Hóa giải sức ép tỷ giá

Anh Khoa| 28/11/2022 05:55

Tỷ giá USD/VND đã có dấu hiệu "hạ nhiệt" từ giữa tháng 11 đến nay, trên cả thị trường chính thức lẫn tự do. Đâu là yếu tố góp phần hóa giải sức ép của tỷ giá trong thời gian qua?

Hóa giải sức ép tỷ giá

Giảm đồng loạt

Trước những ảnh hưởng của chính sách nâng giá bán USD của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cùng với tác động từ thị trường quốc tế và những bất ổn của thị trường tài chính trong nước, thị trường ngoại hối đã có những biến động mạnh mẽ trong tháng 10 và đầu tháng 11. Theo đó, giá giao dịch tại các ngân hàng (NH) đã không ngừng tăng, sát vùng 24.900 đồng/USD, trong khi giá USD tự do có lúc vượt xa mốc 25.000 đồng/USD. 

Để hóa giải sức ép tỷ giá, NHNN đã đưa ra một loạt chính sách ổn định thị trường. Cụ thể, từ ngày 17/10/2022, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2015, cơ quan này đã nâng độ linh hoạt của tỷ giá bằng cách nới biên giao dịch VND/USD từ 3% lên 5%. Đến sáng 24/10/2022, tiếp tục tăng mạnh giá bán USD tại Sở Giao dịch NHNN từ 24.380 đồng/USD lên 24.870 đồng/USD, tức tăng 490 đồng - mức điều chỉnh mạnh nhất trong nhiều năm qua. 

Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 25/10/2022, một loạt lãi suất điều hành đã được điều chỉnh tăng thêm một điểm %, đánh dấu lần tăng lãi suất điều hành thứ hai chỉ trong hơn một tháng. Theo đó, trần lãi suất tiền gửi đã leo lên mức 6%/năm đối với kỳ hạn 1-5 tháng, tăng thêm sức hấp dẫn cho tiền đồng. Song song đó, để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, NHNN đã có hai tuần liên tiếp ở trạng thái bơm ròng vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 (24/10 - 5/11/2022) với tổng lượng cung ứng cho hệ thống NH đạt hơn 120.000 tỷ đồng.

Những chính sách này đã phần nào phát huy tác dụng, thể hiện qua tỷ giá USD/VND đã ổn định trở lại, thậm chí giảm so với trước. Cụ thể, dù vẫn liên tục niêm yết ở vùng tối đa cho phép, nhưng giá USD tại các NH đều đã giảm từ 20 đồng so với cuối tháng 10, trong khi giá USD tự do cũng đã về lại dưới mốc 25.000 đồng, với giá mua vào giảm hơn 250 đồng còn giá bán ra giảm gần 300 đồng so với cuối tháng 10.

Sau khi giảm 10 đồng đối với giá bán USD từ ngày 11/11/2022, NHNN tiếp tục hạ thêm 10 đồng nữa, xuống còn 24.850 đồng/USD trong phiên 18/11/2022. Mức điều chỉnh này tương đối nhỏ so với 6 lần tăng mạnh trước đó nhưng phát đi những tín hiệu quan trọng về định hướng điều hành của cơ quan quản lý tiền tệ trong thời gian tới. 

Cung ngoại tệ 

Bên cạnh những chính sách can thiệp giúp ổn định thị trường ngoại hối của NHNN, không thể phủ nhận sự giúp sức từ việc "hạ nhiệt" của đồng USD trên thị trường quốc tế. Với lạm phát của Mỹ đang chậm lại, giới đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải xem xét làm chậm lại quá trình nâng lãi suất. Với cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm nay diễn ra vào tháng 12 tới, hầu hết dự báo cho thấy FED chỉ tăng lãi suất thêm 0,5%, sau ba lần tăng 0,75%.

Ngày 10/11/2022, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng CPI cả năm thấp nhất kể từ đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,2% trong tháng 9, đồng thời thấp hơn so với mức dự báo tăng 0,6% và 7,9% mà giới chuyên gia đưa ra. 

Nguồn cung ngoại tệ trong nước tiếp tục được cải thiện cũng góp phần hỗ trợ thị trường ngoại hối. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng qua ước đạt 312,8 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 10 đạt 30,27 tỷ USD. Theo đó, tháng 10 xuất siêu ước tính lên 2,27 tỷ USD, nâng thặng dư cán cân thương mại hàng hóa lũy kế 10 tháng lên đến 9,4 tỷ USD, cải thiện đáng kể so với con số nhập siêu 0,63 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tại Việt Nam 10 tháng năm 2022 ước tính đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua. Nguồn kiều hối đổ về thường tập trung vào giai đoạn cuối năm, cũng là yếu tố hỗ trợ tỷ giá.

Đặc biệt là mới đây Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát thao túng tiền tệ, do đó không ngoại trừ khả năng NHNN có thể quay trở lại mua USD trong nửa cuối năm 2023 trên nền tỷ giá ổn định để dự trữ ngoại hối vốn đã giảm mạnh trong năm 2022. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hóa giải sức ép tỷ giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO