Mở cửa bầu trời: Trước hết khôi phục đường bay trong nước

Hồng Như| 26/10/2021 06:00

Sau 20 ngày thí điểm khôi phục ngành hàng không, ngày 21/10/2021, Bộ Giao thông Vận tải quyết định tăng tần suất nhiều đường bay và khôi phục toàn bộ đường bay nội địa. Để nhìn lại kết quả thực hiện cũng như đề xuất các hướng đi tiếp theo, đại diện các hãng hàng không và chuyên gia kinh tế đã cùng trao đổi trong tọa đàm “Mở cửa bầu trời” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Các nhà kinh tế và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TP.HCM tổ chức

Mở cửa bầu trời: Trước hết khôi phục đường bay trong nước

Mở cửa đồng bộ, thống nhất

Giai đoạn dịch Covid-19, có khoảng 85-90% doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng, trong đó các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không, dịch vụ du lịch và vận tải hành khách chịu thiệt hại nghiêm trọng. Đại diện hãng hàng không Bamboo Airways và Vietjet Air cho biết, tình hình khai thác các chuyến bay trong giai đoạn đầu mở cửa đang có tín hiệu khả quan với doanh số tích cực, các đường bay dần mở rộng. Từ ngày 10-20/10/2021, theo đánh giá của Bamboo Airways, nhu cầu di chuyển của hành khách tăng cao sau một thời gian dài bị ngắt quãng vì các đường bay đều tạm dừng hoạt động. Sau 20 ngày thí điểm, một số vướng mắc về quy định cách ly, tiêm vaccine và kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 khi hành khách di chuyển hay vấn đề hạn chế đường bay cơ bản được tháo gỡ.

Đến giai đoạn hai, toàn bộ các đường bay nội địa đều được khôi phục, tạo điều kiện cho các hãng hàng không hoạt động thuận lợi, giúp hành khách dễ dàng di chuyển. Song với những khó khăn trong giai đoạn đầu “bình thường mới” và tồn đọng sau nhiều tháng đình trệ vì giãn cách xã hội, để mọi thứ khôi phục hoàn toàn, các hãng hàng không vẫn cần sự hỗ trợ thiết thực và thống nhất của các cấp chính quyền.

Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó tổng giám đốc Bamboo Airways chia sẻ: “Mở cửa bầu trời là xu thế tất yếu sau khi kiểm soát được đại dịch, qua đó giúp cuộc sống dần trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng điều quan trọng vẫn là đảm bảo quản lý và phòng, chống dịch hiệu quả. Vì vậy, Bamboo Airways mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét thận trọng, có hướng dẫn, quy định rõ ràng về lộ trình mở cửa các đường bay phù hợp theo từng giai đoạn diễn biến dịch bệnh để các hãng bay xây dựng kế hoạch khai thác phù hợp”.

Ông Hải cũng đề xuất các địa phương nên có một bộ tiêu chí chung về điều kiện y tế và yêu cầu đi lại của hành khách. Bởi hiện tại mỗi tỉnh đều có quy định riêng và không thống nhất, gây cản trở cho việc mở cửa ngành vận tải. Nhìn chung, với các hãng hàng không, điều quan trọng trong quá trình mở cửa bầu trời là phải có lộ trình rõ ràng, tạo cơ hội khai thác bình đẳng và có những quy định thống nhất, cụ thể từ Trung ương đến địa phương.

Bamboo Airways và các hãng hàng không tư nhân khác kiến nghị được hỗ trợ các khoản tín dụng trung, dài hạn với lãi suất, điều kiện vay ưu đãi hoặc tiếp cận với các khoản vay ngắn hạn theo hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như Vietnam Airlines đã được áp dụng.

Thúc đẩy du lịch nội địa

Việc mở cửa bầu trời là một tín hiệu đáng mừng trong quá trình phục hồi kinh tế, song các chuyên gia nhận định không chỉ hàng không mới cần khôi phục mà các lĩnh vực liên đới như du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí cũng cần kích cầu đồng bộ trong giai đoạn mới. Ông Đỗ Xuân Quang - Phó tổng giám đốc Vietjet Air cho biết: “Một phần khách hàng của Vietjet Air và những hãng hàng không khác là khách du lịch. Vì vậy, du lịch vẫn chưa hoạt động thì doanh số của chúng tôi vẫn chậm khôi phục”.

“Đã đến lúc Việt Nam mở cửa du lịch an toàn, các khu du dịch nội địa có thể đón khách nếu khách đảm bảo một trong hai điều kiện, hoặc là tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính. Câu lạc bộ Các nhà kinh tế cũng đang tập trung xây dựng kế hoạch hỗ trợ các tỉnh mở cửa lâu dài và bền vững, chứ không đóng lại lần nữa”, ông Đặng Đức Thành - CEO Tập đoàn Đầu tư Green+ chia sẻ.

Mặt khác, với những khó khăn chung do đại dịch, cơ cấu lao động trong lĩnh vực hàng không, du lịch, dịch vụ, khách sạn đã có nhiều biến động. Vấn đề cắt giảm lực lượng lao động do ông Trần Quang Thắng đặt ra, đại diện Bamboo Airways khẳng định, tình trạng này không xảy ra mà ngược lại trong suốt 4 tháng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đợt 4, hãng đã tăng từ 2.000 lên 2.500 nhân viên. Ông Hải nói: “Chúng tôi tin sau dịch, tình hình sẽ khả quan, nên để kinh doanh tốt, Bamboo Airways đã trang bị thêm nhiều tàu bay và bổ sung thêm lực lượng lao động”.

Tái cấu trúc ngay trong dịch, kết nối chặt chẽ với các cổ đông để huy động thêm nguồn vốn và xây dựng kế hoạch rõ ràng, phát triển sau dịch là những cách mà các hãng hàng không đã thực hiện để thích ứng và vượt qua khó khăn. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành bày tỏ: “Tôi biết trong giai đoạn vừa qua, các hãng hàng không gặp muôn vàn khó khăn từ dòng tiền đến khách hàng nhưng tất cả đã vượt qua, giữ vững nền tảng và chủ động tái cấu trúc. Tôi kỳ vọng khi bầu trời mở cửa, hàng không và các lĩnh vực du lịch, dịch vụ có liên quan sẽ cùng vực dậy, phát triển”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở cửa bầu trời: Trước hết khôi phục đường bay trong nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO