Năng lượng tái tạo: Nút thắt đã mở

13/12/2017 09:22

Quản lý, xử lý rác thải đang là thách thức lớn đối với Việt Nam.

Năng lượng tái tạo: Nút thắt đã mở

Chỉ riêng TP.HCM đã thải ra 8.300 tấn rác mỗi ngày, trong đó khoảng 76% được chôn lấp, trong khi nguồn rác thải có thể tái tạo thành nguồn năng lượng sạch.

Vẫn là tiềm năng

Theo bà Eija Tynkkynen - Tham vấn Thương mại Cơ quan Xúc tiến và Phát triển đầu tư Phần Lan Finpro, đất chôn lấp rác ở những thành phố lớn ngày càng hiếm, trong khi nhu cầu năng lượng sạch trong mạng lưới điện quốc gia của Việt Nam dự kiến tăng 7% vào năm 2020. Vì thế, việc chuyển hóa rác thải thành năng lượng là hướng xử lý có lợi nhất. Tính toán cho thấy, chỉ riêng lượng rác thải tại TP.HCM có thể sản xuất được gần 2 tỷ kWh điện/năm.

Ở một số nước công nghiệp như Nhật Bản, Mỹ, Đức đã phát triển công nghệ tái chế rác thải đô thị ở mức từ 50% đến trên 75%. Phần Lan chuyển đổi 90% chất thải rắn thành năng lượng hoặc tái chế, khoảng 40% năng lượng được tạo ra từ nguyên liệu tái tạo. Ước tính, doanh thu từ tái chế rác thải toàn cầu năm 2016 đạt khoảng 29 tỷ USD. Việc biến rác thải thành nhiên liệu sạch còn làm giảm thiểu lượng khí thải rất lớn gây hiệu ứng nhà kính.

Link bài viết

Trong khi năng lượng tái tạo từ rác đang trở thành xu hướng thì ước tính mỗi năm, TP.HCM phải chi 2.200 tỷ đồng cho việc quản lý rác, trong đó khoảng 1.000 tỷ đồng để xử lý rác tại các bãi chôn lấp.

Theo nhiều nhà đầu tư quan tâm phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, suất đầu tư nguồn năng lượng tái tạo cao hơn so với năng lượng truyền thống nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước lại thấp hơn so với các nước trên thế giới. Trở ngại lớn nhất là Nhà nước mua điện thấp hơn giá thành sản xuất, dẫn đến nhiều rủi ro khi đầu tư.

Ông Kimmo Tuppurainen - Giám đốc Kinh doanh Khu vực Đông Nam Á Công ty Watrec (công ty công nghệ biogas của Phần Lan) chia sẻ: "Khi xây dựng nhà máy ở Thái Lan, Watrec được nhận nhiều sự hỗ trợ và trợ giá từ chính phủ, nhưng tại Việt Nam thì không. Đối với những công ty tái tạo rác thải thành năng lượng, điều quan trọng là làm thế nào để thuyết phục khách hàng về công nghệ mới. Xây dựng nhà máy xử lý rác thải, biến rác thải thành năng lượng đòi hỏi số vốn rất lớn, trong khi giá mua điện tại Việt Nam lại chưa đủ tái tạo sản xuất cũng là một thách thức mà chúng tôi đang đối mặt".

Mở nút thắt

Ông Saku Liuksia - Giám đốc Cơ quan Xúc tiến và Phát triển đầu tư Phần Lan Finpro cho biết: Cách nay hơn một năm, chúng tôi đã đầu tư chuyển đổi rác thải thành năng lượng và năng lượng sinh học. Có khá nhiều dự án đang chuẩn bị được triển khai trong lĩnh vực này, như dự án chuyển đổi năng lượng từ rác thải rắn đô thị, phế phẩm trong nông nghiệp. Lĩnh vực này có khá nhiều tiến triển trong vòng một năm rưỡi qua. Chúng tôi đang hợp tác cùng Công ty Xử lý rác thải Bình Dương thu hồi khí từ các bãi rác và xử lý tại nhà máy có công suất 1,6MW. Sau khi thu hồi khí từ bãi rác, chúng tôi sẽ làm sạch và cung cấp cho nhà máy điện Đồng Tháp để sản xuất điện. Dự án đã khởi động từ đầu năm và dự tính sẽ kết thúc phần xây dựng vào tháng 4/2018.

Ông Mikko Saalasti - đại diện Công ty Doranova (Phần Lan) chia sẻ: "Việt Nam là nơi thực hiện một trong những dự án lớn nhất của Doranova với nhà máy xử lý khí bãi rác trị giá 6 triệu euro đang được xây dựng ở ngoại thành TP.HCM, với mục tiêu chuyển hóa 35.000 tấn chất thải mỗi năm thành năng lượng. Nhà máy khí bãi rác của Doranova còn hỗ trợ Việt Nam trong việc giảm phát khí thải nhà kính.

Tương tự, nhà máy biến đổi năng lượng từ rác thải của Công ty Watrec cũng đang được xây dựng tại Hà Nội sẽ phân loại và chuyển hóa rác thải, kể cả một số rác thải phi hữu cơ thành khí sinh học.

Ông Matti Miinalainen chia sẻ, sau một thời gian cung cấp hệ thống kiểm soát cho 6 nhà máy với công suất 1.000MW tại Việt Nam, mới đây, chúng tôi bắt đầu xây dựng nhà máy xử lý rác thải có công suất lớn, đồng thời sẽ cung cấp hệ thống DCS (hệ thống điều khiển phân tán) trong quá trình vận hành nhà máy này.

Ông Matti cho rằng: "Để các dự án biến rác thành năng lượng sạch tại Việt Nam trở thành hiện thực, doanh nghiệp phải xác định được nguồn nguyên liệu rác thải được chuyển đổi tại nhà máy, mức phí mà doanh nghiệp thu từ người mang rác thải đến và phải xem xét biểu giá điện khi bán cho EVN. Từ 3 yếu tố ấy, chúng tôi mới có thể tính toán được mức độ khả thi của dự án.

Ông Mikko cho biết thêm: "Đối với công nghệ thu hồi và xử lý khí bãi rác, cần phân biệt rõ bãi chôn lấp và bãi rác thải do người dân tự tạo vì chúng hoàn toàn khác nhau. Trên thực tế, không thể sử dụng rác thải từ những bãi rác tự tạo. Vì vậy, khi áp dụng các công nghệ cho ngành xử lý rác thải phải tính đến khả năng thu hồi khí để sử dụng sản xuất điện".

Giải tỏa trở ngại về việc phân loại rác đầu nguồn tại Việt Nam, ông Saku Liuksia cho biết: "Tại Phần Lan, việc phân loại rác thải ngay tại nguồn đã giúp cho việc sản xuất điện trở nên dễ dàng, nhưng tại Viêt Nam, người dân chưa có thói quen đó. Để giải quyết bài toán khó là chi phí đầu tư cao, chúng tôi đã đưa ra vài giải pháp như xây dựng nhiều nhà máy có quy mô từ nhỏ đến lớn cũng như giải pháp xử lý từng loại rác thải. Chi phí đầu tư cho từng giải pháp đều có sự khác biệt đáng kể”.

Hiện nay, mức độ khả thi của từng dự án phụ thuộc vào mức phí bên công ty thu rác phải trả cũng như biểu giá điện. Song, với công nghệ hiện đại, thời gian thu hồi vốn có thể nhanh hơn dự kiến. Tuy nhiên, về giải pháp dài hạn, các doanh nghiệp kiến nghị Việt Nam nên thúc đẩy người dân phân loại rác ngay tại các hộ gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năng lượng tái tạo: Nút thắt đã mở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO