Mua sắm giải trí trực tuyến: Sẽ hình thành nên một nền kinh tế thương mại điện tử tại Việt Nam
Với 1-2 triệu đơn hàng được chốt mỗi ngày, TikTok Shop dần vượt các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Việc mua bán trực tuyến trở nên thịnh hành tới đây sẽ hình thành 1 nền kinh tế thương mại điện tử ở Việt Nam.
Sáng 23/12, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân chủ đề "Cơ hội mới cùng kênh mua sắm giải trí trực tuyến".
Xu hướng kinh doanh mới
Theo TS Trương Minh Huy Vũ – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, thương mại điện tử đang dần trở thành một xu hướng kinh doanh mới. Sự phát triển của thương mại điện tử đã đặt ra một khái niệm mới, đó là khái niệm thương mại điện tử mạng xã hội.
Những người sáng tạo nội dung số đã tạo ra một số lượng người theo dõi lớn, từ đó bán hàng qua trang cá nhân, tạo ra một xu hướng. Hiện TP.HCM đã thí điểm mô hình này như việc bán hàng tại Cần Giờ và ở chợ Bến Thành vừa qua.
“Chỉ sau 3 ngày qua việc livestream bán hàng ở Chợ Bến Thành này chúng tôi đã có được 219 triệu view, 260 video cùng sự tham gia của 491 nhà sáng tạo nội dung số. Qua khảo sát, có 70% tiểu thương ở chợ Bến Thành mong muốn chuyển đổi số”, ông Vũ cho biết.
Ông Vũ nói thêm, dịp Tết sức mua năm nay không mạnh mẽ như năm trước, vì thế cần đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng xã hội qua chiến dịch “HCM online Tết fest: Mua sắm Tết, ăn chơi Tết và ấm no Tết”, nhằm hỗ trợ người dân ăn Tết, chơi Tết, sắm Tết, đồng thời thu hút và giữ chân du khách, hỗ trợ bà con bán hoa Tết, trái cây và đặc sản Tết mang lên thành phố.
Ông Vũ cho rằng, đã đến lúc cần phải suy nghĩ về hệ sinh thái nền kinh tế livestream. Hiện TP.HCM là cái nôi của các nhà sáng tạo nội dung số, vì thế cần suy nghĩ xem có nên coi sáng tạo nội dung số là một nghề nghiêm túc hay không. Đây là nguồn nhân lực mới, gắn với công nghệ mới, cần đặc biệt quan tâm. Ở Trung Quốc hiện còn sử dụng người ảo bán hàng, nếu Việt Nam biết cách học theo và tận dụng những ưu điểm của việc bán hàng trên mạng xã hội thì có thể tạo thành động lực thúc đẩy kinh tế thành phố nói chung.
Tik Tok có khả năng vượt facebook, zalo
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam cho biết, hiện nay có trên 12 tỷ lượt xem video 1 ngày tại VN, tạo nên một lượng traffic vô cùng lớn. Mỗi ngày có hàng trăm ngàn nhà sáng tạo nội dung, hàng triệu video được đưa lên TikTok. Trong đó, có 3 nội dung chính giải trí, giáo dục và các video mô tả sản phẩm để hỗ trợ cho dịch vụ bán hàng.
“Trung bình, người Việt đang dành 1-2 giờ mỗi ngày để lướt TikTok. TikTok tạo nên một "ngôi chợ" rất đông khách hàng với hàng chục triệu người dùng. Có những phiên livestream có 250 triệu lượt thả tim. Trên nền tảng có hơn 2 triệu nhà sản xuất nội dung sẵn sàng bán hàng. Thông qua TikTok Shop, mỗi ngày có đến 1-2 triệu đơn hàng được bán thành công", ông Thanh nói.
Ông Trần Quốc Bảo - Phụ trách kênh E2E Tập đoàn Kido cho biết , hiện ở Việt Nam có đến 80% người dân dùng internet, 71% người dân dùng mạng xã hội. Riêng về mạng xã hội, mặc dù Facebook, Zalo vẫn là 2 nền tảng chính nhưng TikTok đang phát triển vượt bậc, khả năng sẽ có sự hoán đổi vị trí với 2 nền tảng trên.
Ông Bảo cũng cho biết, mua sắm online hiện đã trở nên phổ biến. 6 tháng đầu năm 2023, người Việt tiêu 92,745 tỷ đồng cho mua sắm online. Nhà nước, chính phủ Việt Nam khuyến khích phát triển kinh tế số và đặc biệt xúc tiến thương mại điện tử. Thương mại điện tử (Social Commerce) tại các nước lân cận (Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan...) trở thành xu hướng phát triển rõ rệt. Ở Việt Nam TikTok shop xác lập một xu hướng mới tại Việt Nam với gần 20% thị phần sàn thương mại điện tử sau 1 năm hoạt động
Tik Tok ủng hộ các DN kinh doanh chính hãng, chất lượng sản phẩm tốt, khuyến mãi và hậu mãi đa dạng, phong phú. Hiện nay, sức mua tại các chợ truyền thống trên cả nước có xu hướng giảm dần theo thời gian. Công nghệ hiện đại ngày nay cung cấp nhiều giải pháp mua sắm tiện lợi và nhanh chóng như: Siêu ứng dụng (kết nối trực tiếp người mua người bán), chợ Online (Sàn Thương mại điện tử), Kênh bán hàng online (trực tiếp của các doanh nghiệp) hay bán hàng qua Chatbot, điện thoại, AI..
Ông Bảo cũng cho rằng, Việt Nam tới đây sẽ hình thành 1 nền kinh tế thương mại điện tử. Đây không phải là xu hướng mà là xu thế tất yếu, trong đó doanh nghiệp mọi thành phần phải tham gia.