Mua bán điện trực tiếp: Bộ Công Thương mới tính phần ngọn

Nguyễn Hoàng| 29/04/2021 07:55

Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể sẽ ký ban hành thông tư quy định thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện (cơ chế DPPA - Direct Power Purchase Agreement) trong quý III/2021. Dù vậy, hiện nay vẫn có nhiều ý kiến về giá điện theo cơ chế DPPA.

Việc Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT) mua lại 49% cổ phần tại nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc, được xem là đã dự báo trước về "doanh thu trong dài hạn". Nhà máy Trung Nam Thuận Bắc có tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, công suất 204MW, vận hành từ tháng 7/2019. Mỗi năm nhà máy điện mặt trời này cung ứng sản lượng điện tối đa 450 triệu kWh, giá 9,5 cent/kWh, trong 20 năm.

Thương vụ chuyển nhượng cổ phần giữa ACIT và Trung Nam Thuận Bắc diễn ra trong bối cảnh Bộ Công Thương thúc đẩy thí điểm mua bán điện trực tiếp từ các nguồn năng lượng tái tạo, một hợp phần của chương trình xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện (DPPA) mà bộ này đã giao Cục Điều tiết Điện lực thực hiện kể từ năm 2017. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực thuộc Bộ Công Thương cho biết đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế để các nhà máy điện tái tạo được phép bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện, trong đó có thay đổi về giá, dự kiến sẽ từ 200-400MW vào cuối năm 2021. 

nang-luong-tai-tao-1818-1619581825.jpg

DPPA đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và hộ sử dụng điện. DPPA phù hợp sẽ mang lại lợi cho các bên tham gia, bao gồm khách hàng, nhà đầu tư phát triển điện và nền kinh tế. Bởi vì DPPA cho phép khách hàng (chủ yếu là công nghiệp và thương mại) sử dụng điện có cam kết hoặc mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững, tiếp cận và mua trực tiếp một lượng điện từ một đơn vị phát điện năng lượng tái tạo thông qua một hợp đồng song phương dài hạn có giá và thời hạn hợp đồng do hai bên thỏa thuận và thống nhất.

Bộ Công Thương dự kiến thí điểm cơ chế này trong giai đoạn 2021-2023 với tổng công suất khoảng 1.000MW. Giao dịch mua bán điện giữa các bên liên quan được thực hiện trực tiếp qua thị trường điện giao ngay theo quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành. 

Việc áp dụng chính thức cơ chế mới, theo Bộ Công Thương, sẽ dựa trên kết quả vận hành các giao dịch theo cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp. Cục Điều tiết Điện lực sẽ tổ chức đánh giá về pháp lý, thị trường, kỹ thuật và tài chính để đề xuất các nội dung hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc áp dụng chính thức cơ chế này.

Mong muốn thực hiện cơ chế DPPA của Bộ Công Thương là rất tốt, nhưng TS. Nguyễn Minh Duệ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: "Bộ Công Thương mới chỉ tính đến phần ngọn, đó là đưa ra cơ chế mua bán điện, chưa đề cập đến gốc, là hạ tầng, là đường dây truyền tải điện và cơ chế thương thảo giá mua bán điện".

Việc Bộ Công Thương chưa đưa ra được mức giá sàn để thương thảo, TS. Duệ cho là vấn đề lớn, trong bối cảnh giá mua điện có "độ vênh rất lớn" về giá điện giữa các nhà máy trong và ngoài quy hoạch. Người tiêu thụ không muốn mua điện giá cao, trong khi các nhà phát điện lại không muốn bán giá thấp hơn giá bán cho EVN. Dự báo giá điện thương thảo cho các nhà máy không nằm trong quy hoạch chỉ khoảng 5-6 cent/kWh.

"Thời điểm vận hành thương mại quyết định giá mua điện", TS. Duệ khẳng định. Một điểm nữa mà ông Duệ chắc chắn, nền kinh tế sẽ không được hưởng lợi với cơ chế DPPA nếu không phù hợp. Dù vậy, Cục Điều tiết Điện lực vẫn khẳng định, thí điểm mua bán điện trực tiếp theo cơ chế DPPA là bước chuẩn bị cho việc vận hành của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo lộ trình được duyệt và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững các nguồn điện năng lượng tái tạo, qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ các tổ chức quốc tế có tham gia các cam kết về môi trường, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Việt Nam. 

Thời điểm thực hiện cơ chế DPPA, theo dự kiến còn đến 8 tháng, vì vậy ý kiến của TS. Nguyễn Minh Duệ cần được lưu ý. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mua bán điện trực tiếp: Bộ Công Thương mới tính phần ngọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO