Mở trường đại học như “mốt”

06/11/2011 05:39

Ở phiên thảo luận tổ ngày 4/11, các đại biểu kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII đã thảo luận về dự án Luật giáo dục đại học. Nhiều đại biểu cho rằng dự luật này chưa làm rõ được quy hoạch, quy mô của nền giáo dục nước nhà.

Mở trường đại học như “mốt”

Ở phiên thảo luận tổ ngày 4/11, các đại biểu kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII đã thảo luận về dự án Luật giáo dục đại học. Nhiều đại biểu cho rằng dự luật này chưa làm rõ được quy hoạch, quy mô của nền giáo dục nước nhà.

Đại biểu QH Nguyễn Đình Quyền trong phiên thảo luận tổ về Luật giáo dục đại học ngày 4/11- Ảnh: HOÀNG LONG

Không nên khống chế báo in quảng cáo

Tại phiên thảo luận về dự án Luật quảng cáo, đại biểu Trần Thanh Hải cho rằng quy định về quảng cáo hiện nay chưa phản ánh được hết nhu cầu và sự phát triển của báo in. Quảng cáo cũng là thông tin với rất nhiều độc giả. Dự luật mới cần tiên liệu được tương lai là VN sẽ có báo phát không. Loại hình báo này sống chủ yếu bằng quảng cáo. Do đó dứt khoát không thể khống chế việc quảng cáo, nên để độc giả tự quyết định khi chọn mua.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng quyền quảng cáo chính là quyền được kinh doanh, vì thế không nên hạn chế. Tuy nhiên, dự luật quảng cáo lại thả nổi quảng cáo trên băngrôn thì trong điều kiện VN, ông Nghĩa cho biết “hết sức lo ngại”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị: “Luật cần thiết lập các điều khoản để bảo vệ người tiếp nhận quảng cáo. Quảng cáo sai phải bị xử lý rất nặng. Người có thẩm quyền cấp phép, người cho đăng tải quảng cáo phải có trách nhiệm liên quan”.

Bức xúc trước tình trạng đại học phát triển nóng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền ví chuyện đua nhau xin mở trường đại học như một thứ mốt mà ít có sự tính toán.

Mỗi năm “đẻ” thêm 11 trường đại học

Đại biểu Trần Thanh Hải (TP.HCM) cho rằng với tốc độ thành lập đại học bình quân tới 11 trường/năm thời gian qua, đã có khiếm khuyết trong quá trình thành lập một số trường.

“Nâng cấp ồ ạt, thành lập thiếu kế hoạch là nguyên nhân dẫn đến chất lượng yếu kém. Tôi thấy nhiều trường thiếu giảng viên, thiếu đủ thứ nhưng vẫn cấp phép cho thành lập. Đề nghị Bộ GD-ĐT cho biết chất lượng đại học VN đang ở mức nào trong khu vực?” - đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) hỏi. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết: “Nhiều đại học nước ngoài đầu tư vào, thu tiền rất nhiều, nhưng chất lượng cũng bình thường. Trường có tên nước ngoài nhưng lúc thì thầy ngoại dạy, lúc thì thầy VN”.

Các đại biểu nhất trí cao Luật giáo dục đại học cần quy định việc kiểm định giáo dục đại học độc lập, có chế độ định kỳ công bố trường nào đạt chuẩn. Trường nào không đạt chuẩn, chất lượng thấp có thể giải thể.

Phải tăng quyền tự chủ cho trường đại học

Ông Nguyễn Đình Quyền nói đọc cả dự luật thấy quá ít nội dung cụ thể, luật vẫn là luật khung vì hàng chục vấn đề giao cho Thủ tướng và Chính phủ quyết định. “Tiêu chí quy hoạch hệ thống giáo dục là phải luật định chứ không nên giao cho Chính phủ, phải luật định thì mới tránh được kẽ hở của việc xin - cho” - ông Quyền đề nghị.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng Luật giáo dục đại học phải nhận thấy hiện trạng hiện nay các quan chức, người có tiền hầu hết đã cho con đi học nước ngoài. “Cần có bước đột phá về giáo dục đại học VN nhưng đọc luật chưa thấy” - ông Nghĩa nói.

Trong khi đó, những yêu cầu của luật đôi khi lại quá cao, như “tiến sĩ phải phát hiện, giải quyết được vấn đề khoa học công nghệ” trong khi giải Nobel đôi khi chỉ cần phát hiện thôi đã đạt, được thế giới đánh giá rất cao rồi. Cải cách giáo dục đại học, ông Nghĩa cho rằng cần tìm huyết mạch chính là nhu cầu xã hội về nhân lực để làm chứ không nên chỉ giải quyết vấn đề hiện tại.

Hiệu phó Đại học Kinh tế TP.HCM Trần Hoàng Ngân đề nghị dự luật phải tăng quyền tự chủ hơn nữa cho các trường đại học. Ông Ngân nói và cho rằng cơ chế học phí hiện nay đang làm các trường đại học công phải lách đủ thứ, trong khi ngân sách trao cho trường công giảm dần, nên chất lượng đòi hỏi cao không thể có.

“Muốn cao phải thay đổi học phí”, ông Ngân cho rằng ngân sách nhà nước rót cho đại học nên chuyển thẳng cho mẫu giáo, hãy để đại học tự chủ, Nhà nước chỉ đầu tư cơ sở vật chất ban đầu. “Cần tăng học phí, đại học công đang thu học phí chỉ 4-5 triệu đồng/năm, trường tư vài chục triệu đồng/năm, trường nước ngoài cả trăm triệu đồng/năm, chênh lệch như thế là quá lớn” - ông Ngân nói.

Đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản lên 5 tháng

Cùng ngày 4/11, Chính phủ trình Quốc hội hàng loạt dự luật về phòng chống rửa tiền, Bộ luật lao động sửa đổi, Luật công đoàn, Luật phòng chống tác hại thuốc lá...

Theo dự thảo luật do Chính phủ trình, các quy định về tiền lương đã được nâng lên, như mức lương cho người lao động (NLĐ) được hưởng hiện nay chỉ ở mức 70% lương chính thức sẽ được nâng lên 85%. Nhà nước sẽ không can thiệp trực tiếp vào mức lương mà chỉ quy định mức lương tối thiểu.

Dự luật đã nghiêm cấm người sử dụng lao động khi ký hợp đồng lao động đòi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ; buộc NLĐ cam kết thực hiện các điều khoản làm hạn chế các quyền hợp pháp hoặc yêu cầu NLĐ phải thực hiện bất kỳ một sự bảo đảm nào về tài sản cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi NLĐ ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đáng lưu ý, dự luật quy định chủ lao động không được trả lương chậm quá một tháng, nếu không sẽ phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước quy định. Mức lương làm thêm ban đêm được Chính phủ quy định phải cao hơn 30% mức lương giờ bình thường.

Đặc biệt, dự luật mới quy định người sử dụng lao động sẽ phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình. Nếu thuê người giúp việc từ đủ ba tháng trở lên sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.

Về lao động người nước ngoài vào VN, lần này dự luật chính thức đưa vào quy định doanh nghiệp, tổ chức, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển lao động nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật khi lao động VN chưa đáp ứng. Thời hạn của giấy phép lao động tại VN tối đa là một năm.

Cũng theo dự luật mới, chủ lao động sẽ bắt buộc phải ký hợp đồng lao động không thời hạn đối với người lao động đã làm việc liên tục cho mình từ 10 năm trở lên.

Về thời gian nghỉ thai sản, dự thảo nâng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ làm việc trong điều kiện lao động bình thường từ 4 tháng lên 5 tháng, các trường hợp theo quy định hiện nay đang nghỉ 5 tháng lên 6 tháng.

Quy định về đình công cũng được sửa đổi. Theo đó, quy định hiện nay bắt buộc phải đạt 75% người đồng ý (đối với tập thể lao động có từ 300 NLĐ trở lên) sẽ bị bãi bỏ. Thay vào đó, chỉ cần trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý đình công là sẽ được phép mà không phụ thuộc số lượng NLĐ. Dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) vẫn đề nghị tuổi nghỉ hưu của nữ là 55, nam là 60.

Với dự án Luật chống rửa tiền, Chính phủ quy định sẽ có một cơ quan phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước. Thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phải quy định cụ thể giao dịch “có giá trị lớn” sẽ phải báo cáo và bị giám sát. Ủy ban cũng đề nghị việc kiểm soát rửa tiền không được xâm hại đến các quyền cơ bản của công dân, quyền bí mật, riêng tư của cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở trường đại học như “mốt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO