Công nghệ thành phố thông minh nên giao cho DN |
Đóng góp vào chiến lược chung “Make in Vietnam” không chỉ là các diễn giả, các chuyên gia cũng như những đại diện doanh nghiệp công nghệ lớn trực tiếp đăng đàn tại sự kiện, mà còn có không ít băn khoăn và những ý kiến tâm huyết từ những đơn vị với quy mô nhỏ hơn, thậm chí là các startup với tuổi đời vô cùng non trẻ.
Muốn “hùng cường” nhờ công nghệ, cần gỡ bỏ các rào cản
Theo các chuyên gia công nghệ, mặc dù nhắc nhiều đến việc đổi mới sáng tạo, tập trung đầu tư cho phát triển công nghệ... nhưng cho đến nay Việt Nam chưa có nhiều những sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn mới để giải quyết các vấn đề mới của xã hội. Cái mà các doanh nghiệp công nghệ vẫn làm chủ yếu là giải quyết các bài toán cũ bằng mô hình kinh doanh mới, cách thức công nghệ mới. Tuy nhiên, ngay chỉ ở mức độ này, họ cũng gặp không ít khó khăn và rào cản. Bên cạnh những khó khăn thông thường khi “chèo chống” một doanh nghiệp, còn là những vấn đề “đặc thù” khác, khi mà phát triển các sản phẩm công nghiệp đòi hỏi chi phí lớn nhưng lại thu hồi lợi nhuận lâu, thị trường và người dùng thiếu độ sẵn sàng..
Make in Vietnam sẽ là tuyên bố của chúng ta. Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là để Make in Vietnam. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình.
( Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng)
Theo ông Lê Minh Quốc – GĐ Kỹ thuật của MK Group, hiện nay doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang gặp phải tình trạng cạnh tranh ngược.
“Ví dụ, với một sản phẩm của chúng tôi là thẻ SIM dành cho các nhà mạng, thì tại thị trường Việt Nam, với nhà mạng lớn nhất chúng tôi cũng chỉ được cung cấp khoảng 20% tổng số thẻ SIM của họ, các mạng còn lại không được con số này.
Tương tự, ở các lĩnh vực khác, nhiều hồ sơ thầu hiện nay đang thiên về ưu tiên nước ngoài hơn, thông qua các yêu cầu mang tính “rào cản kỹ thuật”. Ví dụ như các loại chứng chỉ phức tạp, mà doanh nghiệp Việt Nam phải rất tốn kém thì mới được cấp; hay yêu cầu phải chứng minh năng lực qua những hợp đồng trước đó với giá trị cao... thì rất khó đáp ứng, vì đặc thù là sản phẩm công nghệ mới... Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều khi sản phẩm công nghệ của Việt Nam không hề thua kém sản phẩm nước ngoài, nhưng gặp những rào cản để “chứng minh năng lực” kia nên chịu thua thiệt.
Chia sẻ như vậy, tôi muốn đề xuất cần có chính sách hoặc cơ chế để tạo thị trường cho các sản phẩm công nghệ Việt, thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước liên kết được với nhau, dùng sản phẩm của người Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần có sự sát sao, quyết liệt hơn trong việc triển khai các chính sách đã có. Ví dụ chính sách về thuê ngoài dịch vụ, mặc dù đã có chủ trương nhưng đến nay việc triển khai vẫn chưa thể thực hiện được. Với các ưu đãi cho phát triển công nghệ, doanh nghiệp cần được nhìn thấy “người thực việc thực” để yên tâm và tự tin hơn trên lộ trình của mình”.
Còn bà Phạm Thị Lý – Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (thuộc Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam) thì đề xuất áp dụng những giải pháp quản trị, số hóa cho danh mục sản phẩm công nghệ, nhằm hỗ trợ cho DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, tiết kiệm tối đa chi phí.
“Chẳng hạn với lĩnh vực Nông nghiệp, trong quá trình các đơn vị áp dụng những sản phẩm, quy trình công nghệ mới do người Việt Nam sáng chế, sản xuất..., hệ thống truy xuất mà chúng tôi xây dựng có thể kết nối được tất cả các vùng sản xuất của các tỉnh thành về Hà Nội. Khi được chuyển ngữ có thể kết nối với quốc tế nhanh chóng và tiết kiệm nhất.
Chúng tôi cũng đề xuất nguyện vọng là Chính phủ có những cơ chế hỗ trợ cho các startup, các doanh nghiệp khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, đặc biệt là có cơ chế mạnh mẽ hơn về bảo vệ bản quyền sáng chế. Hiện, vẫn còn nhiều giải pháp công nghệ về truy xuất nguồn gốc hàng hóa vẫn không thể xác nhận được có bản quyền hay không. Đây chính là nguy cơ rất lớn, khi doanh nghiệp có thể bị “trắng tay” sau khi đầu tư không ít tiền bạc, thời gian, nhân sự cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm...
Bên cạnh đó, cần có nguồn vốn cho các startup công nghệ. Một trong những giải pháp giúp “rót vốn” đúng địa chỉ là cần có hội đồng phản biện uy tín trong từng lĩnh vực để đánh giá đúng doanh nghiệp và ý tưởng sáng tạo, đồng thời giúp các startup nâng tầm sản phẩm, thuận lợi hơn khi kêu gọi đầu tư...”
“Make in Vietnam”, bắt đầu từ đâu?
Ông Trần Quốc Dũng – CEO Ominext JSC: Trước hết phải có bigdata |
Theo ông Trần Quốc Dũng – CEO Ominext JSC, Việt Nam cần có sự chuẩn bị để thích ứng, hấp thụ các công nghệ mới - đơn cử như hệ thống dữ liệu lớn (bigdata) cho từng lĩnh vực cụ thể.
Ông Dũng cho biết: “Khi nói đến cuộc Cách mạng công nghệ tại Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy: để có thể ứng dụng các công nghệ như vạn vật kết nối internet (IoT), chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI)… thì trước hết chúng ta phải có bigdata. Nhưng Việt Nam chưa có, hoặc lượng data chưa đủ dày.
Để giải quyết điều này, theo tôi cần đẩy nhanh việc ứng dụng các công nghệ liên quan đến bigdata, từ đó thu thập dữ liệu, tiến hành phân tích và đưa AI vào ứng dụng”.
Từ kinh nghiệm làm việc với thị trường Nhật Bản trong lĩnh vực Y tế, ông Dũng cho rằng Việt Nam nên học hỏi và bắt đầu hành động với việc vừa thu thập thông tin, vừa lưu trữ chúng và chia sẻ để áp dụng AI. Cụ thể, thông tin sẽ được thu thập, lưu trữ và chia sẻ 2 chiều: đưa đến người dùng và tiếp nhận từ người dùng; sau đó ứng dụng AI vào hỗ trợ kiểm soát sức khỏe, tư vấn điều trị...
“Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi cũng đề xuất các chính sách cụ thể cho công nghệ cần có sự cập nhật liên tục, giúp các doanh nghiệp cũng như chính cơ quan chức năng giảm thiểu sự lúng túng khi đưa các mô hình, các khái niệm mới về Việt Nam. Ví dụ ngay trong lĩnh vực Y tế, chúng tôi gặp phải khó khăn khi đưa khái niệm “Dược sĩ Gia đình” về Việt Nam, hay cơ chế chấp thuận cho việc thu thập thông tin bệnh nhân và chia sẻ qua hệ thống Blockchain...”, ông Dũng nói.
Cũng trong chủ đề liên quan đến câu hỏi “Make in Vietnam bắt đầu từ đâu?”, ông Lê Minh Quốc (MK Group) cho rằng, lĩnh vực công nghệ là thị trường không biên giới, nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chỉ “đá sân nhà” mà còn có khát vọng ra nước ngoài. Chính phủ cần có định hướng cho việc hỗ trợ phát triển và đưa sản phẩm Việt ra thế giới.
“Các nước ASEAN hiện nay đã có những chính sách để phối hợp với nhau, vậy Chính phủ nên có chính sách để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập được. Ví dụ như các công nghệ về thành phố thông minh (smart city) hoặc giao thông thông minh. Nhiều công nghệ mà doanh nghiệp Việt Nam đã làm được nhưng chúng ta vẫn phải mua sản phẩm của nước ngoài. Niềm tự hào “Make in Vietnam” không chỉ từ những doanh nghiệp công nghệ, mà còn cần phải bắt đầu từ người ứng dụng công nghệ”, ông Quốc nói.