Kim ngạch thương mại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy nguy cơ hàng Trung Quốc tạm nhập vào Việt Nam để giả mạo xuất xứ rồi xuất sang Mỹ là khá lớn. |
Tổng cục Hải quan cho biết, đây là vụ việc có nguy cơ gian lận xuất xứ lớn nhất từ trước đến nay, khi có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với mặt hàng nhôm tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, một tập đoàn có công nghệ, dây chuyền, nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm nhằm đưa ra các sản phẩm để xuất đi Mỹ và một số nước khác, do chênh lệch về thuế suất.
Cụ thể, nếu nhôm Việt Nam xuất sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, nhưng nhôm Trung Quốc xuất vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%. Hiện, toàn bộ số nhôm này chưa thể xuất khẩu, số lượng tồn lên đến 1,8 triệu tấn, trị giá khoảng 4,3 tỷ USD. Trước đó, cũng đã có hàng loạt vụ giả mạo khác bị phát hiện liên quan đến các sản phẩm gỗ, ván ép, giày dép, quần áo thể thao, xe đạp,…với giá trị lên đến hàng tỷ USD.
Hiện tại, có 15 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ cao, gồm dệt may, da giày và túi xách, máy vi tính, điện tử và linh kiện, điện gia dụng và linh kiện, điện thoại và linh kiện, nhôm và các sản phẩm từ nhôm, sắt thép và các sản phẩm sắt thép, xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, gỗ và các sản phẩm gỗ.
Link bài viết
Đây đều là những mặt hàng có vốn đầu tư không tăng cao, nhưng kim ngạch xuất khẩu lại lớn. Đặc biệt, đây là hàng hóa mà Mỹ đang giám sát đặc biệt ở Trung Quốc, với 6/15 nhóm hàng này đang bị Mỹ áp thuế thương mại từ Trung Quốc.
Thực tế, kim ngạch thương mại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay cho thấy nguy cơ hàng Trung Quốc tạm nhập vào Việt Nam để "đội lốt" xuất xứ rồi xuất sang Mỹ là khá lớn.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng vọt 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, mức thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Mỹ leo lên 34,2 tỷ USD, sắp chạm ngưỡng 34,7 tỷ USD của cả năm 2018.
Đáng lưu ý, con số thặng dư thương mại với Mỹ tăng mạnh đi kèm với con số nhập siêu từ Trung Quốc tăng lên. Số liệu cho thấy, trong năm 2018, Việt Nam nhập từ Trung Quốc lượng hàng hoá tương đương 65,8 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2017, khiến thâm hụt thương mại hàng hóa của Việt Nam với Trung Quốc là 23,9 tỷ USD.
Chín tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,5 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; theo đó, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc lên đến 27,7 tỷ USD, tương đương 116% cả năm 2018.
Nhập siêu tăng mạnh từ Trung Quốc cũng đi kèm với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ nước này chảy mạnh vào Việt Nam từ năm 2018 đến nay, do nhiều doanh nghiệp nước này đã chuyển nhà máy, cơ sở sản xuất sang Việt Nam để tránh chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, không ít dự án chỉ đơn thuần đầu tư xây dựng những nhà máy sơ sài nhằm thực hiện công đoạn cuối cho có lệ nhằm lấy xuất xứ hàng Việt Nam.
Với thặng dư thương mại lớn so với Mỹ, cộng thêm nguy cơ trở thành nơi trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc tuồn vào Mỹ nhằm tránh các hàng rào thuế quan mà chính phủ áp lên hàng Trung Quốc, Việt Nam có nguy cơ rơi vào tầm ngắm trừng phạt thương mại của chính quyền tổng thống Trump.
Giữa tháng 10 này, Tổng cục Hải quan cũng đã đưa ra cảnh báo với 25 mặt hàng (tăng hơn so với 13 mặt hàng hồi tháng 8) xuất sang các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada... có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế.
Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải tìm cách ngăn chặn hàng Trung Quốc giả mạo hàng Việt, bằng cách thắt chặt các hàng rào hải quan, tăng cường kiểm tra tại cửa khẩu hải quan đối với mặt hàng được kiểm soát, tăng cường kiểm tra thực địa đối với trường hợp có nghi vấn và hoạt động xuất nhập khẩu tăng đột biến. Nếu không, Việt Nam có thể rơi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại giữa 2 nước lớn một cách không mong muốn.