Nền tảng số - con đường ngắn nhất đưa sản phẩm ra thế giới

Minh Nhi| 12/03/2020 06:00

Trong kỷ nguyên Internet, gần như mọi ngành kinh doanh truyền thống đều chịu tác động của chuyển đổi số, vì thế nếu doanh nghiệp không thay đổi sẽ rất khó tồn tại và cạnh tranh thắng lợi.

Nền tảng số - con đường ngắn nhất đưa sản phẩm ra thế giới

Tiếp cận thị trường nội địa

Bước vào lĩnh vực kinh doanh nhang xanh và trầm hương, với một doanh nghiệp trẻ là rất khó khăn bởi nguồn lực tài chính còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, ít người tiêu dùng có khái niệm về nhang an toàn nên rất ngại thay loại nhang mới. Vì thế, sản phẩm của Công ty Vietnam Agarwood Center hầu như không bán được.

Loay hoay tiếp cận thị trường, câu hỏi đặt ra với ông Vũ Trung Sơn - chủ doanh nghiệp này là làm thế nào để bán được hàng và quay vòng vốn. Và cách mà công ty này vượt qua khó khăn là bán hàng online. “Những năm qua, khi các sàn thương mại điện tử “đốt tiền” để cạnh tranh cũng là lúc thói quen mua hàng online của người Việt gia tăng. Nhận thấy đây là thời cơ, Agarwood Center bắt đầu trang bị kiến thức, kỹ năng cho mình và cho nhân viên để bán hàng online, vì cơ hội còn rộng mở”, ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, các kênh thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee... đều có thế mạnh và đối tượng khách hàng khác nhau, muốn tham gia, phải tìm hiểu kỹ. Ví dụ như Tiki xét duyệt sản phẩm khắt khe hơn các kênh khác nên muốn tham gia cần đăng ký kinh doanh và giấy tờ về nguồn gốc hàng hóa. Shopee có giao diện và cách thức đặt hàng, mua hàng dễ sử dụng cho cả người mua lẫn người bán, nhiều chính sách ưu đãi cho cả người bán lẫn người mua, như miễn phí vận chuyển chẳng hạn.

Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp bán hàng vẫn làm theo cách thấy người khác bán gì là bán theo, mà không cần biết thị trường có tiềm năng hay không. Ông Sơn lưu ý: “Muốn bán hàng online thành công thì phải xác định sản phẩm, khách hàng mục tiêu để chọn kênh thương mại điện tử phù hợp”.

Đưa sản phẩm ra thế giới

Với nhang xanh và trầm hương, mục tiêu của ông Sơn là xuất ra nước ngoài. Nhưng đó là điều không tưởng nếu sử dụng kênh kinh doanh truyền thống với chi phí rất cao, chưa nói là phải tham gia nhiều hội chợ quốc tế để kết nối khách hàng. 

Qua Alibaba.com, ông Sơn bắt đầu thu được hiệu quả. Ông nói: “Ngoài việc giúp doanh nghiệp thanh toán trực tiếp cả tiền mặt và chuyển khoản cho đối tác, Alibaba.com còn giúp xây dựng website, chào hàng, quảng bá sản phẩm, trả lời đối tác, tư vấn xu hướng sử dụng các tiện ích liên lạc, giao thương. Chỉ một thời gian ngắn, sản phẩm của công ty đã được khách hàng nhiều nước biết đến, việc kinh doanh xuất khẩu đạt hiệu quả tốt hơn. Ngoài ra, công ty cũng cắt giảm được nhiều chi phí, các chuyến công tác tại nước ngoài.

Cụ thể, tỷ lệ chốt hợp đồng trên kênh thương mại điện tử Alibaba.com của công ty đã tăng khá nhanh, chiếm khoảng 70% và lượng khách hàng tăng mỗi tháng 20%. Riêng mảng xuất khẩu đóng góp khoảng 60% tổng doanh thu và mảng kinh doanh thương mại điện tử đóng góp 1/3 doanh số của công ty. 

Mỗi tháng, công ty nhận được 80-90 câu hỏi liên quan đến thông tin về hàng hóa, và 30% trong số khách hàng quan tâm đã đến ký kết hợp đồng giao dịch với công ty. Hiện hoạt động kinh doanh trên Alibaba.com chiếm hơn 50% doanh số xuất khẩu của công ty này. 

Tuy nhiên, càng nhiều đơn hàng xuất khẩu, Agarwood Center càng thấy còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống quản trị đến quy trình sản xuất. Để khắc phục những khiếm khuyết, công ty đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ số để chuyển đổi mô hình quản trị, như ứng dụng phần mềm Wework quản lý công việc, ứng dụng các nền tảng của Alibaba trong quản lý bán hàng, thanh toán và kết nối, trao đổi với khách hàng, ứng dụng phần mềm Sapo quản lý thông tin dữ liệu khách hàng, phân tích dữ liệu kinh doanh...

Thông qua sử dụng nền tảng số, công ty đã có chuyến biến rõ rệt, như việc thống kê hàng hóa sát sao hơn, thu thập được thông tin khách hàng cụ thể hơn nên quản lý dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn. Bên cạnh đó, sử dụng công nghệ số để quản trị kho bãi, giao tiếp giữa các phòng ban và giám sát việc giao việc hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc xuất khẩu trực tuyến rất hiệu quả. 

Ông Sơn cho biết: “Khi tham gia Gold Supplier - dịch vụ thành viên cao cấp của Alibaba.com, doanh nghiệp sẽ được tối đa hóa cơ hội quảng bá sản phẩm. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ xuất khẩu hiệu quả nhất dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, gian hàng Gold Supplier cho phép doanh nghiệp thiết kế website trên Alibaba theo chuẩn quốc tế và được cập nhật thường xuyên, thông tin từ khóa sản phẩm sẽ được ưu tiên hiển thị trang đầu trong các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, Wolfram Alpha, Baidu, Yandex, Twurdy... đồng thời được phép đăng không giới hạn sản phẩm và được ưu tiên hiển thị ở mức cao nhất.

Theo nghiên cứu trên Alibaba.com, thành viên Gold Supplier nhận được số người hỏi hàng trung bình cao gấp 22 lần so với thành viên miễn phí. Vì vậy, cơ hội đưa sản phẩm của doanh nghiệp tới trên 20 triệu người dùng trên thế giới rất khả thi. 

Đại diện Alibaba tại Việt Nam cho hay, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp cũng đã gia nhập những nền tảng thương mại điện tử B2B để giao dịch và hợp tác mua bán, xuất khẩu hàng hóa và tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới. Việc này không chỉ giảm chi phí xúc tiến thương mại kiểu truyền thống mà còn giảm đáng kể chi phí cho khâu trung gian so với cách xuất khẩu truyền thống. 

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ bảo mật để giao dịch được an toàn ở mức cao nhất, phải có chiến lược để xây dựng lòng tin của khách hàng, thực hiện đúng những gì đã cam kết về sản phẩm và trả lời các câu hỏi về hàng hóa của khách hàng một cách nhanh nhất có thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nền tảng số - con đường ngắn nhất đưa sản phẩm ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO