Bản lĩnh

Muôn mặt đấu thầu quốc tế

Nguyễn Tuấn 05/02/2024 - 21:25

Học hỏi, nâng tầm và chiến thắng ở những thị trường khó tính không chỉ khẳng định sức mạnh của doanh nghiệp mà còn là nâng cao hình ảnh quốc gia.

Lần đầu tiên, tôi tham gia một dự án đấu thầu quốc tế là Lào. Một tổ chức tài chính quốc tế tài trợ cho Lào để xây dựng hệ thống cấp thoát nước, thông qua chủ đầu tư là một doanh nghiệp Nhà nước tại thủ đô Viêng Chăn. Khi vừa mua xong hồ sơ dự thầu tại trụ sở của chủ đầu tư, tôi đã nhận được nhiều cuộc điện thoại làm quen và đề nghị hỗ trợ. Dù khá bối rối nhưng tôi cũng tiếp xúc với một số bên và tìm hiểu cách thức tham gia đấu thầu tại Lào. Có khoảng bảy công ty dự thầu, gồm hai công ty Việt Nam, một công ty Thái Lan và bốn công ty Trung Quốc. Trước khi dự thầu, tôi cùng với người bạn Lào đã mang hồ sơ lên chùa cho sư nổi tiếng của Lào “làm phép”. Chúng tôi hy vọng sẽ may mắn!

img_3798.jpg
Sân vận động Lusail - Qatar mà Công ty Đại Dũng đã thắng thầu cung cấp gói kết cấu thép

Chúng tôi đã “kinh ngạc” khi thấy công ty của Trung Quốc thắng thầu với mức giá chỉ bằng 40% giá dự toán. Trong khi, chi phí nguyên vật liệu của chúng tôi đã hơn 60% giá dự toán. Tức là, vừa cung cấp nguyên vật liệu và triển khai thi công mà giá chào thầu của công ty Trung Quốc mới bằng 2/3 chi phí nguyên vật liệu của chúng tôi. Họ sẽ lỗ nếu làm với giá này, tôi nghĩ vậy. Nhưng có thể phía sau là sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc và có khả năng, giá sẽ được điều chỉnh tăng trong quá trình triển khai. Bài học của tôi là nhà thầu Trung Quốc sẽ luôn chào giá thấp để thắng thầu. Họ cần thắng thầu trước đã. Sau đó, trong quá trình triển khai, họ sẽ tìm cách nâng giá lên khi có thể. Đối với dự án này ở Lào, nhà thắng thầu đã đưa nhân công từ Trung Quốc qua để thi công.

Một lần khác, tôi tham gia đấu thầu quốc tế - với tư cách người mua. Một nhà máy sản xuất ống nhựa của Trung Quốc tại Hàng Châu bị phá sản và nợ ngân hàng rất nhiều. Vì vậy, tài sản công ty này bị phát mãi. Công ty bán đấu giá tài sản của Hàng Châu mở phiên bán đấu giá 6 dàn máy ép đùn nhựa - thương hiệu Krauss-Maffei (Đức) của nhà máy. Thông qua đại diện bán hàng của hãng Krauss-Maffei, chúng tôi đã đến nhà máy tại Hàng Châu để khảo sát tình trạng của 6 dàn máy. Mọi thứ còn khá mới và phù hợp với nhu cầu sản xuất ống HDPE của công ty mình, nên chúng tôi quyết định tham gia đấu giá mua.

Đầu tiên, là thủ tục đặt cọc, tương đương 20% giá trị khởi điểm. Ngày tổ chức đấu giá, có năm công ty tham gia gồm chúng tôi - công ty đến từ Việt Nam, một công ty Thổ Nhĩ Kỳ và 3 công ty Trung Quốc. Thể lệ đấu giá bao gồm 2 vòng. Vòng 1, các công ty bỏ giá ở mức cao nhất có thể và phải lớn hơn giá khởi điểm. Vòng 2, chọn ra hai công ty chào giá cao nhất ở vòng 1 để đấu giá trực tiếp. Chúng tôi và công ty Thổ Nhĩ Kỳ là hai đơn vị chào giá cao nhất ở vòng 1 và được vào vòng 2. Thật sự, đây được xem là một “đòn cân não” vì giá bỏ vòng 1 của hai công ty đã được công bố. Qua tìm hiểu, tôi được biết công ty Thổ Nhĩ Kỳ là một công ty thương mại. Họ mua máy về và sẽ bán lại. Còn chúng tôi, đã có kế hoạch mở rộng nhà máy nên rất cần mua sáu dàn máy này để sản xuất. Cho nên, chúng tôi đã bỏ giá ở mức cao nhất có thể - có cân nhắc với việc mua máy mới và chờ đợi 12 tháng. Cuối cùng, chúng tôi là người thắng thầu.

Tôi nhớ, khi đó, công ty Thổ Nhĩ Kỳ xin gặp riêng chúng tôi. Họ đề nghị chúng tôi nhường lại cho họ mua và bù lại, họ sẽ gửi cho chúng tôi 10% giá trị trúng thầu. Tất nhiên, chúng tôi từ chối vì nhà máy cần 6 dàn máy này. Sau đó, cán bộ kỹ thuật của chúng tôi đã qua Hàng Châu để tháo dỡ và vận chuyển về Việt Nam.

Là một người mê bóng đá, tôi đã đi xem 9 trận ở vòng chung kết World Cup năm 2022 tại Qatar. Tôi rất tự hào khi đến sân vận động rất hiện đại là Lusail với sức chứa 80.000 chỗ ngồi và Sân vận động Ras Abu 40.000 chỗ ngồi. Đây là 2 sân vận động mà Công ty Đại Dũng đã trúng thầu quốc tế cung cấp gói kết cấu thép. Thật ra, Đại Dũng đã xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài từ những năm 2005. Để xâm nhập vào thị trường các nước như: Mỹ, Canada, Úc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… Đại Dũng đã từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng - quy mô sản xuất cũng như đầu tư các máy móc trang thiết bị hiện đại, tham gia đấu thầu, lên kế hoạch tiếp thị…. Đến nay, sản phẩm của Đại Dũng đã xuất khẩu hơn 40 quốc gia. Các dự án trúng thầu phần lớn đều là các dự án trọng điểm như xây dựng nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy nhiệt điện và nhà máy công nghiệp nặng…

Còn rất nhiều công ty Việt Nam như Đại Dũng đã thắng thầu quốc tế. Học hỏi, nâng tầm và chiến thắng ở những thị trường khó tính không chỉ khẳng định sức mạnh của doanh nghiệp mà còn là nâng cao hình ảnh quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Muôn mặt đấu thầu quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO