Đây được xem là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh họ đang khát vốn trầm trọng. Trong suốt thời gian dài vừa qua các DN khát vốn, ngay cả những đơn vị có điểm chất lượng tín dụng tốt, có tài sản thế chấp… vẫn không vay được do ngân hàng đã cạn tín dụng. Do đó, NHNN nới room cho các ngân hàng là thông tin vui với các DN, giúp họ có thêm nguồn lực để dự trữ vật tư nguyên liệu hàng hóa, trả lương công nhân trong dịp tết Nguyên đán… Tuy vậy, để dòng tiền này chảy vào nền kinh tế nhanh chóng còn nhiều việc phải làm.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), việc NHNN nới room lên khoảng 15,5%-16% trong năm nay là phù hợp. Mức này vừa hỗ trợ cho nhu cầu vốn tăng cao vào thời điểm cuối năm, đồng thời cũng giải tỏa tâm lý của một số ngân hàng rơi vào tình trạng thừa vốn mà không cho vay được.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng cho năm nay thêm 1,5%-2% |
Tuy nhiên, cũng ông Hùng lưu ý, NHNN chỉ nới room cao cho ngân hàng nào có thanh khoản tốt và lãi suất thấp hơn, tức là ngân hàng nào tăng mạnh lãi suất huy động để có thêm dư địa cho vay có thể sẽ được điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng ở mức thấp. Ông Hùng cũng giải thích, bởi lẽ chi phí đầu vào tăng mạnh cũng đẩy lãi suất cho vay tăng cao và như vậy ngân hàng sẽ khó có chính sách ưu đãi về lãi suất cho các DN trong bối cảnh họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ngân hàng nào có thanh khoản tốt, đảm bảo an toàn hệ thống thì còn phải đáp ứng tiêu chí tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, tức là giải ngân đúng đối tượng thì mới được NHNN ưu tiên nới room cao hơn.
Việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng lên thêm 1,5%-2% được đánh giá là thông tin tích cực, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng điều quan trọng không kém là điều kiện tiếp cận vốn cũng như lãi suất phải hợp lý. Nếu các ngân hàng đưa ra mức lãi suất cao, cộng với hàng loạt tiêu chí khó như DN có tài sản đảm bảo, kinh doanh có lãi, có phương án kinh doanh khả thi, tình hình tài chính tốt, lịch sử trả nợ sạch... thì sẽ không có nhiều công ty vay được.
Mặt khác, huy động vốn của các ngân hàng tăng trưởng chậm, hiện tốc độ tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt khoảng 5% so với đầu năm, tức chỉ bằng gần 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của nhiều ngân hàng đang ở mức rất cao, gây căng thẳng thanh khoản cho hệ thống.
Việc nới room tín dụng tác động không đáng kể đến lạm phát do lượng vốn tín dụng tăng thêm chỉ khoảng gần 200.000 tỷ đồng. Cho nên các tổ chức tín dụng cần chủ động cân đối nguồn vốn huy động, đảm bảo thanh khoản, đảm bảo chất lượng và hiệu quả tín dụng.
Bộ Tài chính cần khơi thông mạnh mẽ kênh dẫn vốn từ trái phiếu DN, bởi đây là nguồn vốn trung và dài hạn quan trọng và cũng là để giúp DN thanh toán nợ đáo hạn. Các bộ, ngành địa phương đẩy nhanh, hiệu quả giải ngân đầu tư công nhằm giảm áp lực nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo khoanh vùng, giải quyết nhanh, dứt điểm những vụ việc vi phạm trên thị trường vốn vừa qua, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, lấy lại niềm tin của thị trường, người dân và DN…