấn đề khó tiếp cận vốn từ đâu, do nguyên nhân gì, liên quan đến cơ chế, chính sách hay vướng mắc do con người. Để làm rõ vấn đề này, chi nhánh nêu quan điểm nhất quán trong những buổi đối thoại với DN tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các sở, ban ngành cũng như định hướng xuyên suốt trong xử lý vướng mắc liên quan lĩnh vực ngân hàng.

Cụ thể cách thức xử lý như sau: Đối với những khó khăn, vướng mắc liên quan cơ chế chính sách lĩnh vực ngân hàng thì chi nhánh tiếp thu và phản ánh với NHNN để xử lý theo thẩm quyền. Đối với những khó khăn vướng mắc do cán bộ tín dụng gây khó cho DN thì chi nhánh kiên quyết xử lý. Đối với những DN tài chính yếu kém, kinh doanh không khả thi, sổ sách kế toán không minh bạch thì DN phải tự hoàn thiện để tiếp cận tín dụng, nếu không các NHTM không thể cho vay vì sai quy định, gây rủi ro.

Link bài viết

Về hành động cụ thể hỗ trợ DN, từ tháng 7/2012 đến nay, chi nhánh đã nhiều lần tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, đồng thời trả lời các vướng mắc của DN tại các hội nghị đối thoại với DN do các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chủ trì. 

Chi nhánh còn đề xuất phối hợp tổ chức họp định kỳ với HUBA để đánh giá kết quả thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp hằng năm, nắm bắt khó khăn từ các hội ngành nghề cũng như phản ảnh nội dung các chính sách chưa sát thực tế để phối hợp xử lý.

Chi nhánh đã triển khai thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHNN, của UBND TP.HCM, như chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm, chương trình cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực đối với các khoản vay ngắn hạn bằng tiền đồng.

Về kiến nghị "ngân hàng hỗ trợ DN bằng cách mở rộng room tín dụng cho các tổ chức tài chính có tiềm lực lành mạnh, huy động các nguồn tiền gửi sẵn có chưa dùng tới của ngân sách nhà nước để cho vay, cũng như nới rộng các điều kiện cho vay, tỷ lệ thế chấp, cầm cố tài sản", ông Tuấn khẳng định. Việc sử dụng các nguồn tiền chưa dùng tới của ngân sách nhà nước để cho vay không thuộc thẩm quyền của NHNN.

Đối với kiến nghị liên quan điều kiện vay vốn, điều kiện cấp tín dụng là quy định bắt buộc theo Luật Tổ chức tín dụng để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng cũng như tiếp cận theo chuẩn quốc tế Basel II. Đây là những vấn đề liên quan đến đánh giá xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức quốc tế đối với ngành ngân hàng và từng ngân hàng Việt Nam. Do đó, trong phạm vi hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với DN, phải thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có sự chia sẻ, hỗ trợ đối với khó khăn của DN, như các chương trình hỗ trợ đã được trình bày ở phần trên.

Về kiến nghị "NHNN cần huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội đưa vào kinh doanh nhằm hạ lãi suất vay; khống chế biên độ lãi ròng (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các NHTM chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay" thì quan điểm của chi nhánh là xử lý các vướng mắc trên cơ sở tôn trọng kỷ luật thị trường. Việc DN sử dụng đòn bẩy tài chính như thế nào để an toàn trong hoạt động, bản thân DN phải tự xử lý, không thể sử dụng các biện pháp hành chính tác động đến NHTM, vì như thế sẽ tạo nên nguy cơ đối với sự phát triển bền vững và an toàn của cả hệ thống ngân hàng.  

Về kiến nghị "Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay một năm (2023) đối với các khoản vay trung và dài hạn, đặc biệt cần áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021, theo đó thời gian của hợp đồng vay cũng được kéo dài thêm tương ứng với thời gian ân hạn mà không làm thay đổi số tiền phải trả từng kỳ theo lịch trả nợ trước đó”, ông Tuấn giải thích, việc ân hạn, gia hạn nợ thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng. Vì vậy, DN có thể trao đổi cụ thể với các tổ chức tín dụng đang quan hệ vay vốn để thương lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không có ngân hàng thương mại nào hết room tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO