Hàng loạt ngân hàng phải lên sàn

Anh Khoa| 28/09/2019 08:00

Niêm yết sôi động của cổ phiếu ngân hàng cuối năm 2017, đầu năm 2018 và làn sóng tiếp theo dễ nhận thấy là vào cuối năm nay đến 2020, với nhiều kỳ vọng thị trường chứng khoán có thể phục hồi tích cực.

Hàng loạt ngân hàng phải lên sàn

Hạn cuối sắp đến

Sau nhiều năm chờ đợi, cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần (NH TMCP) Bản Việt sắp sửa được niêm yết trên thị trường chứng khoán với mã BVB. Theo đó, kể từ ngày 16/9/2019, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã nhận lưu ký 317,1 triệu cổ phiếu BVB trên sàn UPCoM.

Trước đó, vào ngày 30/7/2019, hơn 419 triệu cổ phiếu VietBank cũng đã chính thức được đưa vào giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán VBB.

Hiện tại đã có 19/35 NH lên sàn, gồm 10 NH trên sàn HOSE là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Techcombank, MBBank, VPBank, Sacombank, HDBank, Eximbank và TPBank; ba NH trên sàn HNX là ACB, NCB và SHB; sáu NH trên sàn UPCoM là LienvietPostbank, VIB, Bắc Á, Kiên Long, Vietbank và Bản Việt.

Như vậy, vẫn còn hơn 50% số NH chưa được niêm yết, dù một số nhà băng đã đặt ra kế hoạch từ nhiều năm trước. Trong đại hội cổ đông đầu năm nay, những NH như ABBank, Maritime Bank, OCB, Nam Á hay SeABank đặt kế hoạch sẽ niêm yết vào cuối năm hoặc chậm nhất là năm sau.

Điều ấy cũng dễ hiểu, khi mà thời hạn cuối phải lên sàn vào năm 2020 theo yêu cầu của các cơ quan quản lý không còn mấy thời gian. Cụ thể, theo Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 8/2018, một trong các mục tiêu là đến năm 2020 phải hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NH TMCP trên sàn chứng khoán.

Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 2/2019 cũng đặt thời hạn cuối niêm yết vào năm 2020 đối với toàn bộ NHTM.

Thật ra, yêu cầu các NH phải đưa cổ phiếu lên sàn từng được đưa ra từ năm 2016, với Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định trong vòng một năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực (ngày 1/1/2016), công ty đã là công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm thông tư này có hiệu lực phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên UPCOM. Đây được xem là một trong những giải pháp giúp minh bạch hoạt động NH, cũng như đa dạng hóa hàng hóa trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, nhiều NH cứ hẹn lần hẹn lữa, khi thì do yếu tố khách quan như thị trường chứng khoán không thuận lợi, lúc thì vì nguyên nhân chủ quan như cổ đông chưa thông qua hay NH còn gặp nhiều khó khăn và chưa sẵn sàng để niêm yết. Thực tế cho thấy, nhóm NH niêm yết muộn rơi vào các NH có quy mô trung bình nhỏ, vốn điều lệ thấp và hiệu quả kinh doanh trước đây chưa cao so với nhóm có quy mô lớn hơn.

Áp lực tăng vốn

Làn sóng niêm yết sôi động của cổ phiếu NH diễn ra gần đây nhất là giai đoạn cuối năm 2017 đầu năm 2018 - thời điểm thị trường chứng khoán tăng mạnh, và làn sóng tiếp theo dễ nhận thấy là vào cuối năm nay đến năm 2020, với nhiều kỳ vọng thị trường chứng khoán phục hồi tích cực.

Việc đưa cổ phiếu niêm yết chính thức trên thị trường chứng khoán có thể mang lại nhiều lợi ích cho các NH, mà dễ nhận thấy nhất là cổ phiếu sẽ có tính thanh khoản tốt hơn, giúp doanh nghiệp huy động vốn dễ dàng hơn. Khi đã niêm yết, doanh nghiệp buộc phải tuân theo các quy định chặt chẽ về nghĩa vụ công bố thông tin, từ đó giúp nhà đầu tư có cơ sở để đánh giá chính xác hơn về tình hình hoạt động của doanh nghiệp để rót vốn, cả những nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu như cuối năm 2016, vốn của VPBank chưa tới 10.500 tỷ đồng, thì sau khi lên sàn vào tháng 8/2017, đã tăng lên 21.500 tỷ đồng và tiếp tục tăng hơn 24.000 tỷ đồng vào cuối năm 2018.

Thực tế cho thấy, nhóm NH lên sàn mới đây như VPBank, Techcombank hay HDBank đã có những phiên chào sàn khá thành công,  thu hút được một lượng vốn lớn giúp tăng mạnh vốn điều lệ chỉ trong thời gian ngắn, trong đó dòng vốn đầu tư không nhỏ đến từ những nhà đầu tư nước ngoài.

Khi lên sàn, các NH sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho việc tăng vốn, thông qua các hình thức phổ biến như chia thưởng cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài mà vẫn giữ được tính thanh khoản cao cho cổ phiếu do các nhà đầu tư lựa chọn giao dịch dễ dàng hơn trên sàn chính thức.

Nhu cầu tăng vốn trong những năm vừa qua luôn là thách thức không nhỏ cho các nhà băng và đang ngày càng trở nên cấp thiết khi áp lực tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel và hệ số an toàn vốn mới theo Thông tư 41 bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2020. Một loạt quy định an toàn như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo hướng thắt chặt hơn, hệ số rủi ro tính cho các khoản vay tiêu dùng, bất động sản gia tăng sẽ buộc các NH phải tăng cường vốn tự có.

Vì lẽ đó, lựa chọn lên sàn là giải pháp không chỉ bắt buộc mà còn phù hợp nhất để tìm kiếm nguồn vốn mới trong bối cảnh hiện nay. Lên sàn cũng để tránh việc án phạt theo quy định tại Nghị định số 145/2016/NĐ-CP, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của NH, mà trường hợp của Vietbank mới đây là một minh chứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng loạt ngân hàng phải lên sàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO