Năng suất lao động Việt Nam tăng trung bình 5,88% mỗi năm

HT| 26/10/2021 07:00

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam là 5,88%/năm. Tính chung giai đoạn 2011-2020, năng suất lao động của Việt Nam bình quân tăng 5,06%/năm

Năng suất lao động Việt Nam tăng trung bình 5,88% mỗi năm

Theo "Báo cáo năng suất Việt Nam năm 2020" do Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) và Trường Đại học Ngoại thương phối hợp nghiên cứu vừa được công bố, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam là 5,88%/năm, đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân hằng năm đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là “giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%”.

Kết quả này cũng cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2011-2015 là 4,24%/năm. Tính chung giai đoạn 2011-2020, năng suất lao động của Việt Nam bình quân tăng 5,06%/năm. Báo cáo cũng đưa ra đánh giá so với quốc gia có mức năng suất dẫn đầu châu Á là Singapore, khoảng cách về năng suất giữa Singapore và Việt Nam đã giảm đáng kể, từ mức cao gấp 21 lần vào năm 1990, khoảng cách hiện tại là 11,3 lần. 

Yếu tố về vốn trên lao động được xem là nguyên nhân tác động quan trọng đến tăng năng suất lao động của Việt Nam. Theo đó, năng suất vốn giảm liên tục, trung bình giảm 1,5% (giai đoạn 2011-2020). Trong khi đó, bình quân của các nước ASEAN giảm khoảng 3,5%.

Đặc biệt, tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân theo doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng gia tăng từ 1,7% năm 2012 lên đến 4,7% vào năm 2018. Điều này đã đóng góp vào mức tăng tương ứng của TFP lần lượt từ 12,5% năm 2012 lên tới 20,1% năm 2018, phản ánh chất lượng tăng trưởng, tiến bộ khoa học và công nghệ.

Link bài viết

Báo cáo cũng chỉ rõ khoa học và công nghệ đã thể hiện vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Cụ thể, giai đoạn 2011-2020, TFP tăng từ 33,5% giai đoạn 2011-2015 lên 45,7% giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020. Kết quả này có được là một phần do chỉ số thăng hạng về đổi mới sáng tạo đã tác động và làm tăng năng suất lao động.

Theo các chuyên gia, "Báo cáo năng suất Việt Nam năm 2020" đã phân tích vấn đề năng suất trên nhiều bình diện gồm quốc gia, các ngành và doanh nghiệp, đồng thời tập trung phân tích khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như là động lực then chốt để nâng cao năng suất của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các chỉ tiêu về năng suất gồm năng suất các nhân tố tổng hợp, năng suất lao động và năng suất vốn.

Báo cáo cũng đã chỉ rõ những kết quả đáng khích lệ mà Việt Nam đã đạt được trong việc nâng cao năng suất của nền kinh tế nói chung cũng như năng suất của các doanh nghiệp nói riêng năm 2020 trong bối cảnh những biến động lớn của nền kinh tế thế giới và dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Do đó, tăng năng suất đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng 2,91% của Việt Nam trong năm 2020.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy những điểm nghẽn trong tăng năng suất của Việt Nam, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu để xóa bỏ các điểm nghẽn này. Để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình tăng năng suất cần phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được những đòi hỏi mới của nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp.

Các cơ sở giáo dục đại học có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng suất của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng. Các cơ sở giáo dục đại học không chỉ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là nơi kiến tạo và chuyển giao tri thức, các mô hình, công cụ quản lý, công nghệ mới tới cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia. Sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học và cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố quan trọng thúc đẩy năng suất, để tăng năng suất trở thành động lực quan trọng nhất cho quá trình phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năng suất lao động Việt Nam tăng trung bình 5,88% mỗi năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO