Quốc tế

Mỹ bị hạ bậc tín dụng lần thứ hai trong lịch sử

Minh Huy 02/08/2023 14:39

Fitch Ratings - một trong ba tổ chức xếp hạng tín dụng lớn nhất vừa hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ mức cao nhất là AAA xuống AA+, sau khi nước này suýt vỡ nợ hồi tháng 6.

my-copy.jpg

Trong thông báo vào ngày 1/8/2023, Fitch cho biết lý do hạ bậc là "chất lượng điều hành đi xuống", cụ thể là những bất đồng quanh vấn đề trần nợ công đầu năm nay, khiến Mỹ gặp rủi ro vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

Trái phiếu chính phủ Mỹ từ rất nhiều thập kỷ đã được xem là an toàn nhất trong nhóm công cụ trú ẩn. Tuy nhiên, động thái của Fitch cho thấy tài sản này đã phần nào mất sức hấp dẫn. Việc này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng, từ lãi vay mua nhà tại Mỹ đến các hợp đồng được thực hiện trên khắp thế giới.

Các chỉ số chứng khoán tương lai trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi Fitch Ratings công bố quyết định hạ xếp hàng này. Chỉ số Dow Jones giao tương lai hạ khoảng 100 điểm.

Hồi tháng 6/2023, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thoát vỡ nợ trong gang tấc, khi quốc hội và chính phủ nước này chỉ đạt thỏa thuận về trần nợ công vài ngày trước hạn, sau nhiều tháng thương thuyết không khả quan.

Tháng 5/2023, Fitch Ratings từng cảnh báo về khả năng hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, với lý do nước Mỹ không ngừng bế tắc về vấn đề trần nợ. Cùng lúc đó, các nhà hoạch định chính sách tại Washington đối đầu về thỏa thuận để giúp nâng trần nợ để ngăn chính phủ liên bang hết tiền.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua dự thảo nâng trần nợ của Mỹ vào ngày 2/6/2023, ngay sát thời hạn chót 5/6/2023.

Fitch Ratings đồng thời nhấn mạnh đến vấn đề thâm hụt ngân sách liên bang, dự báo dự báo thâm hụt ngân sách sẽ lên mức 6,3% GDP trong năm 2023 từ mức 3,8% của năm 2022.

Các biện pháp cắt giảm chi tiêu phi quốc phòng (tương đương khoảng 15% tổng chi tiêu liên bang) như đã đồng thuận trong dự thảo trách nhiệm tài khóa (FRC) chỉ giúp cải thiện triển vọng tài khóa trung hạn một cách hạn chế, Fitch nhấn mạnh.

Fitch Ratings cho biết, sự tác động của của nhiều yếu tố bao gồm điều kiện tín dụng thắt chặt, đầu tư doanh nghiệp suy yếu và tiêu dùng người dân chững lại có thể khiến cho nền kinh tế suy thoái nhẹ trong quý IV/2023 và quý I/2024.

Fitch công bố quyết định của họ không chỉ dựa trên tình hình trần nợ mới nhất, mà là kết quả của việc "chất lượng quản trị giảm dần trong 20 năm qua, liên quan đến vấn đề tài khóa và nợ nần".

Chính quyền Mỹ đã lên tiếng phản đối động thái của Fitch. "Tôi hoàn toàn không đồng tình với quyết định này. Đánh giá của Fitch là tùy tiện và dựa trên các số liệu đã cũ", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết hôm 1/8.

Trước Fitch Ratings, Mỹ mới bị hạ bậc tín dụng lần duy nhất vào năm 2011, khi bị Standard & Poor’s (S&P) hạ từ bậc AAA xuống AA+. Nguyên nhân của lần hạ bậc này cũng lại là bất đồng trong việc nâng trần nợ công khiến Mỹ thoát cảnh vỡ nợ vào phút chót. Đến nay, S&P vẫn chưa khôi phục bậc AAA cho Mỹ.

Hiện chỉ còn Moody’s là tổ chức xếp hạng tín dụng lớn duy nhất còn đánh giá Washington ở bậc AAA.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ bị hạ bậc tín dụng lần thứ hai trong lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO