Mẹ là mùa Xuân đẹp nhất

Đào Thị Tuyết Nhanh| 22/01/2023 06:00

Hơn năm mươi tuổi, cái tuổi không còn trẻ nữa, ấy vậy mà, mỗi khi tiết trời lành lạnh, những làn gió bấc hiu hiu trong cái nắng hanh vàng là lòng tôi lại xốn xang, rạo rực khi mường tượng đến một mùa Xuân sắp đến.

Trong không gian đầy chất thơ ấy, những cái Tết ấm áp và ngập tràn yêu thương thời thơ ấu nơi miền quê yêu dấu cứ lần lượt hiện về trong ký ức.

Cha mẹ tôi có đến mười người con, nên việc lo cho cái ăn, cái mặc thường ngày cũng lắm nỗi gian truân. Mỗi khi Tết đến thì những khó khăn ấy lại càng thêm chất chồng. Nhà nghèo lại đông con nên khi ấy mỗi đứa chúng tôi nhiều nhất là chỉ được ba bộ quần áo thay đổi hàng ngày, đến Tết thì mỗi đứa mới có thêm một hoặc hai bộ quần áo mới. Hình ảnh mẹ tôi phải thức đến quá nửa đêm bên ngọn đèn dầu leo lét vào những đêm giáp Tết để kịp hoàn tất những chiếc áo mới cho chúng tôi vẫn còn lảng vảng đâu đó trong tâm trí.

Tết cũng là dịp chị em chúng tôi nhìn mẹ trổ tài chuẩn bị những món bánh mứt dân gian để nhâm nhi và thết đãi họ hàng, chòm xóm, bạn bè. Mẹ làm nhiều món lắm, nào là mứt gừng, bánh kẹp, cốm nhúng, bánh in, mứt chuối… Với chúng tôi,  món nào cũng thơm ngon và hấp dẫn. Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ ngồi tỉ mẩn trên bộ ván, bên cạnh những chiếc thau nhôm to chứa những lát gừng ngâm nước cho bớt chất cay. Mẹ kiên nhẫn ngồi thái từng lát gừng có độ mỏng đều đặn và có hình thù ngộ nghĩnh. Có khi chị em tôi cũng sà vào giúp mẹ, nhưng chỉ vài phút là đứng dậy vì thiếu cả tay nghề lẫn sự kiên trì. Làm mứt gừng đã cực, nhưng ngào mứt chuối còn kỳ công hơn gấp bội. Chảo mứt phải được ngào trên bếp lửa than yếu trong khoảng thời gian từ một đến hai giờ cho đủ độ kết dính mới được nhắc xuống. Cứ thế, bàn tay mẹ thoăn thoắt đảo đều, hết mẻ này đến mẻ khác, chỉ ngồi nhìn thôi đã thấy mình không đủ kiên nhẫn.

Trước Tết khoảng hai tháng, cha tôi đã bắt đầu công việc chăm sóc, chỉnh trang dàn cây cảnh trước sân nhà. Cha hì hụi vun gốc, nhổ cỏ, bón phân, tưới nước cho cây. Cha chọn những cây mai đẹp nhất cho vào những chiếc chậu lớn để đến Tết đặt vào những vị trí mong muốn trong nhà. Gần đến rằm tháng chạp, cha tôi đã huy động lực lượng anh em chúng tôi ra sân phụ cha nhặt bỏ lá mai. Bốn năm đứa đứng vây quanh cây mai, đứa lớn thì nhặt những cành cao, đứa nhỏ đảm nhận những cành dưới thấp, thoăn thoắt, nhẫn nại như những con chim sâu nhặt thóc. Những cây mai  sum xuê là thế, đã lộ ra những cành trơ trọi chỉ sau vài giờ. 

Ảnh:Internet

Ảnh:Internet

Trước Tết một tuần là khoảng thời gian bận rộn nhất. Tôi phụ giúp các chị lớn trong nhà đảm nhận việc tổng vệ sinh, lau dọn và trang trí nhà cửa. Thích nhất là được trổ tài thủ công, làm những bông hoa bằng giấy cắm vào bình trang trí hoặc cắt những dây hoa giấy treo trên trần nhà. Những tờ giấy vở học trò đơn điệu là thế, qua bàn tay khéo léo của các chị bỗng chốc trở thành những bông hoa đầy màu sắc.

Thú vị nhất vẫn là không khí đầm ấm của buổi chiều cuối năm và đêm giao thừa. Tôi nhớ mãi dáng vẻ tất bật của mẹ ra vào canh lửa cho nồi bánh tét, nêm nếm nồi thịt ba rọi kho trứng và nồi tôm thịt dồn khổ qua sao cho vừa miệng. Những miếng bánh mứt đẹp đẽ nhất được mẹ cho vào keo hoặc túi nilon dâng lên bàn thờ tổ tiên cùng với những loại trái cây tươi còn nguyên cành lá vừa hái trong vườn. 

Sau khi cúng tổ tiên, cả nhà chúng tôi quây quần bên mâm cơm chiều cuối năm trong không khí ấm áp và tâm trạng lâng lâng khó tả. Đêm giao thừa tuy không có pháo hoa nhưng những tiếng pháo xa gần vẫn giòn giã khắp mọi nhà và lòng người cũng rộn rã vào xuân. Những ngày Tết xưa tuy thiếu thốn về vật chất nhưng tràn ngập niềm vui và đầy ắp tiếng cười.

Ảnh:Internet

Ảnh:Internet

Thời gian cứ thế vô tình trôi, kéo theo những quy luật bất biến của vòng xoay sinh tử. Đã 5 năm qua chúng tôi đón Tết thiếu vắng cha, cũng chừng ấy thời gian mẹ ra vào lặng lẽ, trên đầu anh em chúng tôi càng có nhiều hơn những sợi tóc bạc màu. Lòng ngậm ngùi khi vào mỗi dịp Tết chỉ cầm trên tay đơn độc một phong bao màu đỏ mừng tuổi mẹ. Không ai bảo ai, tất cả đều nhủ lòng phải thương yêu mẹ nhiều hơn, thương cả phần của cha nữa. 

Tết vừa rồi, mẹ tôi đã bước sang tuổi 83. Trong một lần đi khám sức khỏe ở bệnh viện hồi đầu tháng 5/2022, bác sĩ phát hiện mẹ có khối u gan. Như sét đánh ngang tai, anh em chúng tôi đón nhận tin ấy như đón nhận một bản án tử của chính mình. Lời phán xét của bác sĩ như một sự đe dọa định mệnh “Sợ bà không chờ được đến Tết… ”. 

Đã tám tháng trôi qua, tám tháng anh em chúng tôi sống trong cảm giác chưa từng trải qua trong đời. Sự xen lẫn những trạng thái cảm xúc khác nhau không thể diễn tả hết bằng lời, chỉ những ai đã từng nếm trải mới thấu hiểu. Đau xót, hồi hộp, lo sợ, rồi lại hy vọng… Tết này là cái mốc thời gian chúng tôi tự gán cho mình, như một trọng trách lớn lao phải phấn đấu, như một nỗi khó nhọc mơ hồ phải cố vượt qua; vì mỗi đứa chúng tôi ai cũng tự hiểu theo cách của mình “Nếu đến Tết này mình còn mẹ thì vẫn còn hy vọng …”.   Ơn trời, đến giờ mẹ chúng tôi vẫn tạm ổn, một phần có lẽ nhờ vào yếu tố tinh thần.

-4590-1674181204.jpg

Còn bốn mươi ngày nữa là đến Tết. Chúng tôi đang âm thầm đếm ngược từng ngày trong niềm hy vọng lớn lao và cả nỗi sợ mông lung. Và tôi - đứa con gái sống xa nhà nhất, ngày nào cũng nhắn vô nhóm anh chị em một câu hỏi quen thuộc nhưng không hề nhàm chán: “Mẹ hôm nay khỏe không chị em ơi? Mẹ ăn ngon miệng không?... ”, với một điều mong muốn duy nhất là mẹ được mạnh khỏe và an vui mỗi ngày.

Chúng tôi tự bảo nhau: Hy vọng Tết này tụi mình sẽ có được cái Tết lớn nhất, hạnh phúc nhất, bởi lẽ còn mẹ là còn mùa Xuân, vì mẹ là mùa Xuân đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mẹ là mùa Xuân đẹp nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO