Bên cạnh các loài thủy sản nước ngọt từ hệ thống sông ngòi, kênh rạch… của Đồng bằng sông Cửu Long, còn có nhiều thứ thủy sản đặc trưng của những vùng đất giáp biển miền Tây Nam bộ, là nguyên liệu để chế biến nhiều món ngon mà rẻ.
Nhiều nhất hẳn là ba khía, loài thủy tộc thường sống ở trong các rừng mắm, đước, cóc kèn…, hình dáng gần giống con còng, trên lưng có ba cái khía (có lẽ vì vậy nên chúng được gọi là ba khía).
Người ta ít ăn ba khía tươi mà thường muối trong lu, khạp để ăn dần; khi ăn xé nhỏ trộn với chanh, đường, tỏi, ớt băm nhuyễn, ngon nhất là ăn với cơm nguội.
Ba khía rang me |
Dưới lớp bùn có nhiều xác thực vật bị phân hủy ở những cánh rừng ngập mặn ven biển còn có vọp, loài nhuyễn thể cùng họ với nghêu, sò… nhưng to hơn nhiều, cỡ hai đến ba ngón tay người lớn, thịt ngon, ngọt, được chế biến nhiều món như: vọp hấp lá sả, rau răm, vọp nấu chua, vọp luộc gừng, vọp kho sả ớt… nhưng ngon nhất là món vọp nướng mỡ hành.
Vọp sau khi chà rửa sạch bùn, nướng vỉ trên bếp than hồng, khi chúng mở miệng thì gắp nhanh ra, trút nước ngọt từ vỏ vọp vào chén. Đó là thứ nước xúp tuyệt vời.
Vọp nướng mỡ hành |
Sau đó, cho vọp lên vỉ nướng tiếp rồi chế mỡ hành ngập ruột vọp, khi mỡ hành sôi ríu lên là vọp đã chín. Ruột vọp chấm muối tiêu chanh ăn với rau thơm dằn vài hạt đậu phộng đập dập, ngon và thơm lừng, ăn đến tém miệng mới thôi!
Ở các rừng ngập mặn của các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau có con “chù ụ”, thuộc họ nhà cua, thân vuông cỡ bằng chiếc nem, hai càng khá to so với thân.
Chù ụ được chế biến nhiều món như luộc, hấp bia, rang me, kho nghệ, xào hành… nhưng đơn giản và nhanh nhất là nướng trên vỉ than hồng cho chín đều hai mặt.
Khi chín tới chù ụ có màu đỏ bầm bắt mắt. Xé chù ụ ra rồi trộn ít rau răm cho thơm, chấm muối ớt hoặc muối tiêu chanh.
Mấy chục năm trước, ba khía, vọp, chù ụ dễ kiếm vì có rất nhiều trong thiên nhiên, thường là món ăn của người nghèo, nhưng nay chúng đã trở thành đặc sản, “chễm chệ” trong thực đơn nhà hàng, quán nhậu…
>Cua biển miền Tây
>Đậm đà mắm biển Phan Thiết