Mua sắm an toàn trong "bình thường mới" như thế nào?

Phan Nhung| 04/12/2021 04:00

Chia sẻ tại chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời", bà Phạm Thi Vân -Trưởng ban Quản lý hệ thống bán lẻ Satra cho biết, những trường hợp khách hàng đã đến siêu thị và có nhu cầu mua nhưng không có thẻ xanh hoặc chưa tiêm mũi vaccine nào, siêu thị sẽ cho nhân viên tiếp nhận đơn đó và mua sắm hộ, sau đó đưa hàng cho khách.

Mua sắm an toàn trong

Chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" với chủ đề "Mua sắm an toàn trong điều kiện bình thường mới" vừa diễn ra vào 20 giờ ngày 3/12. Tham dự livestream có ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, BS Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) và bà Phạm Thi Vân - Trưởng ban Quản lý hệ thống bán lẻ Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Dưới đây là một số nội dung chính tại chương trình:

*Dân hỏi: Tôi nghe nói, những nơi nhiệt độ càng thấp thì nguy cơ lây nhiễm càng tăng cao, điều này có đúng không?

- BS Lê Hồng Nga: Đúng, vì theo các chuyên gia nhận định, virus sẽ phát tán nhanh hơn ở khu vực lạnh, những khu vực có thời tiết lạnh thì virus cũng sẽ dễ dàng lây lan hơn. Do đó người dân nên làm thoáng không gian sống và hạn chế sinh hoạt đông người trong những môi trường lạnh, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc các kho đông lạnh hay văn phòng máy lạnh đều nguy hiểm, vì đa số các kho lạnh đều được trang bị đầy đủ các biện pháp phòng dịch.

Thực ra, mọi giao tiếp thông thường trong cuộc sống đều ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm, những virus từ người bệnh cũng có thể bám vào đồ vật xung quanh, do đó việc người bệnh tình cờ lây nhiễm mà không biết trước được nguyên nhân là điều dễ dàng xảy ra. Cái chính vẫn là cách phòng chống dịch của mỗi chúng ta, mỗi cá nhân đều cần phải ý thức trong việc phòng, chống dịch.

*Dân hỏi: Sở Công Thương TP.HCM đã đề xuất TP thí điểm mở lại việc ăn uống tại nhà hàng, quán ăn, quán bar… Vậy Sở có giải pháp gì để bảo đảm cho các nơi này hoạt động an toàn?".

- Ông Nguyễn Nguyên Phương: Qua giai đoạn TP thực hiện giãn cách nghiêm ngặt để phòng, chống dịch, người dân ở nhà lâu cũng sinh bức bối và cần được giải tỏa, đây là nhu cầu chính đáng.

Tuy nhiên, chúng ta phải suy nghĩ việc mở cửa quán nhậu và các nhà hàng ăn uống như thế nào cho hợp lý và không để tái bùng dịch. Đầu tiên, chúng tôi thí điểm ở những quận, huyện và từ đó đưa ra phương án mở cửa dần dần. Sau khi tham khảo ý kiến của các quận, huyện, chúng tôi nhận thấy kinh doanh rượu bia tại chỗ là điều cần thiết. Hiện chưa có cơ sở nào minh chứng việc các quán bia, rượu làm tăng ca nhiễm, cho nên tùy vào mức độ dịch, chúng tôi sẽ cân nhắc và bàn bạc với các ban ngành, lãnh đạo TP để có thể mở cửa dần dần các dịch vụ cho người dân.

*Dân hỏi: “Hiện nay, TP có yêu cầu lượng khách vào siêu thị trong cùng 1 lúc là bao nhiêu không?”

- Bà Phạm Thi Vân: Hiện nay, các siêu thị đều thực hiện nghiêm ngặt quy định 3589 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP, cho nên khách hàng và nhân viên siêu thị đều áp dụng các biện pháp an toàn với dịch bệnh. Số lượng khách hàng vào siêu thị tùy từng thời điểm mà ít nhiều khác nhau, nhưng chúng tôi luôn bảo đảm người mua thực hiện đúng 5K, nhân viên cũng thực hiện 5K và tiêm ít nhất 1 mũi. Theo quy định chỉ những khách hàng có thẻ xanh hoặc đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine mới được vào mua sắm. Với những người chưa tiêm ngừa, siêu thị sẽ hỗ trợ bằng cách cho nhân viên "đi chợ hộ"

*Dân hỏi: Có nên mua hàng tại các chợ tạm, chợ tự phát thay vì chợ truyền thống và siêu thị để tránh lây nhiễm?

- BS Lê Hồng Nga: Cho tới thời điểm này, chưa có cơ sở nào đánh giá việc lây nhiễm giữa các siêu thị và chợ là khác nhau, hay khu vực nào ít, khu vực nào nhiều. Sự lây nhiễm có thể tồn tại khắp mọi nơi, có thể do tiếp xúc tại 1 môi trường nào đó miễn là môi trường đó tồn tại virus, do đó điều quan trọng là chúng ta phải thực hiên nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Nếu chúng ta đi đâu cũng 5K và rửa tay xịt khuẩn kỹ lưỡng thì sẽ hạn chế cao nhất khả năng lây nhiễm dù ở bất kỳ môi trường nào.

*Dân hỏi: Dịp tết nguyên đán sắp tới, Sở Công Thương có kế hoạch bán hàng lưu động để hạn chế tiếp xúc trực tiếp cho người tiêu dùng hay không?

- Ông Nguyễn Nguyên Phương: Việc tổ chức bán hàng lưu động là biện pháp đúng đắn, kịp thời trong tình hình cung ứng hàng hóa cho người dân khó khăn, người dân không đi ra ngoài mua sắm được. Bán hàng lưu động không chỉ cung ứng hàng hóa cho người dân nhanh chóng hơn mà các các cơ sở kinh doanh cũng có điều kiện bán hàng trong thời điểm dịch bệnh. Chúng tôi nhận thấy, nhiều DN đã thực hiện các điểm bán hàng lưu động rất tốt trong mùa dịch và mùa tết tới đây, chúng tôi vẫn khuyến khích các DN thực hiện tiếp mô hình này, nhưng phải bảo đảm đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

*Dân hỏi: Mùa tết sắp tới, Sở có triển khai các chương trình khuyến mại phục vụ cho khách hàng, đặc biệt là những người dân, công nhân khó khăn hay không?

- Ông Nguyễn Nguyên Phương: Chương trình khuyến mại tập trung của TP được tổ chức làm 2 đợt vào đầu năm và cuối năm, năm nay do tình hình dịch bệnh và nhiều DN cũng đang tìm kiếm đầu ra, cho nên Sở cũng tìm cách giúp DN gia tăng sức mua và tăng thêm khuyến mại cho người tiêu dùng.

Những đối tượng có thu nhập trung bình hay thu nhập thấp chúng tôi sẽ có ưu tiên, hàng hóa đưa tới phục vụ cho công nhân nằm trong chương trình bình ổn thị trường và có mã giảm giá cho người lao động.

Ngoài ra, có những hàng hóa có chất lượng tốt nhưng mẫu mã bao bì chưa đẹp nên chưa tới được hệ thống siêu thị, chúng tôi sẽ triển khai để những mặt hàng đó có giá tốt và đưa đến tận tay người lao động, vừa hỗ trợ DN vừa hỗ trợ anh chị em công nhân.

*Dân hỏi: Hiện nay tình trạng chợ tự phát mọc lên rất nhiều, nhất là trong các khu dân cư đông đúc, vậy hàng hóa và mức độ phòng, chống dịch trong các khu chợ này ra sao?

- Ông Nguyễn Nguyên Phương: Các loại hình thương mại dịch vụ đều được các Sở ngành áp dụng triệt để những tiêu chí cụ thể, nên nói về nguy cơ lây nhiễm thì những nơi được quản lý sẽ an toàn hơn so với những khu tự phát. Mặt khác, hàng hóa ở chợ truyền thống có nguồn gốc được kiểm định rõ ràng hơn so với chợ tự phát, do đó chúng ta nên lựa chọn hàng hóa có xuất xứ rõ ràng vẫn tốt hơn

Tôi đánh giá, từ đây đến cuối năm các chợ truyền thống sẽ mở cửa lại hết, từ đó các điểm bán tự phát cũng sẽ hạn chế.

*Dân hỏi: Sau dịch bệnh, người dân gặp khó khăn về kinh tế nhưng giá cả lại ngày càng tăng cao, Sở có cách nào kìm hãm giá cả thị trường lại không?

- Ông Nguyễn Nguyên Phương: Tình hình giá tăng không phải chỉ nước ta mà còn ở các nước khác nữa, vì nguyên vật liệu cao;  chi phí vận tải, vận chuyển và các chi phí phòng, chống dịch tăng nên giá sản phẩm tăng, trong khi đó sức mua giảm mạnh khiến nhiều DN đối mặt với thách thức lớn vì lợi nhuận không đủ để trang trải các chi phí đầu vào.

Ngoài ra, những chương trình khuyến mại tập trung cũng là cách để các DN có thể đẩy những hàng trong kho ra cung ứng cho thị trường, tăng sức mua, khi sức mua tăng mạnh và sản xuất cũng tăng thì lúc đó giá cả mới có thể bình ổn được.

*Dân hỏi: Chợ truyền thống bán giá gấp đôi chợ tự phát nên mọi người mới chọn chợ tự phát, điều này có đúng không?

- Ông Nguyễn Nguyên Phương: Đánh giá chủ quan và quan sát của tôi từ các kênh truyền thống, giá cả phụ thuộc vào thời điểm tiểu thương hoạt động, buổi sáng, trưa, hay chiều và tối, cùng với nhu cầu của người dân khu vực đó ra sao. Còn việc đắt hay rẻ đều xuất phát từ chợ đầu mối, tuy nhiên giá thành cao thấp luôn tỷ lệ thuận với chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng biết điều đó. 

*Dân hỏi: Mẹ tôi là người già và có bệnh chống chỉ định với các thành phần của vaccine, vậy những người không được tiêm làm sao có thẻ xanh đi mua sắm trong siêu thị?

- BS Lê Hồng Nga: Trên thực tế, người chống chỉ định với vaccine không nhiều trừ khi quá dị ứng với các thành phần trong vaccine, số lượng này rất ít. Tuy nhiên người chưa tiêm vaccine thì không nên đến những nơi có mức độ lây nhiễm cao để an toàn cho bản thân và gia đình.

-

*Dân hỏi: Nhân viên siêu thị tiếp xúc nhiều với cộng đồng, làm cách nào để nhân viên không lây nhiễm bệnh qua người mua hàng và ngược lại, các đơn vị có chịu trách nhiệm vấn đề này hay không?

- Bà Phạm Thị Vân: Hiện nay, có những tiêu chí được quy định đối với hệ thống bán lẻ. Toàn bộ nhân viên của chúng tôi đã được tiêm 2 mũi. Về nguyên tắc phòng chống dịch, chúng tôi trang bị test nhanh và phát cho người lao động để họ có thể thực hiện test tại nhà mỗi tuần một lần.

Tuy nhiên, người lao động đi làm nếu có các triệu chứng phải khai báo và báo cho quản lý để có thể thực hiện test ngay, thực hiện nghiêm ngặt các nguyên tắc phòng dịch trong siêu thị và nghiêm túc khử khuẩn định kỳ hằng tuần theo tiêu chí của TP.

*Dân hỏi: Chợ Bình Điền được mở lại có nguy cơ lây lan dịch bệnh hay không, khi là chợ đầu mối phân bổ hàng hóa lớn trong khu vực và các tỉnh lân cận?

- Ông Nguyễn Nguyên Phương: Thời gian qua, chúng ta đã dành khá nhiều thời gian để giải quyết những mô hình chống dịch trong chợ đầu mối, do đó khi xuất hiện các ca F0 trong chợ đầu mối, TP bắt buộc phải dừng hoạt động của các chợ này.

Hiện nay, TP đang thực hiện những mô hình trung chuyển để mở cửa dần dần chứ chưa mở cửa hoàn toàn, chúng tôi sẽ tùy vào tình hình thực tế để mở cửa và có những biện pháp nhất định, bảo đảm an toàn cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mua sắm an toàn trong "bình thường mới" như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO