Dù lắm anh tài quốc tế chi phối, người bệnh đừng mơ có giá thuốc rẻ

Dương Nguyễn| 14/09/2020 08:05

Hàng loạt hãng dược quốc tế nhảy vào ngành dược, mang đến kỳ vọng nâng cao chất lượng và nguồn cung thuốc tây tại Việt Nam. Tuy nhiên, người bệnh khó kỳ vọng được mua giá thuốc rẻ.

Phần lớn công ty dược nằm trong tay nước ngoài

Hồi cuối tháng 8/2020, một công ty dược của Nhật Bản là ASKA đã mua thành công hơn 6,5 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây (DHT), tương đương gần 25% cổ phần. Được định vị là nhà đầu tư chiến lược, việc ASKA tăng dần sở hữu tại DHT đến mức chi phối là điều các nhà đầu tư đoán trước được. Bởi làn sóng thâu tóm ngành dược đã diễn ra từ lâu.

Làn sóng này được chú ý kể từ khi Taisho Pharmaceutial Holdings (thuộc Tập đoàn Taisho Holdings của Nhật Bản) mua lại 24,5% cổ phần của công ty dược lớn nhất trên sàn chứng khoán là Dược Hậu Giang (DHG) hồi giữa năm 2016. Đến nay, đối tác này đã nâng sở hữu lên mức chi phối là 51% cổ phần.

Có thể thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đã âm thầm rót vốn mạnh vào ngành dược Việt Nam để giữ quyền chi phối. Các công ty dược lớn hiện nay đều nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài.

Các công ty dược lớn hiện nay đều nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài.

Các công ty dược lớn hiện nay đều nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài.

Ngay khi Taisho bước chân vào Dược Hậu Giang, Tập đoàn Abbot (Mỹ) cũng âm thầm mua lại Công ty TNHH Dược phẩm Glomed. Đây là công ty dược phẩm có tên tuổi trên thị trường dược phẩm Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, trong năm 2018, Abbot nâng sở hữu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) lên mức 51%. Domesco đã được CFR International SPA – công ty dược lớn nhất Chile mua 42% cổ phần vào năm 2012, nhưng sau đó CFR bị Abbot mua lại hoàn toàn vào năm 2014.

Khác với thương vụ trên, Stada Service Holding B.V – một công ty con của hãng dược phẩm Stada (Đức), âm thầm mua cổ phần Pymepharco từ năm 2011, khi Pymepharco còn chưa niêm yết. Pymepharco tiền thân là Công ty Dược và Vật tư Y tế Phú Yên được thành lập năm 1989 và được chuyển đổi thành công ty cổ phần từ năm 2008. Đến cuối năm 2018, Stada Service Holding B.V đã sở hữu tới 62% cổ phần Pymepharco, đạt được mục tiêu chi phối.

Mua lại hệ thống phân phối

Ngành dược là một trong số ít các ngành được giới đầu tư đánh giá là khó bị lỗ nhất. Cùng với bối cảnh thu nhập trung bình và nhận thức về sức khỏe của người dân ngày càng tăng lên, đầu tư vào dược trở nên hấp dẫn, điều này thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Hãng nghiên cứu thị trường BMI đánh giá, doanh số thị trường dược Việt Nam sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD trong năm 2021 lên hơn 16 tỷ USD vào năm 2026.

Trong lĩnh vực bán lẻ, báo cáo của Công ty Chứng khoáng Rồng Việt (VDSC) cho thấy, cả nước đang có khoảng 30.000 hiệu thuốc lớn nhỏ. Doanh số bán lẻ dược phẩm của Việt Nam mới đạt 30% trong tổng doanh thu toàn thị trường dược, trong khi tỷ lệ này ở Brazil là 64% và Philippines là 80%.

Tiềm năng là vậy, nhưng ngặt nỗi, các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài khó tham gia vào hệ thống phân phối này. Nghị định số 54/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ đầu tháng 7/2017) quy định, doanh nghiệp nước ngoài được quyền nhập khẩu nhưng không được trực tiếp phân phối thuốc. Điều này cũng lý giải vì sao các nhà thuốc bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn vắng bóng trên thị trường.

Do đó, Tiến sĩ Trần Vinh Dự - phụ trách mảng M&A (Mua bán và sát nhập) của Công ty Ernst & Young Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp dược Việt Nam là nhắm đến hệ thống phân phối. “Mục tiêu lâu dài là sở hữu chi phối doanh nghiệp trong nước”, ông Dự nhận xét.

Doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp dược Việt Nam là nhắm đến hệ thống phân phối.

Doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp dược Việt Nam là nhắm đến hệ thống phân phối.

Sau khi thâu tóm, doanh nghiệp Việt kỳ vọng sẽ được đối tác nước ngoài hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất để nâng cấp chất lượng thuốc. Dược phẩm hiện nay có hai loại, thuốc biệt dược gốc (Brand name) và thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ độc quyền (Generic). Riêng thuốc Generic được chia làm 4 nhóm. Hai nhóm đầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Cơ quan quản lý dược Châu Âu - EMA (như EU-GMP, PIC/S-GMP,...), cần dây chuyền sản xuất hiện đại. Trong nước mới có vài doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn này như Domesco hay Pymepharco. Phần lớn doanh nghiệp Việt chỉ sản xuất dược phẩm thuộc nhóm 3 có tiêu chuẩn thấp hơn là GMP-WHO.

Khi có nhiều doanh nghiệp dược nước ngoài vào Việt Nam, giá thuốc ở kênh OTC (bán lẻ qua các nhà thuốc tư nhân) có thể không biến động nhiều. Đối với kênh ETC (bệnh viện, trạm y tế), người tiêu dùng kỳ vọng giá thuốc chất lượng cao sẽ giảm nhờ áp lực cạnh tranh từ việc có thêm nhiều đơn vị đấu thầu.

Tuy nhiên, theo Dược sĩ Trần Phú Quý (TP.HCM), đấu thầu vào bệnh viện ở các dòng thuốc Generic chất lượng cao vẫn là cuộc chơi của các công ty dược nước ngoài và một số ít doanh nghiệp nội. Sau khi Nghị định 54 yêu cầu doanh nghiệp dược niêm yết giá thuốc và giá trúng thầu dựa theo giá thị trường từ năm 2017, giá thuốc chất lượng cao có giảm đôi chút. Hiện tại, doanh nghiệp Việt chưa ưu tiên nhiều cho kênh ETC nên giá thuốc tại các bệnh viện thuộc thuộc nhóm 3 cũng chưa có dấu hiệu giảm. “Tùy vào khả năng tài chính của bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc Generic có chất lượng cao hay thấp. Giá sẽ chưa giảm vì phí bôi trơn vẫn còn”, ông Quý nhận xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dù lắm anh tài quốc tế chi phối, người bệnh đừng mơ có giá thuốc rẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO